pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 mẹo kể chuyện giúp chị em thoát mác "nhạt nhẽo" trong mọi cuộc đối thoại
1. Xác định thông điệp muốn truyền đạt
Các đồng nghiệp chẳng muốn lãng phí thời gian nghe câu chuyện nhảm nhí, vô nghĩa của chị em đâu. Hãy suy nghĩ đến điều mà mọi người quan tâm. Ví dụ khi kể chuyện mình sáng nay vừa gặp phải chốt cảnh sát giao thông ở Trường Chinh rất gắt, chị em có thể tiện nhắc nhở đồng nghiệp phải thật cẩn thận khi đi qua đoạn đường này.
2. Ngắn gọn thôi
Một câu chuyện phiếm chỉ nên dài khoảng 3-5 phút là hợp lý. Kể chuyện quá dài dễ khiến các “khán giả” trong văn phòng cảm thấy nhàm chán, mất hứng nghe. Do đó, chị em nên lựa chọn những chi tiết chính và diễn đạt lại thật xúc tích, ngắn gọn nha!
3. Nhưng vẫn phải "xoắn" hoặc gay cấn như phim
Mỗi bộ phim luôn có phần mở đầu, cao trào và kết thúc. Chị em có thể lồng ghép các tình tiết éo le hay thử thách, xung đột và cách mình đối phó với tình huống để tăng tính hấp dẫn cho câu chuyện.
Đặc biệt, cái kết là phần gây ấn tượng mạnh và lâu dài đến khán giả nhất. Nếu không có những yếu tố này, “tác phẩm” của bạn sẽ trở trở nên "đầu voi đuôi chuột" ngay.
4. Biết cách thêm thắt (vừa phải)
Đôi khi ta nên thêm thắt những cụm từ thường thấy trong truyện, thành ngữ hay các từ khóa đang nổi trên mạng vào câu chuyện của mình để tạo sự gần gũi, thuyết phục với người nghe.
Thậm chí, chị em có thể lôi kéo sự chú ý bằng cách chăm tương tác, vừa kể vừa hỏi han đồng nghiệp theo từng tình tiết câu chuyện.
5. Cuối cùng là phải có cảm xúc
Không chỉ cần chau chuốt về mặt ngôn ngữ mà chị em cũng cần tập trung vào phần ngữ điệu nữa.
Ta có thể dễ dàng khiến không khí trở nên căng thẳng nếu nói bằng giọng nghiêm trọng, hay biến câu chuyện buồn bã trở nên hài hước với một giọng kể cợt nhả. Cùng kể chuyện mất ví nhưng có người khiến đồng nghiệp thương cảm, có người lại khiến mọi người cười bò đó.