Bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cấp bách

28/05/2021 16:37
Trang phục trong ngày Tết của phụ nữ Bana. Ảnh: Long Vũ

Trang phục trong ngày Tết của phụ nữ Bana. Ảnh: Long Vũ

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, việc sử dụng trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu sổ cũng có sự thay đổi nhanh. Trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mất đi nếu không kịp thời bảo tồn.

Theo Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, việc sử dụng trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã có sự thay đổi rất nhanh. Lớp trẻ người DTTS ngại mặc trang phục của dân tộc mình, nhiều người tự ti, sợ ăn mặc theo kiểu truyền thống sẽ bị coi là lạc hậu, không hiện đại…

Ở nhiều dân tộc, việc sử dụng trang phục truyền thống hằng ngày cũng gặp bất tiện trong sinh hoạt. Chưa kể, để may và trang trí một bộ trang phục truyền thống tốn nhiều công sức và thời gian, trong khi đó vải và quần áo may sẵn ngoài thị trường vô cùng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã, giá rẻ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến đồng bào các dân tộc không còn quan tâm đến việc tự sản xuất, tự may trang phục truyền thống.

Bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cấp bách - Ảnh 1.

Trang phục người Rơ Măm

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho rằng, với những nguyên nhân kể trên, trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS đã và đang bị biến dạng, mất gốc và thay thế bằng các trang phục mới. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục truyền thống dân tộc thiểu số sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc khó tìm lại được.

Chia sẻ về những giải pháp đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số thời gian qua, Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, Bộ đã triển khai "Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng bản, buôn truyền thống các dân tộc thiểu số" vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Qua đó, các thiết chế văn hóa, các giá trị văn hóa như lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề truyền thống, trang phục truyền thống của các dân tộc từng bước được bảo tồn.

Trang phục Chăm

Trang phục đồng bào dân tộc Chăm

Bên cạnh đó, công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được quan tâm. Trong đó, các lễ hội là không gian văn hóa để đồng bào các dân tộc thể hiện những bộ trang phục truyền thống. Bộ còn phối hợp với các địa phương khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người cho các dân tộc có số dân dưới 10 ngàn người, trong đó có các nghề như: thêu dệt thổ cẩm, in vẽ sáp ong...

Đặc biệt, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu "di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu" góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" được thực hiện từ năm 2019 đến 2030 (chia thành 2 giai đoạn) với những mục tiêu cụ thể:

+ Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một

+ Đến năm 2022, 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, Tết, hội.

+ Lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Đề án cũng hướng đến việc vinh danh các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn