Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở xứ Lạng

04/11/2022 09:00
Cặp đôi người Dao Lù Gang trong trang phục cưới truyền thống tại xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn)

Cặp đôi người Dao Lù Gang trong trang phục cưới truyền thống tại xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn)

Do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa và hội nhập văn hóa giữa các dân tộc, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là giới trẻ, đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng trang phục phổ thông.

Làng nghề thổ cẩm mai một, trang phục dân tộc pha tạp

Trong văn hóa mỗi dân tộc, trang phục là phương tiện mà ở đó bản sắc dân tộc được biểu hiện một cách rõ rệt, thường xuyên và tiêu biểu nhất. Trang phục là sản phẩm chứa đựng những giá trị tổng hợp, là thành tố văn hóa đặc biệt của mỗi một cộng đồng dân tộc. Thông qua quá trình sản xuất, trang phục phản ánh sự sáng tạo, óc thẩm mỹ của một cộng đồng dân tộc được đúc kết và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Xứ Lạng - Ảnh 1.

Trang phục Dao Lù Gang ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn

Từ xưa đến nay, trang phục truyền thống vẫn được cộng đồng các dân tộc sử dụng trong lao động, đời sống sinh hoạt và phục vụ hoạt động văn hóa tâm linh, đặc biệt là trong các ngày lễ, ngày tết, các sự kiện văn hóa, chính trị trọng đại của quê hương, đất nước. 

Tuy nhiên, trên thực tế, do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là ở lớp trẻ, đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng trang phục phổ thông. Các làng nghề dệt thổ cẩm còn lại không nhiều, các nghệ nhân biết dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một; trang phục truyền thống bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng. Nhiều khi, nhìn vào trang phục, chúng ta khó nhận biết được người dân tộc này với dân tộc khác.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTT&DL) tỉnh Lạng Sơn Phan Văn Hòa, Lạng Sơn là nơi hội tụ, sinh tồn của nhiều dân tộc anh em như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông... Mỗi dân tộc đều có những đặc điểm tiêu biểu về địa hình cư trú, đời sống kinh tế, phong tục tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo. Cùng với sự giao lưu, phát triển, hội nhập văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tất cả đã tạo nên một xứ Lạng vừa đa dạng, thống nhất vừa có những nét đặc trưng, bản sắc riêng trong không gian văn hóa vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Đặc trưng, bản sắc văn hóa ấy không chỉ được thể hiện ở các hoạt động, sinh hoạt và sáng tạo văn hóa, mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Xứ Lạng - Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc Nùng ở Lạng Sơn

Trang phục dân tộc nào chính là sản phẩm vật chất, tinh thần chứa đựng tinh hoa, hồn cốt văn hóa, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nghệ thuật của dân tộc ấy. Trang phục được hình thành trên cơ sở kết hợp hài hòa các yếu tố tự nhiên, bản địa với bàn tay khéo léo của con người với nét độc đáo, thể hiện bản sắc riêng, in đậm dấu ấn truyền thống văn hóa và phong tục của mỗi vùng miền, dân tộc.

Để nhận diện, đánh giá một cách đồng bộ về thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngày 3/11, Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề này. Gần 30 tham luận của các đại biểu là nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn đã tập trung vào 2 chủ đề: "Trang phục truyền thống các DTTS tỉnh Lạng Sơn: Nhận diện - tập quán - giá trị bản sắc" và "Thực trạng, giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn".

Phát huy vai trò người có uy tín trong gìn giữ trang phục DTTS

Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Xứ Lạng - Ảnh 3.

Phụ nữ dân tộc Tày ở Lạng Sơn

Trước thực trạng mai một trang phục truyền thống của đồng bào DTTS, Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn" nhằm tập trung nghiên cứu vai trò, vị trí của trang phục truyền thống trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng các DTTS. Qua các ý kiến phân tích, đánh giá, các đại biểu đã chỉ ra những nét đặc trưng, tiêu biểu trong trang phục truyền thống của từng DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; những biến đổi, nguyên nhân biến đổi trang phục và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các DTTS nói chung, DTTS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng; tồn tại, hạn chế và những vấn đề nổi cộm, cấp bách trong việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các DTTS trong giai đoạn hiện nay.

Để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS gắn với phát triển kinh tế-xã hội, theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn, Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, trước tiên cần tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, phát huy giá trị văn hóa trang phục của các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người tiêu biểu có uy tín, già làng, trưởng bản để tạo sự đồng thuận về giá trị trang phục.

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo đề xuất cần nghiên cứu, rà soát, thống kê trang phục của từng dân tộc, từng địa phương; xác định trang phục nào còn phù hợp, đánh giá hiệu quả và tính bền vững; với điều kiện cụ thể từng địa phương, phù hợp với trang phục của tộc người; có giải pháp đầu tư tương xứng để khôi phục một số ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, vải chàm và nghiên cứu một cách đồng bộ giá trị văn hóa trang phục để đưa vào hệ thống dữ liệu di sản văn hóa…

Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Xứ Lạng - Ảnh 4.

Phụ nữ dân tộc Nùng ở Lạng Sơn

Thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" của Bộ VHTT&DL, dịnh kỳ hằng năm, Sở VHTT&DL Lạng Sơn triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động cụ thể. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo là một trong những bước thu thập, tổng hợp, công bố các tư liệu, tài liệu, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ nhân, chủ thể văn hóa. Từ đó nhận diện, đánh giá một cách đồng bộ, thống nhất, toàn diện các thành tố liên quan đến trang phục truyền thống của các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.