Bà ngoại "độc hại"

Châu An
01/05/2022 - 15:30
Bà ngoại "độc hại"

Ảnh minh họa

Cứ sáng ra, mẹ dành việc đưa con bé đi ăn sáng, cà phê cùng nhóm bạn. Đi với bà buổi sáng thì đến tối gặp bố mẹ, con bé luôn mồm nói đệm những từ bậy bạ khiến vợ chồng Đào sững sờ khi nghe.

Mẹ chỉ sinh được mình Đào nên từ nhỏ cô đã được cưng chiều như trứng. Bố mất sớm nên khi Đào kết hôn, mẹ đã chủ động đề nghị con rể về sống cùng. Tất nhiên, mẹ không mất nhiều công sức để thuyết phục Hoàng-chồng Đào-vì gia đình anh đông con, nhà chật, trong khi mẹ con Đào lại sống trong ngôi nhà bốn tầng, diện tích hơn 60m2 một sàn.

Tiếng là ở rể nhưng vợ chồng thoải mái như thể ở riêng vì mẹ Đào tính trẻ trung, bà "lượn lờ" suốt ngày, thi thoảng lại đi du lịch cả tuần đến cả tháng mới về. Những lúc bà ở nhà thì cũng sáng cà phê, trưa tụ tập. Vợ chồng Đào ủng hộ lối sống tự do đó của mẹ vì cùng quan điểm "mẹ thích làm gì thì làm, miễn mẹ vui là được".

Chuyện sống chung với mẹ vợ êm đềm được hơn hai năm. Đến khi con gái Đào chào đời, những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Mẹ luôn miệng tuyên bố: "Mẹ già rồi không chăm cháu được, hai vợ chồng tự thu xếp!". Đào cũng toe toét đùa: "Mẹ cứ tận hưởng cuộc sống như mơ đi, lúc nào thích thì bế cháu một lúc là được!"…

Vậy nhưng khi thuê người giúp việc thì mẹ Đào "săm soi" từng chút một. Cô giúp việc bế cháu trên tay, khẽ đung đưa nhẹ nhàng thì mẹ Đào gắt lên: "Cô rung thế làm cháu tôi chóng mặt thì nó lại chẳng ngủ nhanh à?", "Quần áo của cháu, cô phải giặt tay, giặt máy làm con bé vặn người!"…

Nếu mẹ là người phụ nữ của gia đình thì Đào cũng chẳng nói làm gì. Đằng này từ trước đến nay mẹ chỉ quen với cuộc sống bay nhảy, những gì mẹ nói với cô giúp việc cũng toàn là chuyện mẹ nghe người khác nói lại, chẳng có chút khoa học nào.

Trong vòng mấy tháng, Đào đã phải thay đến ba người giúp việc, trước lúc rời đi ai cũng nói: "Cô chú rất tốt nhưng tôi không chịu nổi tính khí "đồng bóng" của mẹ cô nên cô chú thông cảm, tìm người mới đi!". Đào đã năn nỉ mẹ rằng thời buổi này, tìm được người thạo việc và yêu trẻ không hề đơn giản, chỉ cần mẹ cứ lờ đi, đừng để ý gì đến việc các cô ấy làm là được.

Chỉ có vậy mà mẹ Đào bù lu bù loa lên là muốn quan tâm đến cháu cũng bị ngăn cản: "Mẹ thấy gai mắt thì mẹ phải nói, sao con lại bắt mẹ giả điếc, giả câm ở trong nhà mẹ được?"…

Trời không chịu đất thì đất đành chịu trời, người giúp việc nào đến nhà, Đào cũng phải làm công tác tư tưởng để họ "lờ đi mà làm"… Đến khi con gái tập nói, vợ chồng Đào đều cảm thấy stress với mẹ mỗi ngày.

Sáng nào mẹ cũng đưa con bé đi ăn sáng. Chỉ ăn được vài miếng, cháu lắc đầu là bà cũng thôi luôn, không dỗ để cháu ăn thêm. Ăn sáng xong, bà đưa cháu đi cà phê cùng nhóm bạn. Bạn già gặp nhau nên nói năng bỗ bã, không giữ ý. Đi với bà buổi sáng thì đến tối gặp bố mẹ, con bé luôn mồm nói đệm những từ bậy bạ khiến vợ chồng Đào sững sờ khi nghe.

Thậm chí có lần đang ngồi xem tivi, con bé quay sang bảo: "Bố ngu, không biết gì" rồi cười khanh khách; lần khác lại hồn nhiên chửi mẹ… Vợ chồng Đào đã cố gắng giải thích để con không nói bậy nhưng không ăn thua. Mỗi lần nghe con chửi bậy, vợ chồng cô lại nhìn nhau thở dài vì biết rõ nguyên nhân mà không biết sẽ phải nói với mẹ thế nào để bà không nổi đóa.

Chưa hết, vợ chồng Đào luôn muốn nghiêm khắc với con thì mẹ cô lại ngược hẳn, bà muốn cháu phát triển tự nhiên nên chiều một cách vô điều kiện. Cháu muốn gì là bà lập tức đáp ứng. Đến giờ đi ngủ mà cháu vẫn muốn "ôm" Ipad, bà cho cháu… toại nguyện luôn. Đang ăn cháo, mà cháu muốn ăn bim bim, bà cũng chiều ngay...

Những chuyện nho nhỏ tích dần lại đã khiến vợ chồng Đào không ai bảo ai đều nghĩ đến việc sẽ phải nói với mẹ thế nào để mong bà thay đổi theo hướng tích cực. Con bé mới hai tuổi, như một tờ giấy trắng, nếu cứ để bà thoải mái "uốn" cháu theo cách "độc hại" bấy lâu thì lớn lên vợ chồng Đào sẽ rất vất vả trong quá trình dạy dỗ con.

"Nếu mẹ không thay đổi, có lẽ vợ chồng mình phải tính đến việc chuyển ra ngoài sống thôi anh à!"- Đào ngậm ngùi nói với chồng, điều cô không muốn làm ở thời điểm này vì chắc chắn mẹ sẽ cảm thấy tổn thương nhiều lắm khi nghe.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm