Bác bỏ tin thụ tinh ống nghiệm làm tăng nguy cơ ung thư vú

17/03/2017 - 15:00
Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan trong 21 năm cho thấy, điều trị thụ tinh trong ống nghiệm không làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Trong nhiều thập kỷ qua, ung thư vú (UTV) vẫn là bệnh ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ trên khắp thế gới. Cả estrogen và progestogen nội-ngoại sinh đều được cho là có ảnh hưởng đến nguy cơ UTV. Do các quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ làm giảm nồng độ estradiol và progesteron, cũng như làm tăng mạnh nồng độ các hormone này tạm thời nên IVF từng được cho rằng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ UTV.

Một số nghiên cứu trước đây về nguy cơ UTV sau điều trị IVF đã không đưa ra được kết luận do việc theo dõi bị hạn chế.
11.jpg
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan, điều trị thụ tinh trong ống nghiệm không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Ảnh minh họa: Internet
TS Alexandra W. van den Belt- Dusebout, Viện Ung thư Hà Lan, cùng các cộng sự đã đánh giá nguy cơ UTV về lâu dài sau kích trứng để làm IVF ở 19.158 phụ nữ bắt đầu điều trị IVF trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến 1995 (nhóm IVF) và 5.950 phụ nữ thực hiện các biện pháp điều trị vô sinh khác trong thời gian từ năm 1980 đến 1995 nhưng không thực hiện kỹ thuật IVF.

Tuổi trung bình của các đối tượng khi kết thúc thời gian theo dõi là 54 tuổi đối với nhóm IVF và 55 tuổi đối với nhóm không IVF. Tỉ lệ mắc UTV xâm nhập và tại chỗ ở phụ nữ điều trị vô sinh được thu thập qua Sổ đăng ký ung thư Hà Lan (1989 - 2013).

Trong tổng số những trường hợp trên, có 839 chị em bị UTV xâm nhập và 109 trường hợp UTV tại chỗ. Phân tích cho thấy, nguy cơ UTV ở phụ nữ điều trị IVF không khác với người bình thường và trong nhóm điều trị vô sinh nhưng không thực hiện IVF. Tỉ lệ mắc mới tích lũy đối với UTV ở tuổi 55 là 3% đối với nhóm IVF và 2,9% với nhóm không IVF.

Nghiên cứu cũng cho thấy, những chị em đậu thai ngay trong chu kỳ IVF đầu tiên cũng giảm nguy cơ UTV. “Những phát hiện này cho thấy, nguy cơ UTV không tăng về lâu dài ở phụ nữ điều trị IVF”, TS Alexandra khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm