“Bà đỡ” đặc biệt của người khiếm thị

27/06/2021 06:18
Chị Bùi Thị Lợi (trái) hỗ trợ, hướng dẫn một người khiếm thị lớn tuổi bó chổi

Chị Bùi Thị Lợi (trái) hỗ trợ, hướng dẫn một người khiếm thị lớn tuổi bó chổi

Không chỉ nỗ lực để có được công việc ổn định cho bản thân, trong nhiều năm qua, chị Bùi Thị Lợi (43 tuổi, ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) còn dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho nhiều người đồng cảnh ngộ - là những người khiếm thị trên địa bàn.

Chia sẻ với người đồng cảnh ngộ

Đến xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), chỉ cần hỏi thăm cơ sở làm chổi Liên Hoa, hầu như ai cũng biết. Đó là một căn nhà nhỏ nằm ven đường, ngay phía ngoài sân đã có thể thấy hình ảnh của các cô, các chú - là những người khiếm thị đang tỉ mẩn với công việc làm chổi. Mỗi người một công đoạn khác nhau, được phân chia một cách khoa học, làm ra những sản phẩm tốt và đẹp nhất để cung cấp ra thị trường.

Chủ của cơ sở sản xuất chổi bông Liên Hoa cũng là một người khiếm thị - chị Bùi Thị Lợi. Ngay từ khi con nhỏ, đôi mắt của chị Lợi đã kém hơn so với người bình thường, càng lớn lên thì mắt càng yếu dần. Đến khoảng năm 2009, sau ca mổ sỏi thận và sỏi bàng quang thì mắt chị mờ hẳn. Sóng gió cuộc đời cũng từ đó đến với người phụ nữ này.

“Bà đỡ” đặc biệt của người khiếm thị - Ảnh 1.

Cơ sở làm chổi Liên Hoa mang đến công việc ổn định cho hơn 20 người khiếm thị

Thế nhưng, với ý chí không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, chị Lợi đã đi học nghề xoa bóp, ấn huyệt ở huyện Tân Châu (An Giang). Sau đó lại tiếp tục học nghề tại các phòng khám nhân đạo ở An Giang, TPHCM. Với những kiến thức có được sau thời gian học hỏi, chị Lợi trở về Đồng Tháp mở cơ sở chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, rồi truyền dạy nghề xoa bóp - bấm huyệt cho những người kiếm thị trong và ngoài tỉnh.

"Khi đôi mắt không còn sáng như người bình thường. Tôi nghĩ phải làm sao có việc làm, phải sống được bằng chính đôi tay của mình, không trở thành gánh nặng cho gia đình. Trước kia, khi tôi bị bệnh cũng có nhiều người đã chia sẻ, giúp đỡ tôi. Bởi vậy, khi học được nghề thì tôi cũng chia sẻ, giúp đỡ với những người nghèo khó", chị Lợi chia sẻ.

Năm 2015, chị kết duyên cùng anh Phạm Trung Hiếu (42 tuổi) - cũng là một người khiếm thị. Mái ấm của những người khiếm thị nghèo theo đó cũng có thêm niềm vui, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười nói râm ran.

Mái nhà chung của người khiếm thị

Không chỉ dạy nghề xoa bóp - bấm huyệt cho người khiếm thị, chị Lợi còn mày mò, học hỏi rồi dạy cho mọi người làm nghề làm thảm chân. Cũng chính nghề này đã giúp cho người khiếm thị trên địa bàn có được thu nhập, cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả hơn.

Tuy nhiên, cũng có một bài toán đặt ra với chị lúc này, là phải làm sao tìm được một nghề phù hợp với những người khiếm thị lớn tuổi. Bởi nghề xoa bóp - bấm huyệt chỉ phù hợp với người trẻ; trong khi đó nghề làm thảm chân lượng hàng bán được rất ít, thu nhập lại rất bấp bênh.

"Vì không có việc làm nên có một số cô chú khi đó rất buồn, thậm chí đòi tự tử nữa. Thế là năm 2018, tôi tìm hiểu và đi học nghề bó chổi. Lúc đó, do con còn nhỏ, lại bận công việc nên tôi phải nhờ người từ Bến Tre qua dạy nghề vào thứ 7, chủ nhật. Sau đó, lại dành thời gian học hỏi, tìm hiểu thêm", chị Lợi nhớ lại.

“Bà đỡ” đặc biệt của người khiếm thị - Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Lợi (trái) hỗ trợ, hướng dẫn một người khiếm thị lớn tuổi bó chổi

Có nghề trong tay, chị Lợi tự mình đi tìm mua nguyên liệu ở Đắk Nông với rất nhiều khó khăn. Sau đó, "bà đỡ" Bùi Thị Lợi lại truyền dạy nghề lại cho mọi người. Từ vài người ban đầu, đến nay, cơ sở làm chổi của chị đã tạo được công việc ổn định cho hơn 20 người khiếm thị trên địa bàn với thu nhập từ 70.000 - 100.000/người/ngày.

Chị Lợi cho biết, mọi người đều rất vui và rất chăm chỉ làm việc. Các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, có độ bền cao. Trung bình mỗi tháng, cơ sở cung cấp khoảng 1.500-2.000 cây chổi ra thị trường. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra vào kéo dài trong thời gian qua cũng đã khiến việc sản xuất của cơ sở bị ảnh hưởng không nhỏ. Hiện đang có hơn 1.200 cây chổi đã làm ra nhưng vẫn chưa thể tiêu thụ được.

"Nguyện vọng của tôi là tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất, có thể dạy nghề, tạo công ăn việc nhiều hơn cho không chỉ người trong tỉnh mà cả các tỉnh/thành khác. Mọi người có thể xem đây là ngôi nhà của mình. Khi học xong nghề, nếu ai muốn ở lại làm việc thì cơ sở sẽ tạo mọi người điều kiện, còn nếu ai muốn đi nơi khác để làm việc thì tôi cũng rất vui vẻ, ủng hộ. Đến đây, mọi người sẽ được nuôi ăn ở, dạy nghề miễn phí. Việc người khiếm thị có được nghề, kiếm được đồng tiền bằng chính đôi tay của mình là niềm vui đối với tôi", chị Lợi chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn