Áo dài - câu chuyện “dài” về văn hóa

07/03/2023 15:10
Phụ nữ công an thành phố Quy Nhơn duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.

Phụ nữ công an thành phố Quy Nhơn duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.

Ở bình diện quốc gia, áo dài Việt cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ sẽ được số đông thừa nhận là đủ phẩm chất để góp phần đại diện cho bản sắc văn hóa Việt Nam tổng thể ở thời hiện đại.

Sân bay De Gaulle, Pháp lúc 4 giờ sáng. Chuyến bay của Vietnam Airline đưa tôi tới Paris dự hội thảo quốc tế về xuất bản vào một sáng chớm thu trời bắt đầu lành lạnh, hơi lạnh của thu Paris. Giờ này ở Việt Nam vẫn còn nắng gắt. Tôi bắt đầu hoang mang vì thực sự cảm nhận là mình sẽ "ngộp" trong khoảng không gian mênh mông của sân bay quốc tế vốn nổi tiếng nhất nhì thế giới vì lưu lượng khách đến và khách trung chuyển này. 

Tôi được dặn dò là hết sức cẩn thận vì rất dễ lạc trong cái mê cung phi trường. Giờ sao nhỉ? Giữa bạt ngàn người ra đón với cờ hiệu, hoa và bạt ngàn biển đề tên khách cần đón bằng các thứ chữ khác nhau, tôi loay hoay tìm lối ra theo chỉ dẫn và tìm người đón. Bước đường cùng, có thể tôi sẽ phải mất đến gần trăm Euro để tự mình về khách sạn và nếu như vậy, người đón tôi sẽ cũng rất lo lắng. Thời đó, điện thoại phải có roaming (chuyển vùng) quốc tế mới gọi cho nhau được…

Áo dài – câu chuyện “dài” về văn hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình trong trang phục áo dài ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Ảnh tư liệu

Ồ, nhưng kìa may mắn đã mỉm cười với tôi. Tôi bỏ cách duyệt bảng tên - mà với đôi mắt cận của tôi lại không bao giờ mang kính nữa, thì chắc sẽ mất hàng tiếng đồng hồ để nhận ra tên mình - bởi ở một góc bến đón, thấp thoáng tà áo dài Việt của 2 chị tiếp tân trong Ban Tổ chức, một Việt kiều và một người Pháp. Tự nhiên bao hoang mang tan biến hết ngay tắp lự và thay vào đó, là cảm giác an bình khó tả tràn ngập; nói đúng ra một cảm giác thân thương làm dịu lòng mình đang cồn lên vì thay đổi múi giờ và vì lo lắng. 

Tà áo dài Việt giúp tôi nhận ra nhanh chóng "góc không gian có hiện diện Việt" để nhanh chóng thoát khỏi mê cung này. Ở một nghĩa nào đấy, áo dài Việt là một chỉ dấu giúp thị giác nhận ra đặc điểm người Việt, chí ít cũng là phụ nữ Việt, mà khi xa Tổ quốc, người ta thấy nó càng nổi bật giữa những sắc màu của thế giới rộng lớn.

Từ đó, tôi bắt đầu suy nghĩ về những những điểm cộng và điểm trừ của áo dài Việt. Bản sắc của một cộng đồng gắn chặt với bản sắc văn hóa của cộng đồng đó bởi lẽ văn hóa là các hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần, cùng thành quả đạt được, do chính cộng đồng thực hiện. Do vậy, chúng ta có khái niệm "văn hóa vật thể" và "văn hóa phi vật thể". Áo dài Việt là một biểu hiện cụ thể của di sản văn hóa phi vật thể mà người Việt Nam tạo dựng và sở hữu.

 Cùng với ngôn ngữ, thói quen tư duy, hệ tư tưởng, hệ đạo đức, kiến trúc, ẩm thực và vô số các thành tố khác, các giá trị khác tạo ra bản sắc văn hóa Việt Nam, trong đó có một vai trò rất lớn do phục trang đảm nhiệm, nhưng phải là trang phục tiêu biểu. Áo dài (truyền thống) nữ người Việt chính là một trong các trang phục tiêu biểu đó.

Khi tôi đứng trên thềm Nhà thờ chính ở quảng trường Vatican tấp nập như ngày hội, với những đoàn người từ đủ các quốc gia kéo đến tưởng như vô tận, bỗng anh bạn người Fiji đáng mến trong đoàn giật tay tôi, mắt sáng ngời, chỉ ra phía đằng xa: "Oh! Đồng hương Việt Nam của anh kia kìa!". Tôi hỏi, sao anh biết. Anh trả lời: "Tôi nhìn thấy có cô gái mặc áo dài. Khi thăm Hà Nội dịp lễ hội năm nào, tôi đã nhìn thấy phụ nữ Hà Nội mặc áo dài đẹp lắm. Tôi đã xin chụp ảnh chung với họ ở Hồ Hoàn Kiếm và kịp mua bộ tượng mini các cô gái Việt Nam mặc áo như vậy, ở cửa hàng bán đồ lưu niệm ven hồ". 

Áo dài – câu chuyện “dài” về văn hóa - Ảnh 2.

Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và các đại biểu trong trang phục áo dài tham dự chương trình "Tour đêm tham quan giải mã Hoàng Thành Thăng Long" do Hội LHPN Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Tôi sửng sốt nhận ra giá trị lớn lao của tà áo dài Việt vì, một lần nữa, nó cho tôi thấy cảm giác tự hào, cảm giác "Chúng tôi là người Việt Nam đây".

Chúng tôi chỉ là khách du lịch nhưng đó thực sự là niềm cảm nhận khó tả khi mình có cơ hội hãnh diện là "một phần" của "tổng thể" cộng đồng các dân tộc trên thế giới và lại được bạn bè quốc tế nhận ra qua trang phục chứ không phải qua hộ chiếu. Phải chăng, tà áo dài Việt lúc đó không chỉ để trưng diện, làm đẹp, mà nó trở nên có giá trị như tấm hộ chiếu để người ta nhận diện ra Việt Nam, cũng tương tự như khi ta thấy bộ áo choàng trắng trùm đầu của khách vùng Ả-rập hay Trung Á.

Trong đầu tôi lảng vảng mối băn khoăn: "Giả sử chị người Việt kia mặc quần áo sơ-mi bình thường, quần bò, áo phông, hay mặc loại áo dài cách tân quá xa với truyền thống (như kiểu tạp dề cộng với váy, xuất hiện gần đây chẳng hạn) thì liệu anh bạn "hàng xóm xa xôi "của tôi có nhận ngay ra sự hiện diện của người Việt hay văn hóa Việt ở nơi "đất khách quê người" - với cả anh và tôi - được không nhỉ? Có lẽ không cần thiết đưa ra câu trả lời cho một sự thật hiển nhiên.

Tôi, người Việt Nam, nhận ra "sự hiện diện Việt" qua tà áo thướt tha của hai chị trong ban Tổ chức hội thảo ở Pháp; còn anh bạn tôi, người Fiji, ngoại quốc, cũng nhận ra sự hiện diện Việt ở Vatican! Phải chăng, áo dài Việt là một tín hiệu nổi bật, một biểu trưng rất tin cậy, rất xác thực về bản sắc Việt khi đặt nó vào không gian phi Việt Nam, vì không gian ngoại quốc đó là cái phông nền để làm nổi bật lên gấp nhiều lần giá trị của "tín hiệu" này nhờ tính khác lạ.

Áo dài – câu chuyện “dài” về văn hóa - Ảnh 3.

Áo dài nữ đã trở nên có vị trí gần như độc tôn trong việc đại diện cho y phục trang trọng của nữ giới Việt.

Theo suy nghĩ cá nhân tôi, không chỉ ở tầm quốc tế hay quốc gia – dân tộc, áo dài Việt còn có thể phục vụ biểu đạt thị giác cho đặc điểm một ngành nghề, hay một nhóm xã hội. Nếu bay hãng Hàng không Việt Nam Airlines, chúng ta dễ dàng nhận thấy các tiếp viên nữ mặc áo dài đồng phục màu đỏ hay xanh may theo cách riêng để giữ kín đáo phần eo sườn khi với tay cất đồ giúp khách lên ca-bin máy bay. Người theo đạo Cao Đài thì mặc áo dài trắng; người theo đạo Phật thì có thể mặc áo dài (hay áo tràng) màu lam hay nâu đất. Các cụ ra việc hội hè đình đám có thể mặc áo lương đen… 

Tất nhiên ở đây đụng chạm đến tính khả biến của chiếc áo dài; nó có thể may theo kiểu để dùng như thường phục, lại có thể may dùng như như lễ phục hay đồng phục, tạo ra các biến thể khác nhau dựa trên mẫu hình chung là áo có vạt dài. Nói cách khác, tính khả biến là một trong những ưu thế của áo dài Việt.

Rồi chiếc áo dài, bên cạnh các trang phục khác, còn đóng góp thể hiện bản sắc cá nhân người mặc, gu thẩm mỹ hay ý thích của người đó. Có nhà thơ đã viết về người phụ nữ ở thế kỷ trước :

"Ơ kìa chị, tóc chị giờ đã bạc.

Em nhớ ngày xưa chị hay mặc áo hồng

Xuân năm ấy, xuân năm nào chị nhỉ

Pháo Tết giòn đưa tiễn chị qua sông".

Hình ảnh chị gái hay mặc chiếc áo màu hồng thướt tha, dịu ngọt giờ trở thành cô dâu để về nhà chồng thì còn gì đẹp bằng, còn gì ấn tượng bằng trong con mắt của đứa em trai, đứa trẻ! Nếu ta để ý một chút, ta sẽ thấy kiểu trang phục một người nào đó hay mặc sẽ có sức mạnh gợi lại, sống lại hình ảnh người đó trong ký ức chúng ta khi người đó vắng mặt. Áo dài là một loại trang phục, vậy nên, ngoài khả năng biểu đạt vẻ đẹp hay "tính nữ" của phụ nữ Việt Nam thì nó còn chạm đến ký ức, cảm xúc người chiêm ngưỡng nó, nâng người ta lên, hướng người ta tới những gì đẹp đẽ, tinh túy, nhân bản.

Áo dài – câu chuyện “dài” về văn hóa - Ảnh 5.

Ảnh Nguyễn Á


Tà áo dài Việt, nếu may bằng loại vải cứng, màu trầm ấm thì cho cảm giác về sự nghiêm túc, nghiêm nghị, thâm trầm; nhưng nếu may băng loại vải mỏng hơn, màu tươi sáng hơn thì có thể gợi cảm giác về sức sống tươi trẻ, hay sự mong manh như những cánh hoa, cánh bướm rung rinh đầy màu sắc, mát mẻ như làn gió xuân mơn man và thậm chí là những nếp sóng reo vui vô tư.

Khi tôi còn là học sinh phổ thông, đất nước mới thống nhất; có lần, chiều tối 30 Tết Âm lịch, tôi nôn nóng ăn cho xong bữa cỗ tất niên để đòi mẹ cho mặc bộ quần áo mới do ông bác đi nước ngoài về cho vải (mẹ cẩn thận cất vào tủ, cả năm chỉ dịp này mới lôi ra cho tôi được mặc - khi đó ta còn nghèo lắm. Bạn tôi dẫn lên quảng trường Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng xem biểu diễn văn nghệ mừng Xuân mới. 

Thời đó, văn nghệ là những bữa tiệc quý giá, hiếm hoi, với các nghệ sĩ, hay văn công theo ngôn ngữ thời đó - trong con mắt của bọn trẻ con chúng tôi - là những "hoàng tử’ và "công chúa" vô cùng xinh đẹp từ tầng trời nào đó trong truyện cổ tích bước ra. Tôi nhớ mãi một tiết mục biểu diễn: Chị ca sĩ mặc áo dài màu đỏ bước lên sân khấu hát bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương". Trời ạ! Tôi như bị hớp hồn bởi tà áo và giọng hát của chị; tà áo đỏ nổi bật trên sàn sân khấu ngoài trời thành một đóa hoa phượng rực cháy trên sân khấu. Tà áo mỏng bay bay trong gió biển lao xao như thể chiếc khăn tay cô gái ở bờ Bắc Hiền Lương đang vẫy chào người thương xa cách ở bờ Nam.

"Câu hò chiều nay" là lời nhắn nhủ thủy chung, gắn bó giữa hai miền Bắc -Nam dù bị chiến tranh chia cắt, được tà áo dài, cùng với lời bài hát và giọng hát tha thiết của ca sĩ, truyền thẳng tới người nghe, làm rung lên những cung bậc sâu thẳm nhất, tình người nhất của tiếng lòng. Hình ảnh cô nghệ sĩ với chiếc áo dài đỏ dạt dào trong gió biển ngày đó rất hay hiện ra trong tâm trí tôi mỗi khi tôi nhìn thấy tà áo dài Việt may đẹp.

Áo dài – câu chuyện “dài” về văn hóa - Ảnh 6.

Ảnh minh họa

Trang phục cũng là phương tiện truyền tải thông điệp. Điều này không có gì lạ trong giới chính khách, ngoại giao, hay những hoạt động văn hóa - xã hội đặc thù. Khi bà Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, trong tà áo dài Việt, xuất hiện trước rừng ống kính của phóng viên nước ngoài tại Paris theo dõi Hội nghị Paris về Việt Nam thì giới truyền thông quốc tế được một phen sững sờ vì sự trình hiện ngoạn mục của một nữ chính khách Việt, tạo ra ấn tượng về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, rất nhân văn, hiếu khách, có bề dày văn hóa và cũng rất kiên cường, rất trí tuệ. 

Tôi tin rằng, tà áo dài, cùng phong thái thanh lịch, quý phái, phát ngôn bình dị mà sâu sắc, cực kỳ thông minh và đanh thép của người mặc góp phần gỡ nút cho căng thẳng của những đối địch, làm "mềm" hóa bầu không khí quan hệ và gieo mối thiện cảm lớn cho bên đối địch và bạn bè quốc tế nói chung.

Đề cao chiếc áo dài Việt không phải là việc làm chủ quan, cảm tính, ta tự khen ta mà là một thực tế đã được kiểm nghiệm. Và một điều thú vị là, nó chắt lọc sâu sắc vẻ đẹp riêng của phụ nữ Việt. Nói thế không có nghĩa là tôi có thiên hướng nghiêng về tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Dân tộc nào cũng có những trang phục đặc trưng kết tinh quan niệm thẩm mỹ của họ - mà hình như, một cách vô thức, vì là phái đẹp nên nữ giới hay có "trọng trách" làm người đại diện cho vẻ đẹp văn hóa trang phục dân tộc. Nhìn lại quanh ta, người Hàn có han-bok, người Nhật có kimono, người Hoa có Hán phục, người Ấn có sa-ri… 

Rồi ngay cả ở Việt Nam, mỗi nhóm dân tộc (sắc tộc) cũng có trang phục truyền thống rất đẹp của mình; các bộ trang phục đó hoàn toàn cần được bảo tồn và phát huy như là di sản văn hóa vì do cộng đồng sáng tạo ra và phục vụ cho chính cộng đồng đó trước tiên, kể cả thường phục hay lễ phục, góp phần vào đa dạng văn hóa. Nhưng ở bình diện quốc gia, áo dài Việt cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ sẽ được số đông thừa nhận là đủ phẩm chất để góp phần đại diện cho bản sắc văn hóa Việt Nam tổng thể ở thời hiện đại. 

Ngày nay, thế giới chủ trương "đa dạng trong thống nhất" và "thống nhất trong đa dạng", các trang phục dân tộc/sắc tộc khác trong cùng một biên giới quốc gia - lãnh thổ là nước Việt Nam là sự đa dạng tồn tại một cách khách quan trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Song chiếc áo dài Việt có khả năng trở thành là một trong những biểu tượng văn hóa không chỉ cho tộc Việt và mà con cho cả tổng thể nền văn hóa, nhờ nó có tính phổ biến, nhiều người mặc, xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, và khác biệt rõ nét với các loại áo dài dân tộc ở các quốc gia khác. 

Tính phổ biến hay thậm chí, phổ quát (ai thuộc phái nữ cũng đều mặc được) và sự khác biệt tạo cho áo dài ưu điểm như vậy. Bởi thế, trong nhiều sách viết về Việt Nam, nhất là sách hướng dẫn du lịch do người nước ngoài chấp bút, tôi thấy từ "áo dài" được giữ nguyên như trong tiếng Việt vì các thứ tiếng khác không có từ tương ứng. Cùng với các từ như "nước mắm", "phở", "nem" và một số từ khác, "áo dài" đã đàng hoàng bước vào tâm thức bạn đọc quốc tế với cái name-tag (thẻ tên) của chính nó để sánh với các "đối ứng" của nó từ các nước khác như nói ở trên.

Áo dài truyền thống Việt hiện đã được cách tân đáng kể. Kể từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát quy định loại áo ngũ thân tay chẽn là y phục cho dân cư Đàng Trong thế kỷ 18, đến thời Minh Mạng, đất nước thống nhất, chiếc áo ngũ thân đã trở thành một loại phục trang chính thống cho cả hai giới Nam và Nữ trong cả nước. Đến thế kỷ 20, họa sĩ Cát Tường còn đi xa hơn khi cải tiến nó, trong những năm 1930, thành áo dài 2 thân với các chi tiết rất có hiệu dụng làm tôn vẻ đẹp và che lấp đi một vài khiếm khuyết của thân hình phụ nữ Việt. 

Từ đó, áo dài nữ đã trở nên có vị trí gần như độc tôn trong việc đại diện cho y phục trang trọng của nữ giới Việt. NSND về Ca trù là cụ Kim Đức, năm nay ngót nghét trăm tuổi, từng chia sẻ: "Ngày trước, thậm chí là khi chỉ muốn chạy ù sang cửa hàng tạp hóa bên kia đường để mua dầu thôi, nếu tôi không mặc áo dài là mẹ tôi mắng ngay "con gái con đứa...!".

Áo dài – câu chuyện “dài” về văn hóa - Ảnh 6.

Ngày nay, tiêu chuẩn về y phục và việc thực hành mặc đã khác đi (dĩ nhiên!), các nhà thiết kế còn mạnh dạn biến chiếc áo dài nữ thành tác phẩm nghệ thuật hay một bức tranh nghệ thuật khi mạnh dạn thêu, vẽ, hay dệt lên tà áo dài những hoa hoa văn trang trí, kể cả hoa văn lấy cảm hứng từ trang phục các nhóm tộc người khác trên đất Việt, hay thậm chí là một bức tranh. Nếu được làm một cách có gu thẩm mỹ thì giá trị chiếc áo dài nữ tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ đâu là áo dài thời trang và đâu là áo dài truyền thống. Nhiều loại áo dài được thiết kế vượt quá xa khuôn khổ truyền thống để trở thành một kiểu áo khác lạ, cho dù có đẹp thật, thì cũng nên định danh nó là "áo dài thời trang" để phân định rõ với loại áo dài hai thân vốn đã cách tân đầu thế kỷ trước, nhưng chứa đựng những chi tiết thừa kế từ truyền thống và khả dĩ biểu đạt được "sự hiện diện" bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Chúng tôi nói một cách dè dặt về "sự hiện diện Việt" bởi lẽ không ít phụ nữ nước ngoài yêu thích áo dài hai thân Việt và có thể thực hành mặc nó - như đã kể ở đầu bài này; mặc dù họ không mang bản dạng Việt nhưng họ cho ta cảm giác về một cái gì đó "rất Việt Nam" đang hiện diện trước mặt ta.

Nữ giới Việt đã may mắn có trang phục truyền thống mang đặc trưng văn hóa Việt, vậy đối với nam giới Việt thì sao? Thực tế, bên cạnh áo dài nữ thường thấy, còn có các loại loại áo quần thuộc trang phục cổ truyền như áo Nhật bình cho nữ, áo tấc dành cho nghi lễ truyền thống, áo dài ngũ thân tay chẽn cho nữ và cho nam và vô số các loại cổ phục; chúng hiện đang dần được phục hồi bởi các cá nhân và nhóm yêu văn hóa truyền thống khác nhau, trong đó có CLB Đình làng Việt. 

Tôi nghĩ rằng, câu chuyện chọn loại trang phục làm lễ phục truyền thống đặc trưng cho nam giới Việt cũng sẽ "dài dài", bởi lẽ đó là chuyện về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, về di sản văn hóa chứ không phải đơn thuần là về y phục che thân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn