pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 quy tắc lịch sự cần nhớ nằm lòng để không trở thành người vô duyên
Mỗi quốc gia đều có những nét văn hoá khác nhau. Nếu người Eskimo chào nhau bằng cách cọ mũi thì người Nhật luôn cởi giày trước khi bước vào nhà. Ở mỗi nền văn hoá, mọi người có cách cư xử với nhau mang những điểm khác biệt song 7 quy tắc lịch sự dưới đây là những điều bạn có thể áp dụng ở mọi quốc gia.
1. Túi xách
Điện thoại thông minh ngày càng trở thành vật bất ly thân với nhiều người và túi xách cũng trở nên quen thuộc giúp chúng ta để điện thoại, son, sổ... Hãy nhớ, luôn cầm túi bằng tay trái hoặc đeo bên vai trái để tay phải có thể sẵn sàng bắt tay chào mọi người.
Khi vào nhà hàng, đừng để túi xách của mình trên bàn ăn hay dưới sàn nhà mà hãy treo túi lên ghế của mình hoặc giá treo đồ (nếu có).
2. Quy tắc trên bàn ăn
Sử dụng khăn ăn là một trong những kỹ năng ai cũng cần biết khi dùng bữa tại các nhà hàng. Điều này nghe có vẻ đơn giản song dùng khăn ăn cũng có những nguyên tắc riêng.
Nếu bạn có việc phải rời bàn ăn một chút như đi trang điểm lại, nghe điện thoại hay vào nhà vệ sinh chẳng hạn, hãy để khăn ăn của mình lên ghế. Không ai muốn ngồi cùng những chiếc khăn ăn dính sốt bẩn hay son môi để ngay trên bàn cùng thức ăn. Trong trường hợp bạn đã dùng bữa xong, bạn có thể đặt khăn ăn lên bàn (đừng để lên đĩa thức ăn) để người phục vụ có thể biết, đến dọn dẹp giúp bạn.
Một lưu ý nhỏ với những người dị ứng với thực phẩm nào đó là hãy báo trước cho chủ nhà bạn sắp đến hay chủ bữa tiệc để không gặp phải những tình huống khó xử khi trên bàn đều là những món bạn không thể ăn.
3. Quy tắc ăn mặc
Vẻ ngoài là một trong những điều người khác sẽ nhìn vào khi đánh giá bạn. Thời trang ngày càng phát triển, bạn có thể chọn các trang phục rất đa dạng phong cách song sẽ thật mất lịch sự khi bạn đến một buổi họp quan trọng với chiếc dép lê phải không?
Trang phục thường ngày: Bạn có thể thoải mái lựa chọn trang phục theo phong cách mà mình thích, phổ biến nhất là áo phông với quần jeans. Nếu đi cùng người bạn thân hay người yêu, bạn có thể hỏi xem họ dự định mặc gì để mặc đồ cùng phong cách. Hai người sẽ trông thật ăn ý khi đi với nhau.
Trang phục công sở: Trang phục công sở không có nghĩa là bạn phải cứng nhắc với những bộ đồng phục. Ngày nay, trang phục công sở rất đa dạng về mẫu mã cũng như màu sắc. Tuy nhiên trông bạn sẽ chẳng có chút chuyên nghiệp nào nếu gặp sếp mà mặc quần ngắn, đi dép đính chuột Mickey.
Đồ công sở trang trọng: Đây là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người muốn mình trông luôn bảnh bao và chỉn chu, người hay phải đi gặp gỡ đối tác. Bộ vest tối màu cho nam hay váy kèm áo khoác blazer cho nữ luôn là sự lựa chọn hoàn hảo.
4. Phòng gym
Vì nhiều việc phát sinh nên bạn đến phòng gym khá muộn. Chiếc máy tập yêu thích đã bị người khác chiếm mất chẳng hạn, đừng vì thế mà tỏ ra cáu kỉnh hay đòi người đó trả máy lại cho bạn.
Khi sử dụng xong các dụng cụ tập thể hình, hãy chỉnh trọng lượng về mức thấp nhất. Như vậy là bạn đang giúp người tập tiếp theo tránh được những chấn thương bất ngờ. Thêm nữa, hãy nhớ lau mồ hôi trên sàn và thiết bị sau khi tập. Đây là một điều rất nhỏ song không phải ai cũng để ý.
5. Ở nơi công cộng
Có thể chia thế giới này một cách đơn giản thành 3 kiểu người: người đến sớm, người đến đúng giờ và người đến muộn. Nếu bạn thuộc kiểu thứ 3, luôn đến muộn, khi ở những nơi công cộng như rạp chiếu phim, nhà hát, đừng quay hay phần mông vào người khác khi phải đi qua họ để đến chỗ của bạn.
Nếu bạn thuộc kiểu người đầu tiên, luôn đến sớm, hãy ngồi lịch sự và đừng gác chân lên ghế hay làm điều gì gây khó dễ cho những người vào chỗ sau. Khi có người cần đi qua, cách lịch sự nhất là đứng lên và nhường đường cho họ đi qua.
Ở rạp chiếu phim hay nhà hát, việc bình luận to, nói chuyện điện thoại là những hành động tối kị. Mọi người đến đây để thư giãn và thưởng thức điện ảnh, âm nhạc chứ không phải để nghe bạn nói. Việc vô tư nói chuyện với âm lượng lớn hay nghe điện thoại như chốn không người đều là những hành động phản cảm.
6. Thư mời tham dự
Quy tắc này bạn cần nhớ khi làm việc với người nước ngoài hay trong những môi trường có tính quốc tế. Trong các bức thư mời tham dự, ở cuối thường xuất hiện 1 trong 2 dòng chữ: Regrets Only hoặc RSVP
Nếu cuối thư là Regrets Only, bạn chỉ cần báo với chủ bữa tiệc nếu không thể đến dự.
Nếu cuối thư là RSVP (“respondez s’il vous plait” trong tiếng Pháp, nghĩa là vui lòng trả lời), bạn cần thông báo với chủ bữa tiệc về quyết định có đến hay không. Bằng cách này, chủ bữa tiệc có thể biết chính xác số lượng người đến dự để chuẩn bị tốt hơn.
7. Nhớ đến những quy tắc ngầm
Khi xếp hàng mua đồ ăn hay nước uống, đừng nói chuyện điện thoại, đặc biệt là khi nhân viên quầy đang hỏi bạn. Họ đang bận rộn với công việc phục vụ khách hàng và không ai muốn nghe câu chuyện riêng tư mà bạn đang nói trong điện thoại.
Nếu bạn là người yêu động vật, đừng mang thú cưng của mình đi khắp mọi nơi. Hãy tìm hiểu xem nơi đó có cho phép khách mang thú cưng đến không vì sự thật là không phải ai cũng thích thú với những điều thú cưng có thể gây ra. Bạn chuẩn bị tham dự một bữa tiệc và muốn mang theo thú cưng của mình, hãy hỏi chủ tiệc trước đã nhé.