1. Con không biết, mẹ cứ nói với chồng con
Có lẽ không thích nghe hoặc không đồng ý với lời khuyên, ý định nào đó từ mẹ chồng nên bạn muốn chuyển hướng mọi việc qua cho chồng của mình. Nhưng việc bạn cố lôi chồng vào câu chuyện giữa mình và mẹ chồng để thay thế bạn như vậy có thể không hợp lý. Bởi điều này chỉ khiến mẹ chồng bạn cảm thấy bực bội vì không được tôn trọng, lắng nghe.
Bạn nên thảo luận với chồng trước khi trả lời hoặc đưa ra bất kỳ ý kiến phản hồi nào với mẹ chồng. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và thiện chí của bạn khi mẹ chồng muốn bàn bạc chuyện gì đó.
2. Đấy là con của con, con tự biết phải làm gì
Mẹ chồng thường muốn đưa ra các ý kiến góp ý của bà về việc nuôi dạy con cái của bạn. Nhưng bạn không nên để câu nói này trở thành câu kết cho một cuộc nói chuyện để rồi cả bạn và mẹ chồng đều căng thẳng. Bạn có thể đồng ý hoặc không với những gì mẹ chồng nói, nhưng trước tiên hãy lắng nghe và tham khảo. Bạn cũng nên thể hiện quan điểm nuôi dạy con cái của mình theo cách nhẹ nhàng hơn.
3. Mẹ để đấy con tự làm được
Bạn không cần đến sự giúp đỡ của mẹ chồng nhưng cũng không nên để bà cảm thấy là một người “vô dụng” trước bạn như vậy. Bạn cũng nên chấp nhận rằng có nhiều việc không thể cầu toàn theo ý mình.
Ví như nếu mẹ chồng muốn nấu một món ăn cho các con, các cháu nhưng lại không theo công thức, khẩu vị của bạn thì trước tiên bạn cũng nên cảm ơn sự ân cần và quan tâm của bà. Sau đó, bạn có thể chuẩn bị nguyên liệu và cùng mẹ chồng chế biến món ăn thay vì gạt ngay đi ý muốn giúp đỡ của bà với thái độ thiếu tin tưởng.
4. Con bận việc quá chưa qua thăm mẹ được
Có thể công việc của bạn quá bận rộn tới mức không thể sắp xếp được ngay một chuyến thăm mẹ chồng khi biết tin bà bị mệt. Trong trường hợp này, tốt hơn hết là bạn không nên nói vậy. Bởi những gì mẹ chồng nghe được chính là bà không đủ quan trọng để bạn dành thời gian cho bà. Thay vì nhấn mạnh công việc bận rộn, bạn có thể chọn nói theo cách khác để tâm ý của mình được hiểu theo hướng tích cực hơn.
Bạn có thể nói: “Con rất muốn tới thăm mẹ nhưng lại chưa qua ngay được” hoặc bạn nên định ngày cụ thể qua thăm mẹ chồng. Bạn nên tránh nêu lý do mà hãy nhấn mạnh vào ý định muốn qua thăm hỏi mẹ chồng của mình. Như vậy cuộc nói chuyện của giữa hai người cũng sẽ gần gũi hơn.
5. Sao mẹ đến mà không chịu báo trước cho con?
Thỉnh thoảng, bạn cũng nên chấp nhận những chuyến thăm đột xuất của mẹ chồng. Có thể bạn cảm thấy thiếu chủ động hoặc nghĩ không được tôn trọng khi mẹ chồng đến mà không thông báo trước cho mình. Thế nhưng, bạn nên tránh việc ngay lập tức nói những điều khiến mẹ chồng cảm thấy không được hoan nghênh, chào đón như vậy. Thay vì “trách móc” mẹ chồng, bạn nên quan tâm hơn đến sự nhớ nhung muốn thăm các con, các cháu của bà.
6. Mẹ con dạy làm như thế này chứ không phải như thế kia
Bạn được mẹ đẻ của mình chỉ dạy nhiều điều trong cuộc sống, nhưng hãy giữ những kinh nghiệm đó làm “cuốn sổ tay” riêng cho mình. Nhất định bạn không nên mang “cuốn sổ tay” đó ra để so sánh hoặc phải phân định rõ ràng đúng - sai với những gì mẹ chồng làm, chỉ dạy bạn. Trước tiên bạn hãy lắng nghe những điều mẹ chồng nói. Sau đó, bạn có thể chắt lọc những gì thấy phù hợp với mình.