Văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống do các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc, tạo bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc.

Bản sắc chính là "mã định danh" của mỗi dân tộc

Văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống do các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc, tạo bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc.

Thế nhưng trong dòng chảy hiện đại, bản sắc ấy đã dần bị mai một cùng với sự vắng bóng của những người dân tộc cổ. Những người dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La đang cố gắng giữ lại màu sắc riêng của đồng bào mình trong quá trình hội nhập.

Bản sắc dân tộc chính là “mã định danh” để dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào - Ảnh 1.

Bà Lò Thị Phấu luôn đau đáu với mong muốn giữ gìn những truyền thống cổ xưa như may vá, thêu thùa, đan lát và làm các trang phục truyền thống.

Là một trong những dân tộc thiểu số của huyện Quỳnh Nhai, cộng đồng dân tộc Kháng nơi đây mang những nét văn hóa độc đáo đặc trưng, từ ngôn ngữ, ẩm thực đến trang phục, nét văn hóa... Tuy nhiên, những người am hiểu về văn hóa của dân tộc Kháng không còn nhiều.

Bà Lò Thị Phấu (72 tuổi), người dân tộc Kháng ở xã Chiềng Ơn trước đây có 14 năm công tác Hội phụ nữ tại địa phương và 12 năm công tác tại UBND xã đã nghỉ hưu. Hơn 10 năm qua, bà luôn đau đáu với mong muốn giữ gìn những truyền thống cổ xưa như may vá, thêu thùa, đan lát và làm các trang phục truyền thống. 

Bản sắc dân tộc chính là “mã định danh” để dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào - Ảnh 2.

Bà Phấu (ngoài cùng bên phải) cùng cháu ngoại và con gái trong trang phục của người Kháng

Bà cho biết, các giá trị truyền thống của dân tộc Kháng trước đây vẫn còn mang những nét nguyên bản, ít chịu sự chi phối, tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, theo thời gian, những nét văn hóa đặc trưng dần mất đi, như kiến trúc nhà ở, nghề đan lát thủ công, nghề đẽo thuyền độc mộc. Đến nay, chỉ còn giữ được điệu múa và các điệu hát cổ, trang phục truyền thống, ẩm thực ngày Tết và một số lễ hội. 

Bây giờ, những người già am hiểu về phong tục dân tộc Kháng còn rất ít, mà lớp trẻ lại chưa thực sự đam mê với văn hóa truyền thống nên việc bảo tồn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Bà mong muốn được lan tỏa những giá trị đó tới cộng đồng, xã hội.

Bản sắc dân tộc chính là “mã định danh” để dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào - Ảnh 3.

Chị Lò Thị Hưởng con gái bà Phấu đang chỉnh lại trang phục được trưng bày tại triển lãm

Với khả năng của mình, hàng ngày bà Phấu vẫn tỉ mẩn may vá, thêu thùa quần áo cho các con, các cháu trong nhà và hướng dẫn những người xung quanh về việc, cắt, may, thêu, đính phụ kiện cho trang phục truyền thống.

Con gái bà, chị Lò Thị Hưởng chia sẻ: "Bây giờ chúng tôi vẫn mặc quần áo dân tộc Kháng do mẹ làm. Một cái áo phải mất từ 2 đến 5 ngày mới xong, ngày xưa thì khâu tay, giờ có máy may nhưng mẹ tôi phải cắt và phải làm tay rất nhiều công đoạn mới cho ra được 1 sản phẩm đúng ý. Mẹ còn làm khăn cho chúng tôi, vài chục ngày mới thêu được một chiếc nhưng rất đẹp, bền và không phai màu. Làm khăn, áo khó lắm, mỗi năm chuyên tâm làm cũng chỉ được 5, 6 bộ gồm khăn, mũ, váy, áo. Mẹ tôi cũng già rồi, mỗi năm cũng chỉ làm được 2 bộ. Quần áo truyền thống làm cầu kỳ, mặc phải giữ gìn nên thông thường chỉ mặc vào các dịp lễ hội, ngày tết. Chúng tôi và những người xung quanh đều rất trân trọng các sản phẩm được làm từ sự tâm huyết của bà".

Còn bà Lò Thị Viển, người dân tộc Thái đen ở xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thì luôn đau đáu khôi phục lại những nét văn hóa đang dần mai một. Bà bảo, đám cưới bây giờ không còn dùng trống chiêng, không còn hát bằng tiếng dân tộc, mà bật loa đài, mặc quần áo hiện đại. Những người già muốn múa hát điệu truyền thống, múa xoè cũng khó vì đôi khi cảm thấy lạc lõng khi người trẻ không biết và không đón nhận.

Bản sắc dân tộc chính là “mã định danh” để dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào - Ảnh 4.

Bà Lò Thị Viển, người dân tộc Thái đen ở xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La

Bà Viển năm nay 63 tuổi, từng làm ở Hội LHPN huyện Yên Châu. Giờ đây, bà tham gia hoạt động trong Câu lạc bộ văn hóa Thái và thường dạy chữ Thái, hát tiếng  Thái, thêu khăn, các bước dệt vải...

"Chúng tôi cùng các nghệ nhân luôn mong muốn lưu giữ và phát triển văn hóa địa phương mình. Nhưng người già cùng thời giờ không còn nhiều và khi thế hệ người cũ không còn minh mẫn sẽ rất khó và không còn khả năng để truyền đạt những giá trị văn hoá Thái cho lớp trẻ nữa. Có nhiều kiến thức văn hóa mà chính người dân tộc nơi đây chưa biết. Chính vì thế, mà ngày này cần phải khôi phục, tìm và gặp gỡ những người cũ để truyền đạt lại", bà trăn trở.

Bản sắc dân tộc chính là “mã định danh” để dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào - Ảnh 5.

Bà Viển cùng chồng tại khu trưng bày trang phục của người Thái

Bản sắc của mỗi tộc người, hay mỗi dân tộc đều được hình thành từ ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, trang phục, lễ hội, tín ngưỡng,… Sự khác biệt này cũng là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Chính vì thế, bản sắc của văn hóa dân tộc vẫn thường được gọi là "thẻ căn cước" về tộc người, khi bước ra thế giới thì đây cũng chính là "mã định danh" để nhìn vào đó người ta có thể dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào. 

Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa dân gian đã được nhà nước và tỉnh Sơn La quan tâm, qua đó góp phần gìn giữ và khôi phục nét văn hóa dân tộc cổ. Tuy nhiên, cũng rất cần sự đóng góp và chung tay của chính những người dân tộc nơi đây để khẳng định bản sắc, giữ gìn cốt cách bền vững của dân tộc trong quá trình hội nhập.


An Khê
20/02/2023 22:05