Bà giáo gần 80 tuổi 30 năm "gieo chữ" cho học trò thiểu năng

26/11/2022 17:08
Bà giáo Cô và học trò

Bà giáo Cô và học trò

Bằng niềm cảm thương những số phận đặc biệt, gần 30 năm qua, bà giáo Nguyễn Thị Côi dành tâm huyết với lớp học miễn phí, dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.

"Lớp học linh hoạt" của bà giáo già

Mỗi sáng hàng tuần từ thứ 2 đến thứ 6, vào lúc 8h, Nhà văn hóa Khu dân cư số 2, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại nhộn nhịp tiếng nói cười, tiếng tập đọc của "lớp học linh hoạt" do bà giáo Nguyễn Thị Côi (gần 80 tuổi) đứng lớp.

Trước kia, bà Côi từng làm Hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Cách đây 30 năm, lãnh đạo phường Hoàng Văn Thụ (lúc đó còn thuộc quận Hai Bà Trưng) có chủ trương xóa mù chữ, mở lớp cho trẻ em lang thang cơ nhỡ và cô Côi liền xung phong tham gia. Những ngày đầu tiên, cô đi khắp các xóm trọ, gặp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, những em nhỏ đi đánh giày, bán báo để vận động các em đi học.

Lớp học của bà giáo Côi hiện nay có gần 20 học sinh, học sinh bé nhất là 10 tuổi và học sinh lớn nhất đã 42 tuổi. Đây đều là những học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn đến từ nơi trong các quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.

30 năm gieo chữ cho học trò thiểu năng của bà giáo 80 tuổi - Ảnh 1.

"Lớp học linh hoạt"

Mỗi buổi tới lớp, bà giáo Côi luôn kiểm tra, chấm bài, gọi đọc. Nếu gọi các em lớp 1 đọc thì các em còn lại sẽ tập viết, tập tính rồi ngược lại. Bà Côi tâm sự: "Để dạy được lớp học đặc biệt này, tôi phải hết sức kiên nhẫn và dạy bằng tất cả tình thương của mình. Có những học sinh, học một chữ cái đến hàng tháng không thuộc. Mỗi học sinh có khả năng tiếp thu khác nhau nên phải có giáo trình riêng".

30 năm gieo chữ cho học trò thiểu năng của bà giáo 80 tuổi - Ảnh 2.

30 năm gieo chữ cho học trò thiểu năng của bà giáo 80 tuổi - Ảnh 3.

Những nét chữ đẹp được bà giáo Côi rèn giũa

Ngoài học chữ, học sinh của bà giáo Côi còn được học về các ứng xử với mọi người xung quanh, về kĩ năng sống như: quét nhà, sân, nhà vệ sinh, rồi đến tắm giặt, phơi quần áo… Bà Côi chia sẻ: "Có lúc ngồi học được một lúc lại quậy phá, có lúc nó chơi, nó hò nó hét, nghịch ngợm, đánh nhau. Tôi rèn mãi mới được như thế này".

30 năm gieo chữ cho học trò thiểu năng của bà giáo 80 tuổi - Ảnh 4.

Lớp học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy những kỹ năng

Hầu hết học sinh trong "lớp học linh hoạt" của bà giáo Côi đều thích đi học và đi học rất đều vì các con coi đi học là một niềm vui lớn. Đến đây không chỉ được học chữ mà trẻ còn được thụ hưởng những tình thương yêu của bà giáo, của những bạn bè cùng cảnh ngộ.

Thay đổi những cuộc đời

Nhờ lớp học này, các bạn đã biết đọc, biết viết, thậm chí có 2 học sinh từ không biết chữ đã học lên đến trình độ đại học. Bà giáo Côi nhớ lại, trước đây, có 2 bạn nữ là Hương và Thủy học lớp của bà, gia cảnh nghèo khó, không có tiền đi học, bà đã tìm đến gia đình vận động và nhận vào lớp. Học bà từ cấp 1, rồi lên cấp 2, cấp 3 rồi được bà giới thiệu vào trường giáo dục thường xuyên để có bằng cấp; sau đó, các em đều đỗ được vào đại học. Hiện nay, các bạn đó đều trưởng thành và lập gia đình, công việc làm ổn định.

Với N.V.T (22 tuổi), được đến lớp học mỗi ngày là niềm vui lớn. T. Mất mẹ từ khi mới lọt lòng, ít lâu sau, bố T. không may vướng vào vòng lao lý. Đứa cháu dại khờ được chăm sóc dưới bàn tay bà nội nhưng rồi bà cũng đi theo mẹ T. về thế giới bên kia.

T. được cậu mợ đem về nuôi nhưng khác với tình yêu của bà dành cho, T. chỉ nhận được những đòn roi và lời cay nghệt của cậu mợ. Vết thương rộng và sâu ngay giữa trán khiến T. còn đau do người cậu dùng thanh sắt đánh đập.

Niềm vui duy nhất của T. lúc này là mỗi ngày được đến lớp học tập cùng bà Côi và các anh chị em. Những nét chữ đang nắn nót theo từng ô ly cẩn thận, tỉ mỉ để cố gắng nhận những bông hoa điểm 10 của bà giáo.

Bởi những tình cảm, nhiệt tâm của bà Côi, các nhà hảo tâm trong phường gửi tặng những hoàn cảnh đáng thương với những quyển vở, cái bút... Trong lớp, T. cũng ra dáng đàn anh, nhắc nhở các em ngoan ngoãn trật tự, không để ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn khác.

30 năm gieo chữ cho học trò thiểu năng của bà giáo 80 tuổi - Ảnh 5.

T. và các bạn chăm chỉ học bài

Được học con chữ, được học cách ứng xử văn hóa, T. cũng trưởng thành hơn. Mong muốn của T. sau này sẽ có một công việc nào đó phù hợp để nuôi bản thân và mang lại giá trị cho xã hội.

Chứng kiến học trò của mình đổi thay và nỗ lực sống tốt hàng ngày chính là động lực giúp bà giáo Nguyễn Thị Côi vượt qua mọi gian nan và gắn bó với lớp học đặc biệt của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn