'Bà đỡ' kiểu mới cho nông dân

01/11/2016 - 15:26
Sau 37 năm hoạt động, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây ở thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) thu hút nhiều thành viên góp vốn, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng, cho doanh thu hàng chục tỉ đồng.

Từng bước mở rộng quy mô hoạt động

Về xã An Ninh Tây, tiếng máy cày làm đất rộn ràng của HTX Nông nghiệp An Ninh Tây báo hiệu vụ đông xuân 2016-2017 đã bắt đầu. Anh Mai Bá Xuân ở thôn 3, thành viên kiêm lao động trong HTX, người đã cầm lái máy gặt, máy cày cho HTX 13 năm nay chia sẻ: Ngoài nghề đi biển, tôi còn lái máy cày, máy cắt cho HTX. Cứ một năm 2 vụ lúa, để kịp lịch xuống giống cho bà con HTX tổ chức các đầu máy ra quân đồng loạt là tôi có mặt. Hôm nay tôi nhận việc cày tại cánh đồng thôn Diêm Điền. Cày thời điểm này là tốt nhất vì nước ngoài ruộng đang sấp sấp thuận lợi cho lật đất, cày sâu và lúa chét cũng chưa cứng gốc, trổ bông.

img_8703.JPG
Anh Mai Bá Xuân đang lái máy cày trung làm đất cho vụ đông xuân 2016-2017

Hiện HTX An Ninh Tây có 5 máy tuốt lúa, 9 máy gặt đập liên hợp, 9 máy cày, 6 máy giê lúa, 1 xe tải chở lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân trong xã. Những phương tiện cơ giới hóa này được HTX mua tích lũy từ tiền vốn góp xã viên những ngày đầu thành lập cùng vốn hỗ trợ của Nhà nước, với tổng kinh phí hơn 4,2 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây nhớ lại: Bắt đầu từ Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp vào năm 1988 (vẫn gọi tắt là khoán 10), HTX huy động xã viên góp vốn, mức vốn góp mỗi hộ xã viên là 34 đồng và 25kg lúa. Từ đó, HTX mua được 9 chiếc máy cày đầu tiên, mở dịch vụ cày. Hoạt động tốt, HTX có doanh thu nên năm 1996 mua thêm 5 máy tuốt lúa. Bên cạnh dịch vụ cày, giờ HTX đã mở thêm được dịch vụ tuốt lúa. Khi máy gặt đập liên hợp ra đời đảm nhận cùng lúc 2 khâu gặp và tuốt lúa ngay trên đồng, HTX cũng kịp thời đổi mới công nghệ mua 3 máy gặt đập liên hợp. Càng ngày, bà con càng thấy sự thuận tiện của cơ giới hóa nên số người sử dụng dịch vụ của HTX ngày càng tăng, 70% thành viên HTX đã sử dụng. Để phụ vụ bà con, HTX đầu tư thêm 4 máy gặt đập liên hợp vào 2 năm 2010, 2013.

Được hỗ trợ vốn từ Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, HTX đã vay 950 triệu đồng vào năm 2014 mua 2 máy gặt đập liên hợp, tăng số máy gặt đập từ 7 cái thành 9 cái. Từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2014-2015 HTX được hỗ trợ 40 triệu đồng mua 6 máy giê lúa, mở thêm dịch vụ khử lẫn lúa nép, rác tạp trong lúa cho bà con. Hiện HTX có đủ máy móc hiện đại đáp ứng được toàn bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp từ cày đất, gặt lúa, tuốt lúa đến làm tinh. HTX đã thu hút được 100% thành viên HTX sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh phục vụ sản xuất nông nghiệp, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây cũng từng bước mở rộng quy mô các dịch vụ kinh doanh. Ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX chia sẻ thêm: Khi xóa bỏ bao cấp, HTX liền đầu tư 100 triệu đồng mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên diện tích 175m2. Đầu năm 2016, HTX tiếp tục đầu tư hơn 1 tỉ đồng mở rộng cây xăng lên 1.300m2, thu hút thêm ngày càng nhiều khách. Đối với dịch vụ cấp nước sạch, năm 2008, HTX quản lý trạm cấp nước sinh hoạt Bình Thạch, cấp nước cho 600 hộ dân trong xã. Để nâng số hộ được sử dụng nước lên 871 hộ như hiện nay, HTX đầu tư 100 triệu đồng mở rộng đường ống. Hàng năm, tổng doanh thu của HTX đạt từ hơn 13-15 tỉ đồng, cho lãi từ 400- 600 triệu đồng.

Chăm lo thành viên và người lao động

Thành viên HTX, anh Lâm Thái Quốc ở thôn Hội Phú nói: Gia đình tôi có 4 sào ruộng nước và 20 năm nay đều tới HTX để mua giống và thuê cày đất, gặt, giê lúa… Tôi cũng mua xăng dầu và dùng nước sinh hoạt của HTX. Sử dụng dịch vụ của HTX, tới cuối năm, tôi còn được HTX chia lãi vốn góp.

img_5452.JPG
Tổ cơ khí của HTX đang bảo dưỡng máy trước mỗi vụ sản xuất

37 năm nay, thành viên HTX Nông nghiệp An Ninh Tây chỉ góp vốn 1 lần duy nhất là 34 đồng và 25kg lúa. Chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 vào năm 2014, HTX thu hút thêm được 141 thành viên, nâng tổng số thành viên góp vốn hiện có lên 3012 người. Hiện vốn điều lệ của HTX hơn 3,6 tỉ đồng. Hàng năm, thành viên HTX được chia lãi 30.000 đồng mỗi cổ phần góp (195.000 đồng/cổ phần). Giá các dịch vụ tại HTX luôn thấp hơn giá thị trường, giá quy định của tỉnh, cụ thể: dịch vụ cày giá 1,3 triệu đồng/ha, thấp hơn bên ngoài 400.000 đồng/ha; gặt lúa giá 2-2,5 triệu/ha, thấp hơn 600.000 đồng/ha. Phí thủy lợi nội đồng được UBND tỉnh cho phép thu 450.000 đồng/ha nhưng HTX chỉ thu 350.000 đồng/ha… Chị Nguyễn Thị Lanh ở thôn Diêm Điền bày tỏ: Dùng máy gặt đập liên hợp, việc gặt của gia đình tôi cũng chỉ gói gọn trong 1-2 ngày thay vì 4-5 ngày gặt tay như trước. Về giá trị kinh tế, chi phí trên 1ha ruộng 2,4 triệu đồng, còn nếu gặt bộ cùng với tuốt lúa tới 5 triệu đồng. 

Mở rộng hoạt động kinh doanh, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây đã tạo việc làm cho nhiều thành viên HTX và người lao động trong xã. Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng ban kiểm soát HTX thì lao động đang làm việc cho HTX là 57 người, tăng 6 lao động so với năm 2015. Thu nhập mỗi lao động từ 24-36 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Phú Yên cho biết: Làm tốt các dịch vụ đáp ứng yêu cầu sử dụng của người dân, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây thu hút ngày càng nhiều người tham gia góp vốn trở thành thành viên HTX. Ngược lại, HTX sử dụng hiệu quả đồng vốn góp, tạo ra doanh thu, tái đầu tư mở rộng quy mô hoạt động đã giúp thành viên phát triển kinh tế hộ, tạo ra việc làm tăng thu nhập cho các hộ dân trong xã. HTX xứng đáng là đơn vị kinh tế tập thể điển hình nhiều năm liền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm