Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ

26/06/2018 - 14:59
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Thomson Reuters Foundation đối với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Ấn Độ bị xếp vào hàng quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với phụ nữ do bạo lực tình dục, nạn buôn bán người, lao động nặng nhọc, kết hôn cưỡng ép, nô lệ tình dục…
an-do-1.jpg
Biểu tình đòi Chính phủ Ấn Độ mạnh tay với nạn xâm hại tình dục

 

Nguy cơ phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục và bị buộc phải lao động nô lệ cho thấy Ấn Độ chưa giải quyết được những nguy hiểm mà phụ nữ phải đối mặt kể từ khi xảy ra vụ hãm hiếp và giết hại một nữ sinh trên một chiếc xe bus ở New Delhi năm 2012. Các trường hợp tội phạm chống lại phụ nữ đã tăng 83% từ năm 2007 đến năm 2016 với 39.000 vụ. Cảnh sát Ấn Độ mỗi ngày vẫn nhận được báo cáo về khoảng 100 vụ tấn công tình dục. Ấn Độ cũng là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới vì truyền thống văn hóa ảnh hưởng đến phụ nữ như các vụ tấn công acid, cắt bỏ bộ phận sinh dục, hôn nhân trẻ em và lạm dụng thể chất.
 
Chính phủ Ấn Độ đã thông qua pháp lệnh quy định tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi phải lãnh tối thiểu 20 năm tù so với trước là 10 năm, tội phạm hiếp dâm phụ nữ trưởng thành phải lãnh tối thiểu 10 năm tù so với trước là 7 năm, áp dụng án tử hình đối với những tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, số vụ hiếp dâm vẫn chưa có chiều hướng giảm. 
 
me-too.jpg
Phong trào Me Too ở Mỹ

 

Xếp thứ hai trong nghiên cứu của Tổ chức Thomson Reuters Foundation là đất nước bị chiến tranh tàn phá Afghanistan với tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ tồi tệ nhất. Syria, đang phải trải qua cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm, cũng được xem là đất nước nguy hiểm thứ ba về bạo lực tình dục và tiếp cận chăm sóc y tế.  
 
Tiếp đến là đất nước Somalia, Saudi Arabia, Pakistan, Congo, Yemen, Nigeria  cũng là những quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ. Vị trí thứ 10 là Mỹ, nước phương Tây duy nhất xuất hiện trong danh sách này do hiệu ứng từ phong trào chống quấy rối tình dục Me Too (Tôi cũng vậy).

 

Theo Thomson Reuters Foundation, 3 năm trước, các lãnh đạo thế giới tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030 để họ sống tự do và an toàn, tham gia bình đẳng trong đời sống chính trị, kinh tế và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện 1/3 phụ nữ trên thế giới đã từng bị bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời. Ngoài ra, nạn tảo hôn vẫn tồn tại với gần 750 triệu phụ nữ và trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi, dẫn đến việc mang thai ở tuổi vị thành niên gây hại cho sức khỏe, hạn chế cơ hội học tập của các em. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm