pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 việc cha mẹ cần làm khi không thích bạn của con
Ảnh minh họa
Theo TS.Catherine Bagwell (trường Đại học Emory, Mỹ), những đứa trẻ có tình bạn thân thiết sẽ có cảm giác giá trị bản thân cao hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, cha mẹ cũng có thể gặp phải một người bạn của con mà mình không thích. Có thể do đứa trẻ này quá thô bạo, hay chửi bới, hống hách, bắt nạt bạn bè hoặc làm điều gì đó không tốt. Khi điều này xảy ra, hầu hết các bậc cha mẹ đều cảm thấy phân vân và tự hỏi cần phải làm gì tiếp theo?
Lý do không thích bạn của con
Việc cha mẹ không thích bạn bè của con là một điều phổ biến. "Hoàn toàn không có gì sai khi có cảm giác không tốt về bạn bè của con. Những cảm giác này có thể không dễ chịu nhưng cha mẹ không làm sai và có lý do của riêng mình", tiến sĩ Carla Naumburg cho biết.
Đầu tiên, cha mẹ cần xác định điều gì khiến bản thân cảm thấy khó chịu về người bạn đó. Những hành vi của bạn bè con khiến cha mẹ cảm thấy không thích có thể là bất cứ điều gì, từ thiếu nhận thức về cư xử đến hung hăng trong hành động nhưng thường là điều gì gây khó chịu khiến cha mẹ lo lắng con mình sẽ học theo. Ngoài ra, cha mẹ cũng quan ngại cách người bạn đó đối xử với con hoặc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con. Và liệu con trẻ có thể đưa ra những lựa chọn lành mạnh, an toàn khi đối mặt với áp lực từ bạn bè không? Không ai muốn con mình bị lợi dụng, tổn thương hoặc bị ảnh hưởng xấu.
Tuy nhiên, có một khía cạnh khác khi bàn đến chuyện cha mẹ không thích bạn bè của con. Thực tế, các bậc cha mẹ có thể không thích cha mẹ của người bạn đó. Cha mẹ cần dành thời gian suy nghĩ kỹ hơn về điều này. Nếu không thoải mái với bạn của con vì những lý do không liên quan đến hành vi của đứa trẻ hoặc sự an toàn của con mình, tốt nhất các bậc cha mẹ nên gạt mối bận tâm này sang một bên. Có lẽ đứa trẻ đến từ một hoàn cảnh khác với gia đình mình hoặc thể hiện bản thân theo một cách khác. Mặc dù điều này khiến cha mẹ khó chịu nhưng đó có thể chính là điều hấp dẫn con.
Sự can thiệp cần thiết
Nếu người bạn đó có hành vi hoặc tương tác độc hại với con, cha mẹ hãy can thiệp một cách có chừng mực.
Đặt câu hỏi
Hãy tìm hiểu thêm về tình bạn của các con mà không phán xét. Cha mẹ có thể đặt những câu hỏi như: "Hãy kể cho mẹ nghe về bạn của con. Con thích điều gì ở bạn? Các con thích làm gì cùng nhau?". Từ những điều này, cha mẹ có thể thay đổi suy nghĩ về người bạn đó và hiểu con mình hơn.
Đừng nói thẳng
Cha mẹ không nên nói thẳng với con rằng mình không thích một người bạn cụ thể của con. Cha mẹ không nên nói những điều tiêu cực về bạn bè hoặc gia đình của chúng. Điều đó có thể gây rạn nứt giữa cha mẹ và con, cũng như gây ra nhiều khó khăn hơn khi vấn đề liên quan đến cha mẹ của đứa trẻ. Nếu cha mẹ nói những điều tiêu cực về bạn bè của con, con trẻ có khả năng sẽ phải giải thích: "Mẹ mình không muốn mình đến nhà bạn nữa". Đừng đặt con vào thế khó.
Gợi ra vấn đề
Nếu cha mẹ thấy điều gì đó đáng lo hoặc cho rằng con không nhận thức được vấn đề, hãy gợi ý cho chúng. Cha mẹ có thể hỏi: "Con cảm thấy thế nào khi Morgan nói điều đó với con? Bạn con có hay giận dữ như vậy không?" hoặc "Tyler dường như chỉ gọi cho con khi cần con", hoặc "Con thường có vẻ cáu kỉnh và buồn bã sau khi đi chơi với Emma".
Cùng nhau giải quyết vấn đề
Sau khi chia sẻ những điều đó, hãy cho con trẻ cơ hội nói lên quan điểm của mình. Các con có thể đã tự suy nghĩ làm thế nào để xử lý tình huống và muốn tìm ra cách thay đổi vấn đề.
Lựa chọn thế nào cho tình bạn của con
Nếu người bạn đó cư xử một cách nguy hiểm hoặc không an toàn, hãy chấm dứt tình bạn. Đặt ra giới hạn cứng rắn với con trong việc dành thời gian với đứa trẻ đó. Chẳng hạn, cha mẹ có thể nói với con người bạn đó có thể đến nhà chúng ta nhưng con không thể đến nhà bạn; hoặc cả hai có thể đi chơi sau giờ học nhưng không được ngủ qua đêm ở nhà bạn. Trong một số tình huống, cha mẹ có thể phải nói "không".
Nếu tình huống không nguy hiểm nhưng cha mẹ không thích người bạn đó, hãy để con tự rèn luyện thay vì hành động. Theo tiến sĩ Naumburg, công việc của cha mẹ là giữ cho con được an toàn và khỏe mạnh. Nếu con đang hứng thú với tình bạn này, hoặc các thách thức không quá nguy hiểm, cha mẹ nên để tự nhiên và tin tưởng khả năng điều chỉnh của con.
Giúp con xây dựng tình bạn tích cực
Cho dù tình bạn của con thuận lợi hay gặp khó khăn, hãy giúp con trẻ hình thành các mối quan hệ lành mạnh. Cha mẹ có thể cho con tiếp cận với những câu chuyện, sách báo và phim ảnh làm nổi bật những phẩm chất quan trọng, cả tích cực và tiêu cực trong tình bạn. Nói chuyện với con về cách bạn bè đối xử với nhau, tình bạn tốt và không tốt là như thế nào.
Đừng ngại thảo luận với con về việc không phải tất cả tình bạn sẽ luôn kéo dài và nếu có xảy ra, điều đó cũng không sao. Trẻ cần biết rằng ngay cả khi chúng từng có khoảng thời gian tuyệt vời với một người bạn, tình huống này vẫn có thể thay đổi.