pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu”
Người dân thị xã Tân Uyên lẫy mẫu xét nghiệm - Ảnh: Báo Bình Dương
Trong gần 3 tháng qua, TP.HCM và các tỉnh miền Nam trải qua những thời khắc khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Số ca mắc và tử vong tăng cao so với các đợt dịch bùng phát trước đó, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.
Hơn ai hết, những nhân viên Y tế nơi tuyến đầu chống dịch càng thêm áp lực đè nặng, vì mục tiêu sớm kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Hơn 10.000 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tại miền Bắc và miền Trung, trong đó có hơn 6000 y, bác sĩ tuyến Trung ương đã lên đường chi viện cho miền Nam. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, chịu áp lực lớn cả về vật chất và tinh thần trong quá trình làm việc.
Áp lực đè nặng lên y bác sĩ
Từ đầu cầu TP.HCM, Th.S Bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: "Chưa bao giờ cả nước phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt như hiện nay với hơn 300.000 ca nhiễm. Trong 1 ngày xấp xỉ 9.000 ca nhiễm mới, tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... Những ngày qua thực sự là gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế.
PGS. TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ, đồng hành với hơn 20 đoàn xuất quân, ngoài áp lực như bác sỹ Khoa trao đổi, còn áp lực khác nữa là tốc độ tử vong trong đợt này nhanh. Nhiều trường hợp hồi sức cấp cứu thiếu nhân viên y tế. Các y, bác sĩ đã phải khóc khi không cứu được bệnh nhân. Áp lực đè nặng lên y bác sĩ, đặc biệt khi có đồng nghiệp hi sinh, trang thiết bị bảo hộ thiếu, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn bởi hầu hết là bác sĩ chi viện từ miền Bắc nên chưa hợp với thực phẩm trong Nam; bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các bác sĩ phải nằm dài trực tiếp tại khu vực trực. Đã có 2.380 cán bộ y tế dương tính, một số cán bộ y tế không qua khỏi.
Bác sỹ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K vào chi viện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh gần 1 tháng nay cho hay: "Chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như vậy. Áp lực về mặt tâm lý, 3 ca 4 kíp, mỗi ca 8 tiếng, ca đêm 10 tiếng, phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ liên tục, rà soát từng khâu, quần áo bảo hộ cấp 4, hướng dẫn từng bước một để đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho cán bộ y tế. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ho thẳng vào mặt trong quá trình khám chữa bệnh".
Kiến nghị, đề xuất
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa nêu quan điểm, thời điểm này, vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là rất quan trọng. Ngay khi các bệnh viện dã chiến được thiết lập phải tính toán đến việc đảm bảo khử khuẩn, phân luồng cách ly, độ lưu thông không khí, phân khu làm việc, thực hiện quy trình 1 chiều, giảm thiểu lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình thông tin, Công đoàn Y tế Việt Nam đã có rất nhiều kiến nghị để đảm bảo chế độ chính sách cho các y, bác sĩ, ngoài ra đề nghị tiêm vắc xin cho thân nhân cán bộ, nhân viên y tế. Những đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam đã được Tổng Liên đoàn quan tâm và hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, là dinh dưỡng cho cán bộ y tế hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; Công đoàn Y tế trích 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ đi tăng cường; Triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.
Đồng thời bà Bình chia sẻ thêm: "Thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là 2 tháng/đoàn để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho anh chị em...".
Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc bày tỏ: "Việc nhân viên y tế xa nhà, xa quê hương, xung phong vào tâm dịch khiến chúng tôi rất cảm động. Ban Dân vận Trung ương kiến nghị với Chính phủ là người thân của những lực lượng tham gia nơi tuyến đầu đều được tiêm vaccin. Kiến nghị này đã được Thủ tướng ghi nhận và thực hiện. Việc chăm sóc cho nhân viên y tế là rất cần thiết. Chúng ta cần phải có chính sách để chăm sóc và hỗ trợ cho nhân viên y tế ở vùng dịch và tâm dịch. Đó có thể là hỗ trợ về phụ cấp độc hại, phụ cấp làm ngoài giờ... Ngoài ra, việc có thêm phụ cấp cho anh em nhân viên y tế ở tại vùng dịch sẽ giúp họ yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống COVID-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế vì họ là lực lượng tuyến đầu, đối mặt với nhiều hiểm nguy.
"Chúng tôi mong các y, bác sỹ giữ gìn sức khỏe, giữ vững tinh thần, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, thấu hiểu các chiến sỹ áo trắng để tạo nên sức mạnh đẩy lùi COVID", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
- Theo thống kê sơ bộ của công đoàn y tế Việt Nam cấp nhật có 6000 cán bộ tăng cường của các đơn vị trực thuộc Bộ, các tỉnh; Khoảng 3000 đoàn viên vào Trung tâm hồ sức tích cực HCM và các tỉnh có dịch trong điểm phía nam như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Vĩnh Long,
- Theo báo cáo cơ quan phối hợp đồng hành cùng Bộ Y tế và CĐYTVN là công ty Bảo hiểm AIA Việt Nam, đến 9/8 đã có 2380 hồ sơ cán bộ bị nhiễm COVID-19, từ hôm đó đến nay, con số này tiếp tục tăng.
Nhìn chung, tỷ lệ cán bộ đi tăng cường bị lây nhiễm Covid -19 thấp hơn cán bộ y tế địa phương vì kỷ luật các đoàn chặt chẽ. Nhưng cũng đã có số đoàn viên, sinh viên nhiễm ở Đại học Y Hà Nội, học viên y học cổ truyền… Đặc biệt, theo báo cáo của hai công đoàn ngành y tế thì đến nay có 2 cán bộ y tế tuyến đầu ở cơ sở điều trị Covid - 19bị tử vong tại Tp.HCM và Bình Dương.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ