3 liệu pháp ngăn trẻ tự tử

09/10/2016 - 10:20
Những ngày qua, vụ học sinh ở trường THCS Âu Lâu, TP. Yên Bái thắt cổ tự khiến dư luận bị ám ảnh. Điều các phụ huynh quan tâm là phải làm gì để có thể ngăn được những vụ việc đau lòng này?
 

Cần phải xác định rõ nguyên nhân trực tiếp từ đó mới đề xuất được biện pháp để giúp các em ứng phó với các tình huống xấu - Ảnh minh họa internet.

Thiếu điểm tựa

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hành vi tự tử, tự sát ở tuổi thiếu niên. Song, một số biểu hiện tâm lý thường thấy rõ là các em vì xấu hổ với bạn bè, vì lòng tự trọng, vì cái tôi quá lớn, kỹ năng làm chủ bản thân còn hạn chế… mà dẫn đến hành vi tự tử.

Tuy nhiên, trong các trường hợp trên thì cha mẹ lại không hiểu con cái. Thậm chí, có khi gia đình còn bỏ mặc, coi thường, hoặc bêu rếu con trước bạn bè và những người xung quanh. Vì vậy, khi các em thiếu điểm tựa tinh thần cần thiết từ trong gia đình, thiếu đi sự chia sẻ cảm xúc của những người thần yêu thì tâm lý mặc cảm, tiêu cực càng diễn biến theo chiều hướng xấu và khi không kiểm soát được hành vi thì các em sẵn sàng tự tử, tự sát như một cách trốn chạy khỏi nỗi áp lực, bức bách.

Hơn nữa, hiện nay ở các trường trung học cơ sở hầu như chưa có giáo viên phụ trách chuyên môn về tham vấn tâm lý học đường nên mỗi khi gặp khó khăn, các em cũng không biết chia sẻ cùng ai.

Ở trường, vẫn nặng về dạy chữ mà ít quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống, những kỹ năng cần thiết. Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở là lứa tuổi có những diễn biến tâm lý mới mẻ và phức tạp, lứa tuổi không phải là trẻ con nhưng cũng không hẳn là người lớn. Cái tôi, lòng tự trọng được đề cao quá mức trong khi thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, lý trí chưa đủ mạnh để kiềm chế cảm xúc. Chính vì vậy, sự bất lực đó đã dẫn đến tâm lý hoảng loạn, hoang mang, chán chường cuộc sống và cuối cùng thì các em đã có những hành vi tiêu cực.

Bên cạnh đó, tâm lý đám đông, mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến lòng tự trọng của các em. Nếu như phải đối mặt với sự a dua, cổ vũ của đám đông mà bản thân các em lại thiếu kỹ năng làm chủ thì có thể tác động tiêu cực đến lứa tuổi này.

 Người lớn cần phải hiểu trẻ thực sự muốn gì, khó khăn, vướng mắc ra sao để từ đó sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các em - Ảnh minh họa internet.

Liệu pháp nào?

- Điểm tựa tinh thần: Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi người lớn cần phải hiểu trẻ thực sự muốn gì, khó khăn, vướng mắc ra sao để từ đó sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các em.

Các em chỉ thực sự cảm thấy an toàn và làm chủ được cảm xúc, hành vi khi có người lớn nhất là cha mẹ, thầy cô là người bên cạnh giúp đỡ, động viên, chia sẻ. Vì vậy, ở lứa tuổi này, người lớn nhất định phải hiểu các em, tôn trọng các em và luôn đồng hành cùng các em trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

- Dạy kỹ năng sống thiết thực: Là giải pháp trực tiếp giúp các em có khả năng tự bảo vệ bản thân mình. Một trong những lý do dẫn đến tự tử là các em thiếu các kỹ năng làm chủ cảm xúc, kỹ năng vượt qua sự mặc cảm, kỹ năng chia sẻ với người khác khi gặp khó khăn…Vì thế, ở gia đình thì cha mẹ phải thường xuyên giáo dục cho con bản lĩnh, không phải cứ thấy khó khăn là nghĩ đến cái chết, tạo ra nhiều tình huống để các em có hướng xử lý thích hợp, phê phán những hành vi tiêu cực không đáng có.

Đặc biệt là người lớn không bao giờ được lấy lỗi của trẻ ra bêu riếu trước tập thể, điều đó là nguy cơ của sự bất mãn, hoang mang, lo lắng, buồn chán… Còn ở trường, đội ngũ thầy cô giáo phải tăng cường giáo dục cho các em kỹ năng sống, đạo đức, tính cách, ứng xử xã hội phù hợp. Nếu có thể, ở mỗi trường học cần có một giáo viên tham vấn tâm lý sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với học sinh trong suốt quá trình học tập.

- Giáo dục tinh thần trách nhiệm cho trẻ: Trước hết cha mẹ phải giúp con biết gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, bi quan trong cuộc sống. Khi trẻ thất bại, hoặc bị các bạn đem ra chế giễu, cha mẹ đừng để trẻ một mình đối mặt với sự giày vò, đau khổ trong cô đơn, buồn tủi. Hãy sát cánh bên con và hướng dẫn cho chúng biết cách tự đứng lên, và cố gắng vượt qua. Chỉ cho trẻ biết những mặt mạnh mà trẻ đang có để trẻ vững tin bước qua những thử thách đầu đời.

Một đứa trẻ có hạn chế như học tập chậm hơn các bạn, có ngoại hình khiêm tốn... thường nghĩ rằng, mình là gánh nặng cho người khác. Vì thế, hay giao cho trẻ những nhiệm vụ vừa sức để trẻ có thể làm tốt bằng chính khả năng của chúng. Qua đó, trẻ sẽ suy nghĩ tích cực hơn, yêu quý những gì mình đang có, đủ nghị lực để vượt qua chính mình.

Với tất cả những gì trẻ có được, cùng với sự vun đắp, dạy dỗ kiên trì của cha mẹ, trẻ sẽ thấy cuộc sống của mình đầy ắp yêu thương. Trẻ sẽ tự tin vươn tới thành công và biết yêu quý, trân trọng mình. Trẻ sẽ biết sống có trách nhiệm với gia đình, với bản thân.

Hạn chế tối đa những vụ học sinh tự tử là trách nhiệm của cả xã hội, mà trực tiếp nhất chính là cha mẹ và thầy cô giáo ở trường. Hãy luôn đồng hành cùng với các em để giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm