Qua đời ở độ tuổi gần 60 nhưng bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã kịp để lại một di sản văn hóa tinh thần to lớn cho dân tộc với hơn 40 bộ sách, bao gồm hàng trăm quyển, trùm lên các lĩnh vực triết học, luật học, sử học, địa lý học, nông học, xã hội học, dân tộc học, thiên văn học, từ điển học... Với những đóng góp to lớn đó, ông được đánh giá là một trong những học giả bậc nhất trời Nam, một tượng đài bất diệt của trí tuệ Việt Nam.

Bác học Lê Quý Đôn - Tượng đài của trí tuệ Việt Nam

Qua đời ở độ tuổi gần 60 nhưng bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã kịp để lại một di sản văn hóa tinh thần to lớn cho dân tộc với hơn 40 bộ sách, bao gồm hàng trăm quyển, trùm lên các lĩnh vực triết học, luật học, sử học, địa lý học, nông học, xã hội học, dân tộc học, thiên văn học, từ điển học... Với những đóng góp to lớn đó, ông được đánh giá là một trong những học giả bậc nhất trời Nam, một tượng đài bất diệt của trí tuệ Việt Nam.

Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), vùng đất địa linh nhân kiệt với biết bao anh hùng - Thái sư Trần Thủ Độ, Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục. Cùng với biết bao bậc danh nho: Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai... trong số đó tôi thán phục nhất bác học Lê Quý Đôn, ông được đánh giá là nhà bác học lớn nhất của nước Việt Nam thời phong kiến.

Khu lưu niệm bác học Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Từ trung tâm thị trấn Hưng Hà (huyện Hưng Hà), chúng tôi đi qua những cánh đồng xanh mướt, mùa này lúa đã trổ bông, hương thơm ngào ngạt tạo nên không gian trong lành. Khu nhà thờ và lưu niệm bác học Lê Quý Đôn nằm yên bình bên tả ngạn sông Hồng (thôn Đồng Phú, xã Độc Lập), được phù sa nơi đây vun đắp cho truyền thống hiếu học, với 2 đời liên tiếp cha con đỗ tiến sĩ.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 2.

Từ đường Bảng nhãn Lê Quý Đôn (tại thôn Đồng Phú), bao gồm tòa Bái đường năm gian, toà Trung đường và Hậu cung mỗi toà 3 gian.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 3.

Người phát tích đầu tiên của dòng họ Lê Quý là cụ Lê Trọng Thứ (1693 - 1783), 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1724). Cụ Thứ làm quan thanh liêm nổi tiếng, được thăng đến chức Thượng Thư bộ Hình, về nghỉ hưu ở tuổi 80.

Dưới sự quan tâm dạy bảo tận tâm của cha và những người bạn đồng khóa của cha, cậu bé Lê Quý Đôn ngay từ nhỏ đã tỏ rõ là một thần đồng ham học, có trí nhớ siêu đẳng. Những giai thoại về sự thông minh của cậu bé Đôn được truyền tai rộng rãi, trong đó nổi tiếng nhất việc ứng tác bài thơ "Rắn đầu biếng học".

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 5.

Gian thờ Tiến sĩ Lê Trọng Thứ.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 6.

Bia đá “Hà Quận Công Bi Ký” do cháu ngoại của Tiến sĩ Lê Trọng Thứ là Phạm Chi Hương soạn lời viết về tiểu sử của cụ, làm vào năm Tự Đức thứ 12 (1860).

Năm 17, ông dự thi Hương và đỗ Giải nguyên, 27 tuổi dự thi Hội và đỗ Hội nguyên, vào thi Đình đỗ luôn Bảng nhãn. Kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên, nên ông cũng là người đỗ đầu, tính ra cả 3 kỳ thi đều đỗ bậc cao nhất.

Ngay sau khi đỗ đạt, ông được bổ nhiệm làm quan và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Lê - Trịnh: Thị thư, Thị giảng ở Viện Hàn lâm, Toản tu quốc sử, Thừa chỉ Viện Hàn lâm, Học sĩ ở Bí thư các, Tư nghiệp Quốc Tử Giám hay Bồi tụng. Đến năm 1784, ông được thăng đến chức Thượng thư bộ Công, tước Nghĩa Phái hầu.

Không chỉ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, quyết liệt trong việc phòng chống nạn tham nhũng. Ông từng được vua Lê Hiển Tông cứ đi sứ nhà Thanh, rồi đi gặp sứ thần Triều Tiên và khiến họ phải tôn trọng thán phục, đối với các học giả, bậc đại thần nhà Thanh cũng vậy.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 7.

Gian thờ bác học Lê Quý Đôn.

Không chỉ vậy với việc đi nhiều nơi, với vốn kiến thức rộng, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng khảo cứu về lịch sử, địa chí, văn hóa Việt Nam. Một kho sách đồ sộ tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, trùm lên các lĩnh vực lĩnh vực triết học, luật học, sử học, địa lý học, nông học, xã hội học, dân tộc học, thiên văn học, từ điển học...

Về lịch sử - địa lý, ông có tác phẩm Đại Việt thông sử (tên gọi khác là Lê triều thông sử) với 30 quyển ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng. Phủ biên tạp lục (6 quyển) ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ 18 trở về trước.

Vân đài loại ngữ (9 quyển) được coi là bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, với lượng kiến thức đồ sộ trải rộng từ triết học, khoa học, văn học sắp xếp theo thứ tự: vũ trụ  luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... Cùng với đó nhiều sách bàn giảng về kinh, truyện, sách khảo cứu về cổ thư, sách thơ văn.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 8.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 9.

Hồ Lê Quý cách Từ đường khoảng 30m về phía Tây, được bác học Lê Quý Đôn cho đào khoảng năm 1765, giữa hồ có một đảo nhỏ, trồng cây cảnh, xây một Thư Lân để viết sách. Thời điểm này ông viết: Địa lí tinh ngôn, Địa lí tuyển yếu...

Không chỉ viết sách, với vai trò một nhà giáo dục ông cũng để lại những thành tựu lớn cho đất nước. Là người từng mở trường dạy học và có nhiều học trò đỗ đạt, đồng thời từng tham gia giảng văn bình văn cho các giám sinh, biên soạn sách giảng dạy, đến việc tổ chức các kỳ thi Hội thi Đình, ông nhận thấy được cái hạn chế của lối giáo dục "tầm chương trích cú" - phục vụ thi cử với mục đích ra làm quan, đào tạo ra những người thiếu bản lĩnh.

"Cái học ấy làm cho lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh. Người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không nghe thấy lời can gián. Gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa", ông viết trong sách Kiến văn tiểu lục.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 10.

Tại tòa Bái đường còn lưu 3 bức hoành phi chữ Hán: “Vật bản thiên hồ”, “Văn hiến truyền gia”, “Hàn mặc lưu hương”.

Ông cho rằng việc học hành theo lối đó là vô bổ, các nho sĩ đương thời chỉ biết nhồi nhét những kinh điển viển vông mà coi thường và không biết những môn học khác. Qua đó, ông để xuất phải thay đổi phương pháp giáo dục, cần phải dạy cho sĩ tử cả lục nghệ (lễ nghĩa, âm nhạc, bắn cung, điều khiển xe ngựa, thư pháp và toán học).

Về phía các bậc cha mẹ, ông khuyên "Dạy con phải dạy cho có nghề nghiệp", không nhất thiết lấy thi cử làm con đường duy nhất để lập thân. Muốn con nên người, cha mẹ phải dạy cho chúng biết sợ hãi, biết hổ thẹn và biết khó nhọc.

Trong bối cảnh triều chính, đất nước rối ren, Lê Quý Đôn lâm bệnh nặng và qua đời năm 1784. Ông đã để lại cho kho tàng văn hóa của nước nhà một gia tài đồ sộ không chỉ gồm sách ông viết mà còn bao gồm cả số sách mang về khi đi sứ.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 11.

Sĩ tử Nguyễn Thị Cẩm Ly, cựu học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), thắp hương khấn cầu trước kỳ thi THPT Quốc gia 2022.

Đánh giá về Lê Quý Đôn, danh sĩ triều Nguyễn, Phan Huy Chú, đã viết trong Lịch triều hiến chương loại chí: "Ông tư chất khác người, thông minh hơn người… Bình sinh làm sách rất nhiều, khi bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi; mà nói đến điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời".

Giáo sư sử học Văn Tân nhận xét: "Lê Quý Đôn là cái tủ sách tổng hợp biết nói của nước Việt Nam hồi thế kỷ XVIII. Trên thì thiên văn, dưới thì địa lý, giữa là con người, không gì Lê Quý Đôn không biết".

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh cho biết: "Đến bây giờ dường như tôi thấy rất nhiều ngành tôn vinh Lê Quý Đôn là ông tổ. Ví dụ như ngành nông nghiệp, khí tượng thủy văn và nhiều ngành khác môi trường, công nghiệp... Điều đó khẳng định những giá trị trước tác của Lê Quý Đôn trường tồn".

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 12.

Để gìn giữ và phát huy những giá trị của ông để lại cho dân tộc, ngày 12/12/1986, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã ký quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đối với Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn - gồm nơi sinh, từ đường, hồ Lê Quý, phần mộ phụ thân Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập (huyện Hưng Hà, Thái Bình).

Với mong muốn các thế hệ con cháu nối tiếp truyền thống hiếu học của dòng họ, từ nhiều năm nay, dòng họ Lê Quý đã cho xây dựng tủ sách tại từ đường với hàng nghìn cuốn sách ở nhiều thể loại. Tủ sách đón tiếp nhiều bạn đọc đặc biệt vào cuối tuần, không chỉ các con cháu trong dòng họ Lê mà các em học sinh trong vùng cũng đều chăm chỉ đến mượn sách.  

Nhân dân và du khách thập phương khi đến viếng thăm nơi đây, nếu có nhu cầu tìm hiểu những tác phẩm của nhà bác học, cũng có thể đến với tủ sách của dòng họ. Biết tin về tủ sách này, bà con trong dòng họ đang xa quê cũng gửi sách báo về, các thư viện trên địa bàn tỉnh cũng tặng những bộ sách quý về cuộc đời nhà bác học.

Bác học Lê Quý Đôn – Tượng đài của trí tuệ Việt Nam - Ảnh 13.

"Dòng họ và bản thân mỗi thành viên đều luôn ngưỡng mộ, tự hào về cụ Lê Quý Ðôn là người tài ba, học một biết mười. Các con, các cháu đều noi theo tấm gương danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn để học tập thật giỏi, xứng danh là con cháu của cụ".

"Ðể khích lệ tinh thần học tập tốt hơn, trước khi vào năm học mới, dòng họ đều tổ chức chia sẻ về truyền thống, tấm gương của cụ Lê Quý Ðôn và đánh giá kết quả học tập trong năm đã qua của các con, các cháu", ông Lê Quý Lương, hậu duệ đời thứ 7 của danh nhân văn hóa Lê Quý Ðôn từng chia sẻ.

Khu lưu niệm bác học Lê Quý Đôn (mới), cách khu lưu niệm cũ gần 1 cây số.

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 293 năm ngày sinh của bác học (2/8/1726 - 2/8/2019), Hưng Hà đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn I - Dự án Khu lưu niệm bác học Lê Quý Đôn (mới). Công trình được chia thành các khu chính, gồm khu lưu niệm (xây mới, nằm ở phía Đông khu đất quy hoạch); khu di tích cổ (nằm ở phía Tây khu đất quy hoạch) và khu dịch vụ công cộng. Tổng mức đầu tư công trình là 58,8 tỷ đồng.

Trước mỗi dịp thi cử, phụ huynh đều đưa con em đến đây lễ cầu. Năm nay, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi cũng đi cùng cô em họ đến dâng hương tại Từ đường bác học Lê Quý Đôn. Sau khi dâng hương, tôi và em gái dạo bước thăm quan khu lưu niệm mới. Không gian thoáng đãng, khu lưu niệm nằm giữa cánh đồng, có đầm nước, có chỗ nghỉ ngơi cho khách ghé thăm. Con đường rộng phía ngoài khu lưu niệm đang được hoàn thiện, góp phần đưa nơi đây trở thành điểm đến được nhiều người lựa chọn trong tương lai...

Thực hiện: Trường Hùng