“Bắt phụ huynh mua sách giáo khoa tại trường là vô lý”

28/04/2017 - 13:55
Nhiều phụ huynh đã có phản ứng gay gắt khi có thông tin một trường tiểu học ở Hà Nội ra công văn yêu cầu phụ huynh không được mua SGK ở cửa hàng sách nào ngoài nhà trường.

Do… lỗi soạn thảo

Ngày 27/4, một số phụ huynh của trường Tiểu học An Khánh B (Hà Nội) phản ánh tình trạng trường ra công văn ép họ mua SGK bán tại trường phục vụ năm học mới.

Văn bản nhà trường gửi phụ huynh ngày 26/4 nêu rõ: Tuyệt đối không mua SGK, sách bài tập phục vụ năm học mới cho con em mình ở bất kỳ cửa hàng phát hành sách nào ngoài nhà trường; đăng ký mua SGK, sách bài tập cho năm học mới (theo bộ) tại trường, Phòng GD&ĐT sẽ chuyển sách về cho học sinh trước khi nghỉ hè.

Văn bản này còn yêu cầu học sinh lên lớp 6 cũng phải mua SGK tại trường THCS với nội dung: “Học sinh lớp 5 không mua sách lớp 6 tại bất kỳ cửa hàng sách nào, tiến hành đăng ký với trường THCS khi học sinh làm thủ tục nhập học để trường THCS tổng hợp đăng ký với phòng GD&ĐT".

 Văn bản quy định mua sách giáo khoa của trường Tiểu học An Khánh B khiến phụ huynh bức xúc

Trường cũng yêu cầu học sinh 6 tuổi vào lớp 1 không mua sách lớp 1 tại bất kỳ cửa hàng sách nào, tiến hành đăng ký với trường tiểu học khi học sinh làm thủ tục nhập học để trường tổng hợp đăng ký với Phòng GD&ĐT.

Trước phản ứng của phụ huynh, lãnh đạo nhà trường chính thức lên tiếng về văn bản và xác nhận có gửi văn bản này cho phụ huynh trường.

“Chủ trương mua SGK theo hệ thống Phòng GD&ĐT thông qua nhà trường là căn cứ vào công văn 148 và công văn nhắc việc ngày 23/4 của phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức. Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo công văn có sơ suất dẫn đến phụ huynh hiểu nhầm. Chính vì vậy, chiều qua, 27/4, nhà trường đã có công văn đính chính gửi đến toàn bộ phụ huynh” - Hiệu trưởng nhà trường, bà Lý Thị Thanh Luyện, giải thích.

Công văn 148 của Phòng GD&ĐT Hoài Đức nêu rõ, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm thông báo tới phụ huynh đăng ký SGK thông qua phòng giáo dục, không mua SGK ở bên ngoài với lý do một số ấn phẩm SGK và sách bổ trợ cho học sinh không đạt chất lượng.

“Chúng tôi làm theo chỉ đạo của phòng GD&ĐT chứ không phải tự đặt ra. Công văn của phòng cũng yêu cầu các trường tuyệt đối không được liên hệ với nhà sách nào để phát hành SGK. Tuy nhiên do khâu soạn thảo văn bản có sơ suất nên chúng tôi đã gửi văn bản đính chính tới phụ huynh và xin lỗi phụ huynh” - bà Luyện nói.

Theo nữ hiệu trưởng, trong công văn đính chính gửi phụ huynh ngày 27/4, trường khẳng định phụ huynh nếu có nhu cầu mua SGK thì có thể đăng ký với trường để trường tổng hợp danh sách gửi lên phòng GD&ĐT hoặc mua ở ngoài trường.

“Tuy nhiên, nếu mua ở ngoài trường, chất lượng SGK như thế nào nhà trường không chịu trách nhiệm” - bà Luyện cho hay.

Quy định vô lý

Khi được hỏi về việc mua SGK cho con phục vụ năm học mới, chị Nguyễn Thu Hà (có con học ở trường Tiểu học Phan Đình Giót, Hà Nội) cho biết, việc mua SGK là do phụ huynh tự nguyện, nếu mua ở trường thì đăng ký vào phiếu.

“Hôm qua con gái tôi có mang phiếu đăng ký về và bảo mẹ nếu mua thì đăng ký theo kiểu mua cả bộ hoặc mua từng quyển riêng biệt theo danh sách liệt kê, còn không thì có thể tự mua” - chị Hà chia sẻ.

Theo chị Hà, việc mua SGK là do phụ huynh tự lựa chọn, trường không có kiểu “ép” mua như trường hợp trên. Vì vậy, quy định ở trường Tiểu học An Khánh B là vô lý. Lý giải của Hiệu trưởng về việc “lỗi soạn thảo” lại càng… khó chấp nhận hơn.

 Sách giáo khoa nên để phụ huynh tự lựa chọn và quyết định. Ảnh: Đ.Hải

Nói về bộ sách nhà trường gợi ý cho phụ huynh mua tại trường, nữ phụ huynh thông tin thêm, bộ SGK lớp 1 chị mua năm ngoái cho con có giá gần 200.000 đồng và hầu hết đều được sử dụng đến trong năm học.

“Nếu quyển nào không sử dụng đến mà nhà trường vẫn đưa vào danh sách mua, chúng tôi sẽ có ý kiến ngay để tránh lãng phí. Tình trạng này từng xảy ra với con tôi cách đây vài năm, khi đó có những quyển hầu như mới tinh, mà trường vẫn đưa vào danh sách mua” - chị cho biết.

Cô Nguyễn Thị Hải (GV trường Tiểu học Hồng Sơn, TP. Vinh, Nghệ An) chia sẻ, việc mua SGK như thế nào, ở đâu là quyền lựa chọn của phụ huynh. Nhà trường có chủ trương kết nối để bán sách là do phụ huynh có nhu cầu, trên cơ sở tự lựa chọn đầu sách và có niêm yết rõ về giá.

“Thông thường, để tránh lãng phí, giáo viên thường bảo với phụ huynh là trước khi mua sách cho con, đặc biệt là sách tham khảo, thì nên hỏi ý kiến giáo viên, chúng tôi sẽ dựa vào chương trình học để đưa ra những tư vấn tốt nhất cho phụ huynh” - nữ giáo viên này nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm