Lễ hội Durga Puja được tổ chức để tôn vinh nữ thần Durga. Tháng 12 năm ngoái, Durga Puja được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal 

Lễ hội Durga Puja được tổ chức để tôn vinh nữ thần Durga. Tháng 12 năm ngoái, Durga Puja được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Lễ hội tôn vinh nữ thần Durga

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 1.

Những người sùng đạo cầu nguyện trước một tượng thần Durga vào ngày thứ hai của lễ hội Durga Puja ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das

Durga Puja là lễ hội diễn ra hàng năm của các tín đồ đạo Hindu nhằm tôn vinh nữ thần Durga - người đã giết chết một quỷ vương, điều thể hiện chiến thắng của cái thiện trước cái ác

Lễ hội được tổ chức chủ yếu bởi cộng đồng người Bengal ở Ấn Độ và trên toàn thế giới, và ở phần phía đông của đất nước ở các bang như Odisha, Jharkhand, Bihar, Assam, và Tây Bengal.

Theo truyền thống, Durga Puja được tổ chức vào năm ngày đầu tiên trong tháng Kartik. Tháng Kartik là tháng thứ bảy trong lịch Bengal và biểu thị sự bắt đầu của mùa thu và sự thay đổi của các mùa. Lễ hội Durga Puja kéo dài năm ngày, năm nay diễn ra từ ngày 1 tháng 10 đến 5 tháng 10 - năm ngày cuối cùng của lễ hội Navratri, một lễ hội cũng tôn vinh nữ thần Durga.

Lễ hội bắt đầu hôm thứ Bảy, được đánh dấu bằng những lời cầu nguyện đến nữ thần Durga, tiệc tùng, âm nhạc, nhảy múa và các vở kịch thể hiện sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác trên đường phố Kolkata, bang Tây Bengal (miền đông Ấn Độ). Mọi người đến các trung tâm cộng đồng - địa điểm thờ cúng những tượng thần Durga được trang trí lộng lẫy và các nữ thần khác được cộng đồng Bengal tôn thờ, để cầu nguyện và lễ bái.

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 1.

Một tín đồ đạo Hindu chỉnh trang sari khi lấy nước từ sông Hooghly trong một chiếc nồi đồng. Đây là một phần nghi lễ vào ngày đầu tiên của lễ hội Durga Puja ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 2.

Các tín đồ đạo Hindu thực hiện nghi lễ với một cây chuối ở sông Hooghly vào ngày đầu tiên của lễ hội Durga Puja ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das.

Nữ thần chính được tôn vinh trong Durga Puja là thần Durga nhưng lễ hội cũng tưởng nhớ các vị thần khác của đạo Hindu như Lakshmi (nữ thần của sự giàu có và thịnh vượng), Saraswati (nữ thần tri thức và âm nhạc), Ganesha (thần của sự khởi đầu tốt đẹp), và Kartikeya (thần chiến tranh). Trong truyền thống Bengal và Odia, những vị thần này được coi là con cái của thần Durga.

Đối với người Bengal, Durga Puja không chỉ là một lễ hội đầy nghi lễ. Đó là thời gian để mọi người đoàn tụ với bạn bè, gia đình và cộng đồng; tôn vinh nghề thủ công, nghệ thuật và văn hóa Bengal.

Các hoạt động nhảy múa, hát hò, ngâm thơ, những loại hình nghệ thuật và một số hoạt động thể thao nhẹ cũng được tổ chức. Mọi người thường mặc những bộ quần áo mới, đẹp để đón mừng lễ hội.

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 3.

Một tượng nữ thần Durga bằng đất sét được dỡ xuống từ xe tải để đặt tại một địa điểm thờ cúng trước lễ hội Durga Puja ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 4.

Mọi người cầu nguyện tại một địa điểm thờ cúng vào ngày đầu tiên của lễ hội Durga Puja ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das

Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 5.

Các nghệ nhân chuẩn bị đồ trang trí cho thần tượng nữ thần Hindu Durga trước lễ hội Durga Puja ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das

Lễ hội Durga Puja năm nay diễn ra sau hai năm đại dịch Covid-19 làm hạn chế các cuộc tụ tập đông người và sau khi UNESCO công nhận lễ hội Durga Puja là "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".

Để chuẩn bị cho lễ hội, các nghệ nhân đã làm hàng nghìn tượng thần bằng đất sét ở Kumortuli, một khu phố gốm truyền thống ở phía bắc Kolkata từ nhiều tháng trước. Nhiều khu nghệ thuật mọc lên trong những con hẻm chật hẹp ở bờ phía đông sông Hooghly.

Các studio nằm rải rác trong khu vực, và những nghệ nhân đã sử dụng không gian này để làm ra tượng thần. Với công việc ngày càng phổ biến, nhiều nghệ nhân đã làm tượng bằng sợi thủy tinh và xuất khẩu tượng Durga thu nhỏ sang Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Bahrain và các quốc gia khác.

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 6.

Một nghệ nhân chuẩn bị tượng nữ thần Hindu Durga trước lễ hội Durga Puja tại Kumortuli, Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 8.

Một nghệ nhân làm tượng nữ thần Hindu Durga trước lễ hội Durga Puja tại Kumortuli, Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das

Ấn Độ: Rộn ràng lễ hội Durga Puja ở Tây Bengal - Ảnh 9.

Tượng đất sét của nữ thần Hindu Durga tại xưởng vẽ của một nghệ nhân trước lễ hội Durga Puja ở Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: AP/Bikas Das

Từ một bộ khung bằng tre và gỗ, người nghệ nhân quấn rơm rạ xung quanh để tạo hình dạng con người, sau đó đắp đất sét lên. Phần mặt tượng được đúc hoặc thậm chí là làm thủ công.

Đất sét được thu thập từ sông Hooghly và trộn với các mẩu cỏ khô nhỏ và bụi gỗ từ các xưởng cưa. Những nghệ nhân sẽ tô màu tượng theo màu sắc do khách hàng lựa chọn.

Tháng 12 năm ngoái, Cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc đã đưa lễ hội Durga Puja ở Kolkata vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Eric Falt, giám đốc UNESCO tại New Delhi, cho biết điều này sẽ khuyến khích các cộng đồng đón mừng Durga Puja, bao gồm cả những người thợ thủ công truyền thống, những người tổ chức lễ hội và du khách tham quan.

Trước Durga Puja, Yoga và Kumbh Mela - lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới của Ấn Độ đã lần lượt được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong năm 2016 và 2017. Là một bên ký kết Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ Di sản Phi vật thể, Ấn Độ rõ ràng đã ưu tiên bảo tồn các nét văn hóa của mình.

Kolkata ở Tây Bengal được mệnh danh là "Thành phố của Niềm vui" sau một cuốn tiểu thuyết cùng tên của Dominique Lapierre năm 1985 được đạo diễn người Anh Roland Joffé chuyển thể thành phim năm 1992. Chủ đề bộ phim tập trung vào tinh thần vui vẻ vượt qua khó khăn của con người.

Kim Ngọc (Theo AP)