Bảo tồn kho tàng sách cổ người Dao để ngăn nạn "chảy máu sách cổ"

08/06/2023 19:00
Ngày xưa chỉ nam giới mới học chữ Nôm Dao, còn hiện tại các gia đình có con gái cũng đến xin cho con học.

Ngày xưa chỉ nam giới mới học chữ Nôm Dao, còn hiện tại các gia đình có con gái cũng đến xin cho con học.

Kho tàng sách cổ của người Dao ở Lào Cai có khoảng hơn 11 nghìn cuốn, nằm rải rác ở các hộ gia đình người Dao Họ, Dao Tuyển và Dao Đỏ trên toàn tỉnh. Từ hàng chục năm nay, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã tổ chức bảo tồn rất bài bản, ngăn chặn được nạn "chảy máu sách cổ" về các chợ buôn đồ cổ.

Sách cổ như báu vật của mỗi gia đình người Dao

Tại nhà ông Bàn Văn Sang, ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, có một tủ sách với hơn 30 cuốn sách chữ Nôm Dao, điều đặc biệt là ở mỗi trang bìa, trang giữa và trang cuối, đều có dấu vuông chữ đỏ với số kí hiệu và dòng chữ "Di sản văn hóa".

Ông Sang kể, đây là con dấu được cán bộ của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đến kiểm kê sách và đóng dấu từ hơn mười năm về trước. Lúc ấy rất nhiều người buôn về mua gom sách cổ ở các gia đình người Dao, nên Sở Văn hóa Thông tin Lào Cai (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã dùng biện pháp này để ngăn chặn. Người Dao chúng tôi thì cũng ủng hộ, nên hầu như gia đình nào cũng đồng tình thực hiện. Hiện nay số sách ở cả thôn người Dao chúng tôi đều được đóng dấu như vậy.

Bí quyết giữ gìn kho tàng sách cổ người Dao ở Lào Cai - Ảnh 1.

Sách cổ của người Dao Lào Cai

* Ông Bàn Văn Hạnh, ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, Lào Cai: "Với người Dao, thì sách được coi như báu vật, vì nó liên quan đến quá trình thiên di của tổ tiên, họ lưu lại trong sách để con cháu biết đến công lao của ông cha mình đã tạo dựng cuộc sống khó khăn vất vả như thế nào. Ngoài ra, sách cổ còn lưu giữ những kiến thức về tâm linh, phong tục tập quán, ca dao tục ngữ, hát dân ca, truyện cổ tích và cả các bài thuốc chữa bệnh, nên người Dao chúng tôi rất trân trọng sách, nó được truyền từ đời nọ qua đời kia như một báu vật gia truyền của mỗi gia đình".

Xây dựng hệ thống dữ liệu về sách cổ của người Dao

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), người được cho là tác giả của sáng kiến đóng dấu Di sản văn hóa vào sách cổ, cho biết: "Thời điểm đầu những năm 2000, giới buôn đồ cổ đổ xô săn lùng mua những cuốn sách Nôm Dao, khiến cho rất nhiều bộ sách quý "chảy máu" về chợ đồ cổ. Lúc ấy chúng tôi rất trăn trở tìm cách ngăn chặn, nhưng làm cách nào thì lại là vấn đề khó, bởi phạm vi địa bàn thì rộng, sách lại nằm rải rác ở các hộ gia đình người dân. Tôi mới về Quỹ Ford để đề xuất xin nguồn tài trợ. Sau khi chúng tôi gửi hồ sơ đề xuất, thì được họ tài trợ kinh phí để thực hiện bảo tồn sách cổ. Có tài trợ, chúng tôi huy động thêm hàng chục cộng tác viên, đi đến từng hộ có sách, lập danh sách thống kê từng cuốn, rồi đóng dấu di sản, nên việc mua bán đã hạn chế đi rất nhiều".

Bí quyết giữ gìn kho tàng sách cổ người Dao ở Lào Cai - Ảnh 2.

Đóng dấu "Di sản văn hóa" và mã số thống kê sách cổ của người Dao ở Lào Cai

Cho đến nay, số lượng sách Nôm Dao của người Dao ở Lào Cai được gìn giữ khá ổn định, cùng với đó là phong trào dạy học chữ Nôm Dao cũng phát triển khá mạnh nên mỗi năm có tới hàng trăm cuốn được người dân biên soạn và sao chép mới, để bổ sung vào kho tàng sách cổ ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai, chia sẻ: "Sách cổ là kho tàng tri thức của cộng đồng người Dao. Nhờ có sách cổ mà các nghi lễ, tín ngưỡng, tri thức của cộng đồng, sáng tạo của người Dao được lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ. Chúng tôi xác định, giải pháp bảo tồn và gìn giữ kho tàng sách cổ tốt nhất, hiệu quả nhất chính là “bảo tồn sống” trong cộng đồng, nơi chính người Dao học tập, gìn giữ, thực hành và phát huy các giá trị văn hóa là bền vững nhất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 11.000 cuốn sách cổ được lưu giữ tại trên 400 làng, chúng tôi đang xây dựng hệ thống dữ liệu về sách cổ trên toàn tỉnh, chỉ cần tra cứu trên hệ thống là có thể biết thông tin về tên sách, nội dung tóm tắt của từng cuốn sách, chủ sở hữu và địa chỉ lưu trữ tại các làng người Dao".

Bí quyết giữ gìn kho tàng sách cổ người Dao ở Lào Cai - Ảnh 3.

Con dấu "Di sản văn hóa" dùng để đóng lên sách cổ của người Dao, nhằm mục đích ngăn chặn nạn "chảy máu sách cổ".

Cùng với đó, hàng năm ngành Văn hóa Lào Cai cũng thúc đẩy người Dao trong tỉnh, tổ chức truyền dạy, phổ biến chữ Nôm Dao trong cộng đồng, nhờ đó, tỷ lệ người biết chữ Nôm Dao ngày càng tăng lên.

Nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu, ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, Sa Pa, người có thâm niên lâu năm mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao, cho biết: "Ngày xưa chỉ nam giới mới học chữ Nôm Dao, nhưng bây giờ thì cả nam và nữ đều học, các gia đình có con gái cũng đến xin cho con học, các cháu gái cũng rất ham học, nhất là các cuốn sách về hát giao duyên, truyện cổ tích, ca dao tục ngữ".

Bí quyết giữ gìn kho tàng sách cổ người Dao ở Lào Cai - Ảnh 4.

Lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho cả trẻ em nữ người Dao ở Sa Pa

Với hơn 11.000 cuốn sách được lưu giữ trong dân và cập nhật trên hệ thống dữ liệu toàn tỉnh, Lào Cai đang rất thành công trong công tác bảo tồn và phát triển vốn di sản văn hóa sách cổ của người Dao, đóng góp vào kho tàng văn hóa độc đáo của vùng Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn