Học ít, lấy chồng sớm, cả hai bên gia đình đều nghèo, ai cũng nghĩ Phạm Thanh Dung (SN 1984, thôn Hữu Phúc, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) sẽ chấp nhận sống chung với khó khăn, thiếu thốn lâu dài. Trong thôn, nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh như Dung đã bị cái nghèo bủa vây, không biết thoát khổ bằng cách nào.
Cưới nhau được một thời gian ngắn thì vợ chồng Dung ra ở riêng. Nhìn căn nhà trống huơ trống hoác, không có tài sản gì đáng giá, cặp vợ chồng trẻ khá nản lòng. Muốn làm việc gì đó để kiếm sống, nhưng ruộng đất khô cằn, tiền vốn không có. Song, nhiệt huyết của tuổi trẻ không cho phép họ ngồi chờ may mắn.
Bán đôi hoa tai được một khoản tiền nhỏ, cộng với vay thêm từ họ hàng, số vốn quý giá đó đã giúp vợ chồng Dung tự tin lập nghiệp. Họ đầu tư mua đôi lợn nái. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn lợn mới sinh chậm lớn, còi cọc, dễ bị nhiễm bệnh. Những năm đầu, lợn chết, lợn chậm lớn đã khiến vợ chồng cô lao đao. Tiền vay chưa kịp trả đã phải vay thêm chỗ khác đập vào. Thất bại ấy không khiến Dung nao lòng. Ngược lại, cô càng có khát vọng làm giàu bởi biết mình chưa làm được là do thiếu kinh nghiệm, chứ không phải vì công việc quá khó, vượt quá khả năng của mình.
Không chỉ nuôi lợn, Dung còn nuôi thêm 400 đôi chim bồ câu để tăng thu nhập. Ảnh: Nhật Minh.
Dung và chồng đi học hỏi nhiều nơi, tích lũy được thêm kinh nghiệm. Nhờ đó, lợn cô nuôi không chỉ chóng lớn mà còn chống chọi được qua dịch bệnh lở mồm long móng. Mỗi năm mở rộng một chút, hiện tại trang trại của vợ chồng Dung có 35 lợn nái cùng vài trăm lợn con và lợn thịt. Không chỉ nuôi lợn, Dung còn nuôi thêm 400 đôi chim bồ câu để tăng thu nhập.
Mỗi năm, gia đình Dung xuất bán vài trăm con lợn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm thành công, Dung cho biết, phải để chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo và giữ ấm cho lợn vào mùa đông. Ngoài ra, phải tiêm phòng cho lợn. Đến giờ, sau vài năm chăn nuôi, Dung đã trở thành “bác sĩ thú y” khi có thể tự tiêm cho lợn rất thành thạo.
Mỗi năm, gia đình Dung xuất bán vài trăm con lợn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm thành công, Dung cho biết, phải để chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo và giữ ấm cho lợn vào mùa đông. Ngoài ra, phải tiêm phòng cho lợn. Đến giờ, sau vài năm chăn nuôi, Dung đã trở thành “bác sĩ thú y” khi có thể tự tiêm cho lợn rất thành thạo.
Dung chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Nhật Minh.
Dù đã chia tay với đói nghèo, có của ăn của để nhưng Dung luôn xác định tinh thần có thể... trắng tay bất cứ lúc nào. Dung cho biết, bệnh dịch lợn không thể nói trước được, dù đã tiêm phòng nhưng khi dịch mạnh thì có thể vẫn khiến người chăn nuôi phải mang lợn đi chôn. Xác định như vậy để nếu có đối diện với thực tế “phũ phàng” thì cũng khiến cô không gục ngã, tuyệt vọng. Chấp nhận rủi ro, đó là tinh thần của người dám nghĩ dám làm để có thể chinh phục được nấc thang mới trong cuộc sống.
Dung là nữ thanh niên đầu tiên trong xã Bắc Bình mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi. Cô đã truyền niềm say mê làm giàu cho nhiều bạn trẻ trong xã.
"Hiện trong xã có hàng chục thanh niên làm theo mô hình như chị Phạm Thanh Dung. Họ không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết để cùng nhau bước nhanh hơn đến đích, có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc. Họ không chấp nhận nhàn rỗi, mà cùng đua nhau chịu khó, chăm chỉ lao động để thoát nghèo" - Anh Nguyễn Quang Huy, Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Bắc Bình. |