1% dân số nước ta bị nang gan

17/08/2015 - 08:21
Ước tính, khoảng 1% dân số nước ta bị nang gan. Các chuyên gia y tế cho rằng, phụ nữ có nguy cơ mắc nang gan gấp 1,5 lần so với nam giới.
Chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây bệnh nang gan
Theo Hội Gan mật Việt Nam, nang gan diễn biến âm thầm và đa phần được phát hiện khi siêu âm hoặc chụp CT ổ bụng. Đây là tổn thương dạng nang ở gan, hầu hết là lành tính.
Có nhiều loại nang gan như: Nang gan đơn độc và bệnh đa nang; nang gan do ký sinh trùng, u nang tuyến, nang đường mật... nhưng thường gặp nhất là nang gan đơn độc và bệnh đa nang. Nang gan cũng có thể do các tổn thương ung thư dạng nang như: Ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô nang tuyến, ung thư di căn nhưng rất hiếm gặp. Về tác nhân gây bệnh, ngoại trừ nang gan do ký sinh trùng gây ra, với các nang gan khác, hiện y học chưa tìm được nguyên nhân cụ thể.

Lo phát triển thành ung thư
Không ít chị em khi phát hiện bệnh này, dù bác sĩ khuyến cáo là không cần điều trị ngay mà nên theo dõi thêm, vẫn tỏ ra rất lo lắng. Trong một lần siêu âm kiểm tra sức khỏe định kỳ, chị Trần Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) được bác sĩ chẩn đoán bị nang gan, với kích thước trên 2cm. Bác sĩ chỉ định nên tiếp tục theo dõi, nếu nang gan phát triển nhanh và lớn hơn thì mới phải can thiệp, còn không thì có thể "sống chung" với nang gan. Song, chị Hà rất băn khoăn, bởi sợ nang gan có thể phát triển thành khối u, thậm chí ung thư.

        Dù bác sĩ đã khuyến cáo bệnh này không cần điều trị ngay mà nên theo dõi thêm nhưng chị em vẫn tỏ ra rất lo lắng

Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia gan mật cho rằng, đa số nang gan đơn độc không cần phải điều trị nếu kích thước nhỏ. Tuy nhiên, khi nang gan có đường kính từ 4cm trở lên, cần theo dõi bằng siêu âm định kỳ. 3 tháng sau khi được chẩn đoán bị nang gan, bệnh nhân cần được siêu âm lại; 6 tháng sau lần kiểm tra đó, cần tiếp tục đi khám. Khoảng 1 năm sau, người bệnh cần kiểm tra tiếp. Nếu kích thước nang không thay đổi thì không cần can thiệp và có thể phải theo dõi tiếp.

Không khó xử lý
Khác với nang gan kích thước nhỏ ít có biểu hiện, khi nang gan lớn, người mắc thường có các triệu chứng điển hình là cảm giác khó chịu vùng bụng, đau ở vùng gan, ăn kém, khó thở và buồn nôn. Do đó, khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì nếu nang gan phát triển lớn, nhất là nang gan đơn độc - loại thường gặp - có thể gây biến chứng như: Xuất huyết, nhiễm trùng, bị xoắn, vỡ nang hoặc tắc mật.

                                                                 Dù hiếm gặp nhưng nang gan cũng có thể liên quan đến ung thư nên cần khám, theo dõi và xử lý sớm


Ngoài ra, dù hiếm gặp nhưng nang gan cũng có thể liên quan đến ung thư nên cần khám, theo dõi và xử lý sớm. Nếu nang gan lớn và cần xử lý, tùy vào mức độ của bệnh, vị trí nang gan, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Hiện có nhiều phương pháp điều trị nang gan, gồm chọc hút bằng kim, phẫu thuật cắt gan (thường là mổ nội soi)...
Nang gan thường được phát hiện khi khám tổng quát. Vì thế, để phát hiện bệnh, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ nhằm theo dõi sức khỏe của gan. Khi bị nang gan, người bệnh cần hạn chế dầu mỡ trong khẩu phần ăn; làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tránh làm việc nặng hoặc tập thể dục gắng sức để hạn chế nang phát triển lớn hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm