Ngày 5/12, các gia đình nạn nhân trong vụ tai biến chạy thận cho biết, đã gửi đơn kiến nghị đến các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành của TƯ và Hoà Bình đề nghị trả tự do cho bác sĩ Hoàng Công Lương, bị can trong vụ án.
Theo đó, đơn kiến nghị gồm chữ ký của đại diện 18 gia đình nạn nhân, bao gồm 9 gia đình có người thân tử vong và 9 người bị thương trong vụ tai biến.
Gia đình các nạn nhân cho rằng, sự cố chạy thận ngày 29/5/2017 tại BV Đa khoa Hòa Bình đã được cơ quan chức năng kết luận là do tồn dư hóa chất độc hại cao gấp 260 lần mức cho phép trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống nước RO. Lỗi để xảy ra tồn dư hóa chất gây chết người này trong hệ thống nước RO sử dụng cho chạy thận nhân tạo là lỗi của những người ký kết hợp đồng sửa chữa, những người thực hiện và giám sát thực hiện hợp đồng, không liên quan đến công việc chuyên môn của các y bác sĩ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương.
Hơn nữa, theo phân tích của các chuyên gia, bác sĩ Hoàng Công Lương và các y bác sĩ Đơn nguyên Thận nhân tạo đã làm đúng chức trách của mình trước trong và sau khi xảy ra sự cố. Bác sĩ Lương cũng không phải là kỹ sư của đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng như trong hợp đồng đã ký kết nên không thể quy trách nhiệm cho các vị bác sĩ này được. Trách nhiệm này thuộc về những người ký kết hợp đồng, thực hiện và giám sát thực hiện hợp đồng.
Các gia đình nạn nhân cho rằng, lỗi do thiết bị mấy móc làm chết người thì xử lý những người có trách nhiệm về máy móc, thiết bị, không thể quy trách nhiệm cho bác sĩ Hoàng Công Lương và Đơn nguyên thận nhân tạo.
Đặc biêt, qua diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, quá trình trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 1, lần 2, lần 3, qua việc thay đổi tội danh với bác sĩ Hoàng Công Lương đến 3 lần, qua ý kiến các chuyên gia, luât sư, các gia đình nạn nhân khẳng định bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội.
Vì vậy, các gia đình nạn nhân viết đơn đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo trả tự do cho bác sĩ Hoàng Công Lương để bác sĩ có thể làm chuyên môn khám chữa bệnh cứu người.
Như PNVN đã thông tin, ngày 29/5/2017, tại BV Đa khoa Hòa Bình đã xảy ra sự cố chạy thận nghiêm trọng làm 9 người chết. Cơ quan CSĐT điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vô ý làm chết người.
Ngày 15/5/2018, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình đã phiên tòa xét xử sơ thẩm. Các bị cáo gồm bác sĩ Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị xử về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Bùi Mạnh Quốc bị xử về về tội “Vô ý làm chết người”.
Sau 12 ngày xét xử, HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT đã khởi tố thêm Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu về tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đến ngày 24/8, Cơ quan CSĐT đã thay đổi tội danh bị can đối với Hoàng Công Lương từ tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thành tội “Vô ý làm chết người”.
Ngày 13/9, CSĐT đã ra kết luận điều tra bổ sung lần 2 và đề nghị khởi tố ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến ngày 25/11, Cơ quan CSĐT ra kết luận điều tra bổ sung lần 3, trong đó đề nghị khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
PNVN tiếp tục thông tin sự việc.