Bí ẩn về kho báu đồ cổ gắn bó 35 năm với thầy giáo

23/07/2019 - 14:32
Với niềm đam mê cổ vật, gần 35 năm qua, thầy giáo Võ Thanh Phương (SN 1961, ở thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đã lặn lội đến khắp các vùng miền trên cả nước để sưu tầm. Đến nay, thầy đã có một kho tài sản vô giá với hơn 1.000 hiện vật quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời.

Gia tài đồ cổ với hơn 1.000 hiện vật

Là một thầy giáo dạy tiếng Anh, đàn, nhạc lý tự do, nhưng thầy Phương lại có niềm đam mê đặc biệt dành cho cổ vật. Thế nên, mỗi khi có thời gian, thầy lại rong ruổi trong Nam, ngoài Bắc sưu tầm đồ cổ. Để thỏa niềm đam mê, thầy phải chắt chiu, dành dụm từng đồng tiền kiếm được từ việc dạy học để mua các món đồ cổ giá trị.

thay2.jpg

Thầy Phương say sưa nói về đồng tiền Gánh Dưa của Đông Dương.

Cơ duyên thôi thúc thầy Phương đến với đồ cổ cũng thật tình cờ. Tốt nghiệp năm 1980, đến năm 1982, thầy Phương nhập ngũ. Trong thời gian ở quân ngũ, một lần tình cờ ghé quán nước đối diện cổng doanh trại, thầy bị mê hoặc bởi chiếc bình rượu cổ thời Khang Hy trong rất nhiều đồ cổ quý hiếm của chủ quán nước. Từ đó, mỗi khi có thời gian rảnh, thầy lại lui tới quán nước này, mục đích không gì khác là để ngắm nghía những món đồ cổ và nghe chủ quán kể về giá trị văn hóa, lịch sử của từng hiện vật.

Giữa năm 1985, thầy Phương ra quân, sau đó dành một khoảng thời gian đi làm thuê để kiếm tiền, rồi quay trở lại nhà chủ quán nước mua chiếc bình rượu cổ thời Khang Hy. Sau gần một ngày thuyết phục khan cả giọng, thầy cũng mua được chiếc bình quý với giá ba chỉ vàng. Thời điểm đó, ba chỉ vàng có giá trị bằng ba lô đất ở quê thầy. Sau đó, thầy theo học đại học chuyên ngành tiếng Anh tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Dù là sinh viên, nhưng hễ làm thêm được đồng nào là thầy lại hăng say đi tìm mua hiện vật cổ để đóng góp vào bộ sưu tập của mình.

thay4.jpg
Thầy Phương nâng niu, cất giữ cẩn thận cổ vật mà mình sưu tầm được.

Đến năm 1992, thầy Phương tốt nghiệp đại học, sau đó vừa đi làm, vừa học thêm một số chuyên ngành, vừa dành thời gian sưu tầm đồ cổ. Thầy bảo, càng tìm hiểu, càng tiếp xúc, thầy càng mê mẩn nên không thể nào dứt ra được. Vậy nên suốt bao nhiêu năm thầy đổ công sức và tiền bạc để sưu tầm đồ cổ, nhưng chưa một lần đắn đo hay chán nản.

“Như một người háo hức vào cuộc chơi mới, nên tâm lý của tôi cứ thấy cái gì cổ là mua. Chính vì vậy mà thời gian đầu, tôi phải trả học phí cho sự chơi của mình khá nhiều, nhưng cũng nhờ vậy mà có thêm bài học và kinh nghiệm để hiểu biết hơn. Hiện tại, mặc dù gia tài đồ cổ của tôi còn khiêm tốn, nhưng quan trọng nhất là tôi hài lòng với những cổ vật mà mình đang có, cũng như hài lòng với lựa chọn của mình”, thầy Phương chia sẻ.

Nói rằng còn khiêm tốn, nhưng gia tài đồ cổ của thầy Phương hiện có hơn 1.000 hiện vật. Trong đó, nhiều món cổ vật quý hiếm được thầy trưng bày có niên đại hàng ngàn năm, có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Trong số đó phải kể đến chiếc đĩa đại thời nhà Minh (Trung Quốc) có đường kính 38cm, ấm trà Tử Sa thời nhà Minh, thủy chì celadon thời nhà Tống (Trung Quốc), bình tỳ bà Chu Đậu thời nhà Lê, chén đĩa thời nhà Trần, pháp lam của triều đình nhà Nguyễn, đĩa trà men lam Huế… Ngoài ra, thầy còn cất công sưu tập hàng loạt tiền xu, tiền giấy xưa. Như các tờ tiền thời nhà Tống, đồng tiền Gánh Dưa của Đông Dương, tiền xu Mỹ năm 1877, đồng tiền Pháp năm 1908…

“Thời xưa, những cổ vật quý hiếm chỉ có vua chúa trong cung mới có được. Bây giờ, cổ vật nằm rải rác trong dân gian là vì thời đó, khi các hoàng tử, công chúa được dựng vợ gả chồng, vua sẽ ban cho những vật dụng giá trị để làm của hồi môn; một phần là những quan lại về hưu sẽ được vua ban cho một gánh đồ cổ. Do đó, cổ vật cũng xê dịch theo chủ nhân của nó và nằm rải rác trong dân gian”, thầy Phương lý giải.

 

thay1.jpg

Một góc nơi trưng bày đồ cổ tại nhà thầy Phương.

Không bán bởi… “quý vật tìm quý nhân”

Ngoài việc chịu khó rong ruổi sưu tầm, thầy Phương còn dành nhiều thời gian gặp gỡ với giới sưu tầm đồ cổ khắp mọi miền để nâng cao kiến thức về cổ vật. Và nhờ nghiên cứu những hiện vật của quá khứ nên vốn hiểu biết của thầy không ngừng được bổ sung cả về chiều sâu lẫn bề rộng. Đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến lịch sử, văn hóa nước nhà cùng một số nước trên thế giới.

Theo kinh nghiệm của thầy Phương, để tìm hiểu về đồ cổ, trước tiên là đọc tài liệu ghi chép, quan sát kiểu dáng, màu sắc, với đồ sành sứ là nước men, dưới đáy thường có chữ và dấu mốc. Sau đó là trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu để có lời bình chính xác, rồi để lại cho người đi sau học hỏi tiếp. Ngoài sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về đồ cổ của từng thời kỳ, từng trường phái… điều quan trọng hơn là người chơi phải có tình hoài cổ, tri ân với cổ vật và biết “nói chuyện” với những món đồ cổ đó. Để rồi sau đó, người chơi khám phá ra những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của người xưa.

thay3.jpg

Thầy Phương giới thiệu về chén đĩa thời nhà Trần.

“Kiến thức thì vô cùng vô tận, không thể một sớm một chiều mà có thể thâu tóm hết được. Bởi vậy đã trót mê cổ vật thì cứ phải học hỏi suốt đời. Khi bước vào sưu tầm, tôi cảm nhận ý nghĩa sâu xa của sự gìn giữ, bảo tồn, trao truyền cổ vật của cha ông. Cổ vật là chứng nhân lịch sử, chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần cho con người đương đại và lưu truyền cho hậu thế. Cổ vật đẹp và quý ở chỗ nó mang cái hồn của một dân tộc, của một giai đoạn lịch sử, của những nét văn hóa tinh túy nhất ở từng thời kỳ”, thầy Phương cho biết.

Những cổ vật mà thầy Phương sưu tầm được có những hiện vật có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, nhưng thầy không bán mà nâng niu, cất giữ cẩn thận. Bởi thầy quan niệm “quý vật tìm quý nhân”, không phải ai cũng gặp được những hiện vật cổ này. Gặp và sở hữu đó là cái duyên. Nếu không biết giữ gìn thì cổ vật chẳng bao giờ đến với mình nữa.

Đến nay, gia tài đồ cổ với hơn 1.000 hiện vật của thầy Phương đã được nhiều người trong giới chuyên môn đầu ngành ghi nhận và đánh giá cao. Những người chơi đồ cổ cũng thường xuyên ghé căn nhà nhỏ của thầy để giao lưu, học hỏi. Nhà thầy còn là địa điểm mà khách du lịch ghé thăm, họ đều là những người có chung đam mê đồ cổ và thích tìm hiểu những giá trị xưa cũ. Nhiều cổ vật do thầy sưu tầm cũng được trưng bày ở nhiều bảo tàng trong cả nước, làm phong phú thêm kho tàng cổ vật của Việt Nam. Nhìn hàng chục tấm bằng khen, giấy khen của trung ương và tỉnh tặng để tri ân những đóng góp của thầy, mới thấy được cái tâm của một nhà sưu tầm cổ vật chân chính.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm