pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 dạng hen suyễn do thời tiết và cách đối phó
1. Các dạng hen suyễn do thời tiết
1.1. Hen suyễn do thời tiết lạnh
Lạnh là dạng khí hậu kích thích cơn hen phổ biến nhất. Khi nhiệt độ giảm, bạn có thể nhận thấy nhiều triệu chứng hen suyễn hơn. Điều này thường là do:
- Khi không khí lạnh xâm nhập vào đường thở của bạn, nó có thể gây co thắt đường thở, làm xuất hiện các triệu chứng hen suyễn như ho, khò khè, khó thở và tức ngực.
- Nhiệt độ thấp có thể khiến ô nhiễm không khí tồi tệ hơn, đường thở dễ bị dị ứng và kích thích hơn.
- Trong mùa đông, mọi người dễ bị cảm lạnh và cảm cúm, gây nhiễm trùng đường thở.
1.2. Hen suyễn do thời tiết nóng
Đa số chúng ta có triệu chứng hen suyễn tồi tệ hơn trong mùa đông. Nhưng đôi khi, nóng bức cũng có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn cho một số người. Nguyên nhân không rõ ràng nhưng hai lý do có thể là:
- Hít thở không khí nóng có thể khiến đường thở bị hẹp, dẫn đến ho và khó thở.
- Vào mùa hè, thường có khói bụi, chất ô nhiễm và phấn hoa cao hơn trong không khí.
1.3. Hen suyễn do giông bão
- Không khí trước một cơn bão thường rất ẩm ướt và ngột ngạt. Điều này khiến cho bệnh nhân bị căng thẳng và ho, họ cảm thấy khó thở hơn.
- Những cơn gió mạnh trong giông bão có thể thổi bay phấn hoa và bụi bẩn lên không trung. Độ ẩm cao trong không khí có thể phá vỡ phấn hoa thành nhiều hạt nhỏ. Mọi người có thể hít phải những hạt phấn nhỏ và bụi bẩn, gây bộc phát cơn hen suyễn do thời tiết.
1.4. Hen suyễn do thay đổi thời tiết
Sau không khí lạnh, thì sự thay đổi thời tiết là dạng khí hậu kích thích cơn hen phổ biến thứ hai, dì là thay đổi tăng hay giảm nhiệt độ.
Sự thay đổi thời tiết khiến cho đường thở chưa kịp thích ứng, gây ra các cơn căng cứng ngực, ho và khó thở. Thời tiết thay đổi cũng là điều kiện lý tưởng cho các loại virus, vi khuẩn và cảm cúm phát triển, khiến mọi người dễ bị các bệnh về đường hô hấp hơn
2. Biện pháp đối phó với hen suyễn do thời tiết
- Tiếp tục dùng thuốc hít hen suyễn thường xuyên để giảm triệu chứng. Luôn mang theo ống thuốc hít mũi bên người để sẵn sàng đối phó khi cơn hen xuất hiện.
- Đi thăm khám thường xuyên để theo dõi tình trạng và được tư vấn đổi thuốc nếu cần thiết.
- Theo dõi dự báo thời tiết để chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới. Khi bạn bị hen suyễn do thời tiết, thì vào những ngày khí hậu khắc nghiệt như quá nóng, quá lạnh, bão giông, ngày chuyển mùa,.. tốt nhất bạn nên ở trong nhà.
- Đối với những hoạt động dài hạn ở ngoài trời, bạn cần lên kế hoạch trước và chuẩn bị thật sẵn sàng.
- Đối với hen suyễn do thời tiết lạnh, người bệnh cần giữ ấm cơ thể. Luôn mang theo 1 chiếc khăn để che mũi và miệng khi ra ngoài. Điều này giúp đường thở của bạn không bị sốc khí lạnh. Tránh thở bằng miệng. Thở bằng mũi sẽ giúp làm ấm không khí trước khi chúng đi vào phế quản.
- Đối với trẻ em, để ngăn chặn hen suyễn do thời tiết lạnh, phụ huynh cần nói chuyện với con về cách giữ ấm và những lưu ý trong mùa đông. Chuẩn bị thuốc dự phòng cho con mang đi học. Phụ huynh cũng nên nói chuyện với giáo viên về tình trạng của con để được hỗ trợ khi cần thiết.
- Nếu bạn biết giông bão ảnh hưởng đến bạn, hãy thử ở trong nhà trước, trong và sau cơn bão, và đóng cửa sổ để ngăn không cho phấn hoa vào trong nhà.
Với những bệnh nhân khác nhau, thời tiết ảnh hưởng đến họ theo những cách khác nhau. Điều quan trọng là làm quen với các yếu tố kích hoạt triệu chứng hen suyễn do thời tiết của bạn. Nếu bạn biết thời tiết là yếu tố khởi phát, thì hãy luôn mang theo thuốc để giảm nguy cơ mắc các triệu chứng.
Nguồn dịch: https://www.asthma.org.uk/advice/triggers/weather/