Ba cách giúp trẻ viết văn hay hơn

16/03/2016 - 18:19
Theo Thạc sĩ Phan Hồ Điệp (giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt - ĐH Sư phạm Hà Nội), để trẻ tránh xa lối tư duy “học thuộc” hay làm văn theo mẫu, cha mẹ có thể bổ sung kiến thức và sự sáng tạo của con thông qua những trò chơi tương tác.

Câu đố
Thứ nhất, các phụ huynh có thể thử trò chơi đoán vật. Cha mẹ giấu đồ vật, sau đó miêu tả để con đoán dựa trên những miêu tả đó. Ví dụ, giấu quả na và hỏi trẻ: “Quả gì vỏ màu xanh ruột màu trắng”. Đến đó các cha mẹ có thể dừng lại để trẻ suy nghĩ và đưa ra đáp án. Nếu đáp án chưa chính xác sẽ gợi ý tiếp: “Quả này có các mắt”. Khi con đoán đúng, hãy đưa quả na ra.
Sau khi có đáp án, hãy cùng trẻ miêu tả thêm về đồ vật đó. Ví dụ: Quả na có hình tròn trĩnh, y hệt như quả bóng nhỏ. Khi chín, các mắt na mở to. Không chỉ mắt na báo hiệu, cả mùi thơm của na cũng cho mình biết là na đã chín. Ruột na màu trắng ngần, ngọt lịm. Hạt na đen nháy nên người ta còn ví mắt đen như hạt na...
Sau cùng hãy cùng trẻ khám phá xem những điều mình vừa miêu tả có đúng không.
Đến lượt trẻ là người đố thì có thể giả vờ không biết hoặc chậm trả lời để trẻ có cơ hội miêu tả nhiều hơn. Trò chơi này có thể chơi từ khi con ở tuổi mẫu giáo và tăng dần độ khó bằng những đồ vật “lắt léo” hơn.
Không chỉ dừng ở đồ vật, mỗi lần cùng trẻ đi dạo, cha mẹ có thể đố trẻ miêu tả về một người nào đó mà cả bố mẹ và con cùng biết. Tất nhiên không được nói tên, và phải miêu tả bằng hình dáng rồi mới đến các đặc điểm của người đó. Cứ thế, việc miêu tả của con sẽ khá hơn bắt đầu từ những trò chơi đơn giản. Thực tế, việc viết một bài văn cũng giống như con chơi trò đố mẹ vậy.

vietvansangtao.jpg
Trò chơi sẽ giúp trẻ sáng tạo hơn khi làm bài - Ảnh minh họa. 

Làm báo tường
Ở nhà cha mẹ có thể cùng trẻ làm báo tường. Mua một tờ giấy lớn rồi dán ở góc học tập của trẻ rồi cùng con bắt đầu “viết báo”. Hãy đặt ra thử thách mỗi ngày đóng góp những bài báo của riêng mình còn chủ đề thì hãy để trẻ thích gì viết nấy. Chuyện có thể đơn giản là con đi học bị cô giáo phê bình vì nói chuyện riêng, hay chuyện cây hoa hồng trên ban công bị héo vì ít đất ăn quá, chuyện mẹ thái rau bị đứt tay…
Tất cả những mẩu chuyện cỏn con ấy hãy dán lên, có trang trí hoa lá cành cho sinh động. Tờ báo tường cứ thế sẽ dày lên và mỗi lúc rảnh rỗi hãy cùng con ngồi đọc lại. Chính những bài viết nhỏ đó sẽ khiến trẻ không ngại viết và luôn thấy việc mình viết lại một hoạt động, một sự kiện gì đó là việc làm thú vị thay vì “vò đầu bứt tai” đau khổ mỗi khi viết bài. Điều này hẳn cũng giúp trẻ viết bài văn được nhanh hơn.

Tưởng tượng
Luật chơi khá dễ khi nghĩ ra một tình huống nào đó rồi bắt đầu… để con tưởng tượng. Tất cả những điều gì “phù phiếm” nhất đều có thể huy động để tạo thành một câu chuyện. Con trẻ thường cảm thấy tò mò với những chi tiết có vẻ hơi hoang đường nên hãy ra những tình huống có vẻ kì bí một chút. Hãy để trẻ tưởng tượng và miêu tả, sau đó khuyến khích trẻ viết lại. Kể thì bao giờ cũng dễ hơn viết. Vì vậy hãy luôn động viên để trẻ dành ra khoảng 20 phút mỗi ngày để viết thành những câu chuyện.
Điều quan trọng, các bậc cha mẹ hãy giảm tất cả những hoạt động khác như xem ti vi, vào mạng… để dành thêm nhiều thời gian với trẻ, cùng trẻ tham gia các hoạt động vào mỗi buổi tối.
Nói chuyện, ghi chép, miêu tả, tranh luận, hò hát… tất cả những điều đó sẽ đến gần trái tim của con hơn, giúp con có nhiều vốn liếng giúp cho việc viết văn tốt hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm