Ám ảnh tay chân miệng

18/09/2015 - 11:31
Tại phòng cấp cứu thuộc Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, hàng chục bệnh nhi nằm li bì bên cạnh những chiếc máy thở, máy đo nhịp tim... Đáng lưu ý là gần một nửa trong số đó phải điều trị bệnh tay chân miệng đã bước vào giai đoạn nặng.

Chị Pham Kim Thanh, 34 tuổi (huyện Nhà Bè, TPHCM) gấp đôi chiếc khăn vừa làm ướt áp lên trán đứa con trai 2 tuổi đang nhắm nghiền mắt, thỉnh thoảng khóc thét lên. Nắm lấy bàn tay bé xíu gồ ghề những miếng gạc quấn quanh của con, chị vỗ về: “Mẹ đây, con ngoan!”.

 Chị Khanh chăm sóc con tại bệnh viện

Chị từ Đồng Tháp lên huyện Nhà Bè lập nghiệp từ những năm 2000, hiện đã có 2 con. Chị kể: “Bé đầu đang học lớp 3, còn nhóc này tên Thái, mới tròn 25 tháng đã bị tay chân miệng. Bệnh tiến triển nhanh tới mức trở tay không kịp. Khi con có dấu hiệu loét trong miệng, tui đã đưa bé đi khám tại bác sĩ tư tại Q.7, họ kết luận bé chỉ bị loét miệng và cho thuốc về uống. Không yên tâm với kết quả đó, vợ chồng tui lại đưa bé qua khám tại Phòng khám Nancy (Q.5) và kết quả thì đúng là bé bị tay chân miệng, nhưng bác sĩ cũng chỉ cho thuốc về nhà uống. Được hơn 1 ngày không có dấu hiệu tiến triển, mụn nước mọc thêm ở tay và bé có dấu hiệu sốt li bì, giật mình. Tui quyết định cho bé tới BV Nhi Đồng 2 khám, ngay lập tức bé được cho vào phòng cấp cứu với kết luận: Bệnh tay chân miệng nặng. Quá trình trên chỉ diễn ra chưa đầy 5 ngày”.

Chị cho biết thêm: “Nhập viện được 3 ngày rồi nhưng bé không ăn uống gì được do còn đau trong miệng. Trước đây tui cũng có nghe qua về bệnh này nhưng không nghĩ nó lại nghiêm trọng đến như vậy. Khi bác sĩ bảo bé bị nặng phải cấp cứu, vợ chồng tui như chết lặng”.

 

Chi phí điều trị cao

Vén chiếc mền lên và coi kỹ từng mụn nước trên mu bàn tay nhỏ xíu của con, anh Minh (chồng chị Thanh) nở nụ cười an tâm. “Có vẻ đỡ rồi đây, mới chỉ hôm qua thôi, mụn nước còn mưng mủ, hôm nay đã xẹp đi nhiều. Con trai của ba ngoan, bú giỏi cho nhanh hết bệnh để về nhà với chị Hai nhé”, vừa nói anh vừa lấy chiếc ô tô bằng nhựa đưa qua đưa lại làm trò cho con cười.

Cũng giống như vợ, những ngày con thứ 2 nhập viện, anh Minh sốt ruột đứng ngồi không yên. Anh gửi con gái lớn cho ông nội lo rồi bỏ cả việc chạy tàu để lên bệnh viện với con. Nhớ lại những ngày vừa qua, anh Minh thở dài: “Chỉ chậm thêm vài giờ nữa là vợ chồng tui có thể sẽ mất con vĩnh viễn. Ngày đầu tiên nhập viện, bé phải vô 5 chai thuốc gì đó, nghe đâu mỗi chai có giá 4 triệu đồng, nhưng vợ chồng tui cũng chẳng kịp suy nghĩ, miễn sao là cứu được con. Tiền tạm ứng tui mới đóng 5 triệu đồng, có thể khi xuất viện thì số tiền còn nhiều hơn thế, nhưng không sao, vợ chồng tui may mắn vì bé đã được chữa trị kịp thời”.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, cho hay: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh tay chân miệng là do siêu vi trùng, nó có nhiều dạng và tên chung là Enterovirus với rất nhiều nhóm nhỏ, trong đó hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16EV71. Đặc biệt là EV 71 có thể gây biến chứng rất nặng, ngoài những tổn thương tay, chân, miệng nó có thể gây viêm não, viêm cơ tim… dẫn đến tử vong nhanh chóng. Hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào xác định rõ cơ chế phát triển của bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của em bé có thể do tiếp xúc với nguồn lây, sau một thời gian bé xuất hiện các bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và những vùng tiếp xúc nhiều với mặt đất như: Đầu gối, mông hoặc cùi trỏ, kèm theo các vết loét trong miệng, có thể sốt hoặc không sốt. Lứa tuổi mà bé thường bị nhiễm là khoảng trên 6 tháng đến 3 tuổi. Từ lúc bé phát bệnh tới khi hết bệnh diễn ra trong khoảng 1 tuần, nhưng khả năng lây nhiễm của bé sau khi hết bệnh vẫn có thể diễn biến từ 7 đến 10 ngày.

Dấu hiệu nghi mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ:

- Sốt 39 độ, uống thuốc không hạ.

- Ngủ hay giật mình, chới với.

- Biểu hiện run tay, run chân, đi đứng mệt, thở mệt.

- Nôn ói nhiều, co giật… kèm theo nổi bóng nước

Khi có các biểu hiện trên, cần phải đưa bé nhập viện ngay đều được điều trị kịp thời. Một số thuốc đã được sử dụng với hy vọng bệnh không có diễn biến nặng hơn và điều trị hỗ trợ như thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau miệng và theo dõi sát. Chi phí điều trị bệnh này khá cao, trung bình khoảng 55 triệu đồng cho một đợt điều trị.


Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm