Hỏi: Bà nội tôi năm nay 80 tuổi, đang sống cùng vợ chồng tôi. Tôi nghe nói Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên với người cao tuổi, nhất là trong việc khám, chữa bệnh. Vậy xin Báo PNVN cho biết, pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?
Lê Thu Hương (Thái Nguyên)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 2, Luật Người cao tuổi, thì người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Về chính sách của Nhà nước với người cao tuổi, Điều 4 Luật này quy định:
1. Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
2. Bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
4. Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
5. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
6. Khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi…
Về việc khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi, Điều 12 Luật Người cao tuổi quy định:
1. Việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi được thực hiện như sau:
b) Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú.
2. Các bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi;
b) Phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là người cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình;
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi.