Armenia: Thất nghiệp nhiều khiến phụ nữ dễ bị lợi dụng

14/08/2018 - 11:59
Theo thống kê chưa đầy đủ, có 46.700 phụ nữ thất nghiệp ở Armenia, chiếm 2/3 tổng số người thất nghiệp. Do thiếu bảo vệ về pháp lý, phụ nữ ở đất nước thuộc châu Âu này dễ bị lợi dụng bởi các ông chủ vô đạo đức và bị các nhà tuyển dụng phân biệt đối xử.

Không trẻ đẹp chỉ được làm lao công, tạp vụ 

Ani (29 tuổi) thấy quảng cáo có đăng tuyển dụng tìm thư ký, độ tuổi tối đa là 25 với mức lương 410 USD/tháng. Ani gọi đến nhà tuyển dụng nói rằng cô nhiều hơn một vài tuổi so với yêu cầu. Tuy nhiên, cô đã có kinh nghiệm làm việc và đề nghị ông giám đốc cho cô một cơ hội. Khi cô đến gặp để phỏng vấn, ông ta nhìn cô từ đầu tới chân, rồi bảo cô xoay người qua lại để ông kiểm tra.

a1.jpg
Trước nhu cầu làm đẹp của chị em, các thẩm mỹ viện mọc lên san sát trên các đường phố của thủ đô Yerevan. Ảnh minh họa

 

Trầm ngâm một lúc, ông ta bảo, dù cô lớn hơn số tuổi quy định nhưng ông ta vẫn có thể nhận cô vào làm việc, với một số điều kiện kèm theo như: Phải đi bơm môi, ngoài công việc, cô phải chiều những ý muốn cá nhân của ông như đi ra ngoài cùng ông bất kể đêm hay ngày, làm ông vui lòng bằng những nụ hôn khi ông cần. Ani biết mình gặp phải ông chủ yêu râu xanh nên cô bỏ chạy.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, Alina đến châu Âu làm tình nguyện viên của một dự án ở Porland. Khi về nước, cô thông thạo ngoại ngữ và muốn trở thành phiên dịch viên. Tuy nhiên, vì rất khó tìm một công việc đúng chuyên môn nên cô xin làm nhân viên ở một cửa hàng mà cô biết ở đó đang thiếu người. Ông chủ cửa hàng nhận hồ sơ với thái độ thờ ơ. Ông ta không quan tâm đến tính cách, năng lực hay trình độ học vấn của cô mà chỉ hỏi: Cô bao nhiêu tuổi. Cô nói mình 27 tuổi. Ông ta trả lời một cách phũ phàng rằng 27 tuổi là quá già cho vị trí này.

 

Sau một thời gian dài vất vả tìm việc, cuối cùng Alina cũng tìm được việc ở một viện giáo dục. Bạn bè ganh tị với cô vì ở tuổi đó, cô còn có thể tìm được một công việc tốt. Alina nói: “Bạn tôi - Lusine (33 tuổi) không ngại đường xa từ thành phố Vanadzor đến Yerevan - thủ đô Armenia hy vọng tìm được một công việc. Dù có trình độ chuyên môn về kinh tế thương mại nhưng cô chỉ dám xin một chân bán hàng. Tuy nhiên, ông chủ nói với Lusine rằng họ chỉ có thể nhận cô làm lao công mà thôi”.

 

Đi thẩm mỹ vì sếp yêu cầu 

Theo thống kê chưa đầy đủ, có 46.700 phụ nữ thất nghiệp ở Armenia. Họ chiếm 2/3 tổng số người thất nghiệp ở đất nước này. Với tỷ lệ thất nghiệp cao như vậy, phụ nữ Armenia đặc biệt dễ bị lợi dụng bởi các ông chủ vô đạo đức. Do thiếu sự bảo vệ pháp lý, nhà tuyển dụng được tự do phân biệt đối xử với các ứng viên nữ về độ tuổi và ngoại hình. Do vậy, rất nhiều phụ nữ vì muốn có một công việc phải đến thẩm mỹ viện sửa sang sắc đẹp.

a3.jpg
Với tỉ lệ thất nghiệp cao như vậy, phụ nữ Armenia đặc biệt dễ bị lợi dụng bởi các ông chủ thiếu đạo đức. Ảnh minh họa

 

Trước nhu cầu làm đẹp của chị em, các thẩm mỹ viện mọc lên san sát trên các đường phố của thủ đô Yerevan. Shushan, một nhân viên thẩm mỹ chuyên thực hiện dịch vụ bơm môi và xóa các nếp nhăn ở mắt, miệng và trán cho biết: “Tôi có nhiều khách hàng quen, họ đến đây một năm vài lần không phải vì bản thân họ muốn mà vì sếp họ yêu cầu. Khuôn mặt của họ được ông chủ xem như một thứ đồ vật cần tân trang khi theo định kỳ. Họ được cấp trên “quán triệt” rằng: “Những thứ gì đã cũ không được chấp nhận trong công ty này dù đó là khuôn mặt hay quần áo”.

 

Gayane tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Ngôn ngữ. Vì chẳng thể tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành, cô đành phải làm phục vụ ở quán cà phê. Sau một vài tuần, sếp của cô gọi cô vào phòng riêng và hỏi: Cô có muốn làm quản lý không. Ông ấy sẽ cho cô lên chức với điều kiện là phải... ngủ với ông. Cô giận đến tím người và nói rằng cô không phải là gái mại dâm.

a4.jpg
Theo thống kê chưa đầy đủ, có 46.700 phụ nữ thất nghiệp ở Armenia. Họ chiếm 2/3 tổng số người thất nghiệp ở đất nước này. Ảnh minh họa

 

Ông Ara Ghazaryan, chuyên gia về luật pháp quốc tế từ Văn phòng luật sư Armenia, nói rằng: “Theo Bộ luật Lao động Armenia, không có quy định nào ngăn cấm người sử dụng lao động phân biệt đối xử về giới tính, ngoại hình hay tuổi tác với nhân viên. Căn cứ pháp lý duy nhất có thể được trích dẫn là Hiến pháp Armenia cấm phân biệt đối xử nhưng nó quá chung chung. Chính vì vậy, chuyện các ông chủ lạm dụng hay quấy rối tình dục với nhân viên nữ của mình là rất phổ biến. Trong khi đó, phụ nữ còn rất ngại công bố những vấn đề có liên quan đến sếp của họ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm