Nhà văn trẻ không xa lánh thời cuộc

29/09/2016 - 08:12
“Không thể trốn tránh mãi trong sự bình yên cá nhân, tôi viết về những điều cuộc sống đòi hỏi ở bản thân mình” – Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học khẳng định trước Hội nghị đại biểu toàn quốc những người viết văn trẻ lần thứ 9.
Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học 

Nhiều lúc tôi tự hỏi, thế hệ mình, những người cầm bút trẻ đã làm được gì để góp phần tạo ra các giá trị? Nhiều lúc tôi tự thấy xấu hổ vì đã chưa thật sự dấn thân trong sáng tạo, để cùng với các cây bút trẻ khác, cất lên tiếng nói của một thế hệ, những người cầm bút trẻ đang hưởng nền hòa bình từ bao quặn thắt đau thương, hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông đi trước để làm nên đất nước Việt Nam như hôm nay.

Không có gì là to tát, chẳng có gì cao siêu. Chúng ta là mỗi con dân của đất nước, có bao giờ chúng ta vì một chút quyền lợi cá nhân, mà tuổi trẻ chúng ta vô cảm với thời cuộc? Hay chúng ta đã xa lánh với việc cùng nhau xốc lại bản thân, để từ trong chính đời sống thường nhật, từng con chữ, chúng ta góp phần tôn bồi văn hóa, nhân lên khát vọng sống, sự sẻ chia, đẩy lùi cái bất công ngoài xã hội?

Vâng! Chúng ta nhận thấy bản thân nhỏ bé, chỉ là một hạt cát. Nhưng chắc chắn đó là những hạt cát biết nói, biết xúc động thật sự, biết hành động và không thể làm ngơ trước bao số phận còn khổ đau, bao điều ngang trái vẫn diễn ra từng ngày. Chúng ta đã làm gì, viết gì, trăn trở ra sao về tương lai của quê hương, cộng đồng chúng ta, rộng hơn là đất nước?

Chúng ta hãy nghĩ rằng, dù là hạt cát, nhưng những hạt cát đó có thể cùng tạo động lực và cảm hứng cho nhau, tạo hiệu ứng sâu rộng, bởi vì chúng ta có khả năng làm chủ con chữ, có nghị lực và mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thời cuộc không cho phép chúng ta ỷ lại, vô cảm nữa. Chúng ta có đủ dũng khí để nhập cuộc. Những khuôn mặt sáng ngời, những tác giả, cây bút được học hành tử tế, được uống chung nguồn nước đoàn kết truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Vâng! Cuộc sống đang đặt lên vai chúng ta trách nhiệm, đòi hỏi chúng ta phải nghĩ khác và sống khác. Đòi hỏi chúng ta phải có những hy sinh cá nhân cho mục tiêu chung. Bản thân tôi cũng đặt lên vai trách nhiệm cho mình một trách nhiệm với thời cuộc. Không thể trốn tránh mãi trong sự bình yên cá nhân, và tôi nhập cuộc trong sự việc sáng tác và sáng tạo về những điều tôi thấy không thể không viết. Tôi viết về những điều cuộc sống đòi hỏi ở bản thân mình. Những khổ đau vụn vặt cá nhân, chuyện tình tay ba tay tư, hay những u hoài về kỷ niệm cá nhân cần phải gác lại một bên, để nhường chỗ cho tư duy mới, ý nghĩ và trở trăn mới về vấn đề bức thiết của xã hội đang quan tâm. Tôi không cổ vũ những sáng tác xa rời hiện thực cuộc sống đang diễn biến vô cùng mau lẹ, phức tạp và đầy ngổn ngang. Tôi không cổ vũ những sáng tác mang quá nhiều yếu tố thị trường, với nhiều tác phẩm sướt mướt, ủy mị. Dù rằng chính bản thân tôi còn có những chỗ dễ dãi, hời hợt, kém sáng tạo, kém sự thôi thúc xúc động. Tôi biết mình đang ở đâu và vẫn nỗ lực cố gắng.

Về góc độ những người sáng tác trẻ mảng văn xuôi, một loạt tên tuổi đã tham gia góp mặt vào diện mạo văn xuối trẻ như Văn Thành Lê, Lê Minh Nhựt, Đinh Phương, Chu Thị Minh Huệ, Vũ Thị Huyền Trang, Fan Tuấn Anh, Yến Linh, Lê Quang Trạng, Nguyễn Văn Học, Trác Diễm, Nhật Phi, Trịnh Sơn… Nhiều tác giả đã có nhiều tác phẩm truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết xuất bản, như tôi - Nguyễn Văn Học có một loạt tiểu thuyết: “Rơi xuống vực sâu”, “Khi vết thương nằm xuống”, “Hỗn danh”, “Hoa giang hồ”; Văn Thành Lê có “Biết khi nào mưa thôi rơi”, “Con gái tuổi dần”, “Thừa ra một người”; Đinh Phương có “Đợi đến lượt”, “Nhụy khúc”; Minh Moon có “Hạt hòa bình”; Trác Diễm có “Hồn lau trắng”; Nguyễn Quỳnh Trang có “Nhiều cách sống”, “Mất ký ức”, “1981”; Nhật Phi có “Người ngủ thuê”…

Hội nghị đại biểu toàn quốc những người viết văn trẻ lần thứ 9 khai mạc ngày 28/9 tại Hà Nội

Tôi xin tạm phân biệt, đây là những cây bút viết theo lối chính thống. Rất nhiều trong số những cây bút kể trên dám dấn thân. Thậm chí dấn thân một cách cô độc trong khi cuộc sống còn quá vất vả. Nhiều trong số đó vừa phải mưu sinh, vừa cố gắng khẳng định mình. Thêm nữa, tác giả văn xuôi trẻ với tính chất chính thống đang cố gắng xác lập giá trị, hướng đến viết dài hơi bằng việc đầu tư cho truyện dài, tiểu thuyết.

Tôi tin các tác giả ấy, những gương mặt ấy sáng tác vì thấy cần phải sáng tạo như một nhu cầu tự thân, không a dua để câu khách. Có những người tuyên bố không bao giờ dính dáng đến truyện sến dù cuộc sống khó khăn. Họ hướng tới cái hay, cái mỹ và cả chất nhân văn cũng như tầm tư tưởng. Đó là phẩm chất đáng quý mà chúng ta cần phát huy để nhập cuộc sâu rộng hơn, sáng tạo nhiều và ấn tượng hơn, góp thêm những tiếng nói sâu sắc bằng chính các tác phẩm có tư tưởng gắn với tinh thần thời đại.

Cũng phải thừa nhận một thực tế, hiện nay nhiều cây bút trẻ sáng tác dòng thị trường trở nên rất ăn khách. Thậm chí số lượng phát hành lớn, thu được lợi nhuận mà nhiều nhà văn hàn lâm phải mơ ước. Điều đó nói lên vấn đề gì? Điều này có thể lý giải rằng họ khác chúng ta về nhận thức và mục tiêu sáng tạo. Sách bán chạy chưa phải đã hay. Nhưng chúng ta cùng hướng tới sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng, song song với đó là được bạn đọc đón nhận, được phát hành với số lượng lớn. Chúng ta cần phải biết sốt ruột để không cho phép mình bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cùng dấn bước trên con đường nhọc nhằn. Nhiều trong số các cây bút trẻ, ngay như bản thân tôi, có một xuất phát điểm thấp, vừa phải vật lộn mưu sinh, vừa sáng tác. Nhưng chúng ta sáng tạo với tư cách là những người yêu nước, dám lên tiếng với sự bất công, xảo trá, bất trắc bằng tiếng nói của văn học. Chúng ta đứng về phía sự thật, phía cái đẹp và giản dị. Chúng ta cùng lên tiếng vì những giá trị cao đẹp của văn chương.

Chắc chắn rằng, trên con đường nhập cuộc của những cây bút trẻ thế hệ chúng tôi, cần lắm sự đồng hành của các cơ quan xuất bản, sự ủng hộ của các cơ quan thông tấn, truyền thông và sự đón nhận của công chúng. Tôi cũng mong có thêm các cuộc thi văn chương nhằm phát hiện, tìm ra được tác phẩm văn xuôi có chất lượng, đủ lay thức lòng người, nhân thêm cái đẹp trong cuộc sống.

Hội nghị đại biểu toàn quốc những người viết văn trẻ lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 28 và 29/9/2016. Tham dự Hội nghị có 112 người viết trẻ sinh năm 1980 trở về sau này, đã có tác phẩm được xuất bản và nhận được giải thưởng văn chương từ các tổ chức nghề nghiệp, cơ quan báo chí – xuất bản uy tín.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm