pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 cách để kiểm soát sự lo lắng của bạn khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp
- 1. Tự đánh giá rủi ro cá nhân của bản thân với khả năng lây nhiễm Covid-19
- 2. Cố gắng chắt lọc những kênh thông tin chính thống và hạn chế tiêu thụ những tin tức chưa được kiểm duyệt từ các trang mạng xã hội
- 3. Hãy nghĩ rằng việc bạn đang cảm thấy lo lắng là hoàn toàn bình thường
- 4. Đừng quên thực hiện tốt các quy định về phòng dịch
- 5. Tự động viên bản thân là bạn đang làm tốt nhất có thể trong tình hình hiện tại
Cho tới hiện tại, cụm từ "Covid-19", "đại dịch Covid-19",... chúng ta có thể nghe được ở bất cứ đâu từ báo đài tới mạng xã hội,... Các trang tin tức liên tục cập nhật các số liệu, phát ngôn của Bộ Y tế, nhưng cập nhật liên quan tới số ca nhiễm, tình hình thế giới,...
Bạn có thể cảm thấy, sự "hoảng loạn", "lo âu" là có thật, đặc biệt là khi các số liệu về các ca lây nhiễm chưa truy vết được nguồn lây hay sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Tất nhiên, sự lo lắng của mọi người trong giai đoạn này là hoàn toàn dễ hiểu. Và bạn có thể tự kiểm soát tình trạng căng thẳng trong đại dịch Covid-19 bằng một số biện pháp đơn giản:
1. Tự đánh giá rủi ro cá nhân của bản thân với khả năng lây nhiễm Covid-19
Tự đánh giá rủi ro cá nhân với khả năng lây nhiễm Covid-19 hay nói cách khác là tự chủ động về vấn đề sức khoẻ của bản thân. Bạn hãy xác định xem các yếu tố nguy cơ lây nhiễm của mình như thế nào, chẳng hạn như đặt ra các câu hỏi:
- Bạn có chắc chắn đã đeo khẩu trang khi ra ngoài không?
- Bạn có rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng hay không?
- Bạn có đến khu có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc với người có yếu tố dịch tễ không?
- Bạn có đang gặp phải các vấn đề về hệ miễn dịch hay tình trạng hô hấp nào dễ gây nhầm lẫn với các triệu chứng Covid-19 hay không?
...
Những câu hỏi này không những không làm bạn cảm thấy lo lắng hơn mà sẽ giúp bạn bình tĩnh đánh giá được tình trạng sức khoẻ của bản thân hiện tại, từ đó giảm mức độ lo lắng khi các câu trả lời hầu hết là "không".
Còn giả dụ, nếu như có một số yếu tố nguy cơ cao như tiếp xúc với người có yếu tố dịch tễ đang là F1, F2,... thì bạn nên nhanh chóng liên hệ với các cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý tốt nhất.
Alicia H. Clark, PsyD, nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn sách Hack Your Anxiety cho biết: "Việc phân tích cặn kẽ các yếu tố sức khoẻ giúp bạn kiểm soát một cách chủ động thay vì chỉ thụ động tiếp nhận thông tin trong đại dịch Covid-19".
2. Cố gắng chắt lọc những kênh thông tin chính thống và hạn chế tiêu thụ những tin tức chưa được kiểm duyệt từ các trang mạng xã hội
Đó là sự thật. Ít nhất là bạn nên nắm được các vấn đề mà Bộ Y tế, WHO đang khuyến cáo thay vì lướt mạng xã hội và cập nhật một cách liên tục các tin tức không chính thống và cố gắng "tiêu thụ lượng tin tức khổng lồ" này.
Việc đọc, xem liên tục các tin tức không giúp ích cho việc giảm đi mức độ lo lắng của bạn mà thay vào đó tình trạng lo âu, căng thẳng của bạn sẽ tăng lên.
Clark nói rằng: "Hãy tự giới hạn kênh tiếp cận thông tin và mức độ tin tức cập nhật về Covid-19 của bản thân. Nhất là khi bạn cảm thấy mình là người dễ bị kích thích bởi tin tức và số liệu. Bạn càng tiếp xúc với một chủ đề đáng sợ mà bạn cảm thấy bị kiểm soát thì bạn lại càng cảm thấy lo lắng hơn mà thôi".
3. Hãy nghĩ rằng việc bạn đang cảm thấy lo lắng là hoàn toàn bình thường
Khi làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam với số liệu lớn hơn thì việc lo lắng của bạn là hoàn toàn bình thường.
Đọc thêm: Phân biệt lo âu quá mức với các triệu chứng Covid-19
Không chỉ riêng bạn cảm thấy căng thẳng. Nếu như có người nói với bạn về sự lo lắng của họ trước đại dịch Covid, thay vì nói "tôi cũng lo lắng như vậy" hay "đáng sợ quá",... thì bạn có thể chuyển sang hỏi rằng "Chà, vậy chúng ta cần làm gì để chuẩn bị tốt nhất?",...
Việc chuyển đổi suy nghĩ như thế này sẽ giúp bạn tránh khỏi luồng ý nghĩ tính tiêu cực và hướng tới việc chủ động hơn trong phòng ngừa dịch bệnh hay bảo vệ sức khoẻ.
4. Đừng quên thực hiện tốt các quy định về phòng dịch
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về phòng chống Covid-19 sẽ giúp bạn cảm thấy yên tâm hơn với việc bạn đã làm tốt như thế nào để mình hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 từ những người xung quanh.
Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế các hoạt động đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2m,... là những nguyên tắc phòng dịch đang được khuyến cáo thực hiện ở giai đoạn hiện tại.
5. Tự động viên bản thân là bạn đang làm tốt nhất có thể trong tình hình hiện tại
Ở bất kì thời điểm nào, khi bạn đang thực hiện các biện pháp phòng dịch kể trên hoặc đơn giản chỉ là việc bạn đang ở nhà, đang Work From Home, đang dọn dẹp nhà cửa, khử khuẩn các đồ dùng,... thì hãy nhắc nhở bản thân rằng: "Bạn đang làm tốt để phòng chống việc lây nhiễm Covid-19".
Đây được gọi là "kỹ thuật tiếp đất" trong tâm lý học. Trạng thái này sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn thay vì lo lắng thường xuyên về những việc có thể hoặc không thể xảy ra trong tương lai đại dịch.
Trong trường hợp kỹ thuật này không hiệu quả thì hãy thử đánh lạc hướng trí não của bạn sang một vấn đề khác, chẳng hạn như nghe nhạc, nói chuyện phiếm với bạn bè, thăm hỏi người thân qua điện thoại, tập thể dục,... để phá vỡ chuỗi suy nghĩ tiêu cực lại.
Bạn có thể sẽ cần tới một chuyên gia sức khoẻ tâm thần nếu như cảm thấy tình trạng lo lắng của mình không được cải thiện và đang có xu hướng trở nên tồi tệ hơn.
Nguồn dịch: https://www.health.com/condition/anxiety/coronavirus-anxiety