pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh tay chân miệng độ 2 là gì? Bị tay chân miệng độ 2 bao lâu thì khỏi?
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng khởi phát quanh năm ở hầu hết các tỉnh với hai khoảng cao điểm, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Hàng năm, khoảng 50.000 đến 100.000 trường hợp tay chân miệng được báo cáo, trong đó có một số trường hợp tử vong. Phía Nam là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất và chiếm trên 60% số ca mắc bệnh của cả nước.
Tay chân miệng được chia làm 4 cấp độ, trong đó cấp độ 1 là nhẹ nhất và nặng dần theo thứ tự 2, 3 và 4. Dưới đây là những điều cần biết về bệnh tay chân miệng cấp độ 2 cũng như cách xử trí đối với bệnh nhân mắc tay chân miệng cấp độ này.
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng cấp độ 2
Tay chân miệng cấp độ 2 là dạng thường gặp ở trẻ. Đây là giai đoạn chuyển biến từ nhẹ sang nặng, tay chân miệng giai đoạn 2 có ghi nhận một số biến chứng ở mức độ nhẹ. Giai đoạn 2 này được chia thành 2 mức độ (2A và 2B)
1.1. Biểu hiện tay chân miệng độ 2A:
- Khi trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ 2A, cha mẹ thường thấy trẻ có dấu hiệu giật mình (thường 1-2 lần trong vòng 30 phút).
- Người bệnh sốt cao liên tục, sốt trên 39 độ và kéo dài hơn 2 ngày.
- Trẻ nhỏ thường quấy khóc, khó ngủ, biếng ăn, nôn trớ và có biểu hiện lừ đừ.
1.2. Biểu hiện tay chân miệng độ 2B:
Tay chân miệng độ 2B sẽ được chia làm 2 nhóm, cách phân chia phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhi.
- Đối với nhóm 1: Trẻ giật mình khá nhiều, được bác sĩ ghi nhận ngay lúc khám; thường giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút. Mạch đập của trẻ thuộc nhóm 1 cấp độ 2B trên 150 lần/ phút ngay cả khi không vận động. Trẻ thường sốt cao trên 39 độ, khó hạ dù đã uống thuốc hạ sốt.
- Đối với nhóm 2: Trẻ mắc tay chân miệng độ 2B nhóm 2 thường có biểu hiện ngồi không vững, cơ thể loạng choạng, run tay chân, đôi khi run toàn thân, mắt lác, giọng nói thay đổi, liệt chi và nuốt bị sặc.
Tay chân miệng độ 2B có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, dễ tiến triển thành tay chân miệng độ 3 nếu cha mẹ không kịp thời nắm bắt dấu hiệu và cho trẻ điều trị kịp thời.
2. Tay chân miệng độ 2 có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng độ 2 không quá sức nguy hiểm và bệnh nhi có thể điều trị ngoại trú đối với mức độ 2A. Tuy nhiên, khi được xác định tay chân miệng độ 2, cha mẹ nên hết sức chú tâm quan sát dấu hiệu của trẻ. Nếu thấy các biểu hiện thuộc mức độ 2B thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ can thiệp, điều trị đúng cách và nhanh chóng; tránh các biến chứng xấu cho trẻ.
Thông thường, bác sĩ thường cho bệnh nhân nhập viện điều trị.
3. Phương án điều trị tay chân miệng độ 2
Bệnh chân tay miệng cấp độ 2 thường được bác sĩ chỉ định điều trị nội trú tại bệnh viện. Bởi nếu tay chân miệng độ 2B không quán sát và nhận định sớm có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhi.
3.1. Điều trị chân tay miệng độ 2A
Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng, nên việc đầu tiên là giúp trẻ nâng cao sức đề kháng bằng cách cung cấp đầy đủ dinh dưỡng; cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn và tránh các hoạt động kích thích trẻ.
>> Xem thêm: Hướng dẫn vệ sinh và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (có thể uống hoặc nhét đường hậu môn) và thuốc phải đủ liều so với cân nặng của trẻ; thường mỗi lần cách nhau 6 tiếng đồng hồ.
Nhiều trường hợp trẻ sốt cao và không đáp ứng với paracetamol, bác sĩ có thể chỉ định ibuprofen liều lượng 10-15 mg/kg/lần; dùng 6 tiếng/ lần và xen kẽ với paracetamol.
Thuốc được chỉ định trong điều trị tay chân miệng độ 2 là Phenobarbital uống; liều dùng 5 – 7 mg/kg/ngày. Và cần theo dõi sát biểu hiện của bệnh nhân, đề phòng bệnh tiến triển sang mức độ mới nặng hơn.
3.2. Điều trị chân tay miệng độ 2B
Cũng giống như tay chân miệng độ 2A, điều trị tay chân miệng độ 2B cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ và báo cho bác sĩ nếu thấy dấu hiệu bất thường.
Thông thường, bác sĩ sẽ khuyến nghị cha mẹ cho trẻ nằm gối cao đầu nghiêng góc 30 độ; hạ sốt tích cực đối với trẻ sốt cao khó hạ; cho trẻ thở oxy 3-6 lít mỗi phút.
Thuốc được chỉ định trong điều trị tay chân miệng độ 2B: Phenobarbital và Immunoglobulin
- Phenobarbital truyền tĩnh mạch, 10 – 20 mg/kg; lặp lại sau 8-12 giờ nếu cần.
- Immunoglobulin:
Nhóm 2: Immunoglobulin chỉ định 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm trong 6 - 8 giờ. Sau 24 giờ nếu còn các dấu hiệu tay chân miệng độ 2B thì dùng liều thứ 2.
Nhóm 1: Bác sĩ thường không chỉ định dùng Immunoglobulin thường quy. Chỉ sử dụng nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 6 giờ điều trị bằng Phenobarbital. Sau 24 giờ, bác sĩ sẽ đánh giá lại để quyết định liều thứ 2 giống như nhóm 2 nêu trên.
Theo dõi nhiệt độ, huyết áp, mạch, tri giác, nhịp thở, ran phổi, mỗi 1 - 3 giờ trong 6 giờ đầu. Nếu không có gì bất thường thì theo dõi theo chu kỳ 4 - 5 giờ.
Nếu có máy, thực hiện đo độ bão hòa oxy SpO2 và liên tục theo dõi mạch bệnh nhi.
**Lưu ý: Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tay chân miệng cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ.