'Bí kíp' cho sĩ tử thi khối B trong tháng 'chạy nước rút'

16/05/2018 - 18:14
Thủ khoa khối B năm 2017 với 3 điểm 10 tuyệt đối Toán, Hóa, Sinh - Lê Hữu Hiếu - chia sẻ một vài “bí kíp” hiệu quả để ôn luyện tốt nhất khối B, khi kỳ thi THPT Quốc gia đang giai đoạn “chạy nước rút”.

Lê Hữu Hiếu với số điểm tuyệt đối cho khối B kỳ thi THPT Quốc gia năm ngoái hiện là sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa - ĐH Y dược TP.HCM. Điều khá bất ngờ là mãi đến giữa năm lớp 11, em mới quyết định chuyển hướng ôn thi sang khối B thay vì chọn khối này từ đầu.

unnamed_jruj.jpg
Lê Hữu Hiếu (đứng giữa) đạt ba điểm 10 khối B kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh NVCC 

Quỹ thời gian hạn hẹp, Hiếu dành 4 tiếng mỗi tối để ôn bài, ngoài việc học thêm với thầy cô, học ở trường. Việc học thêm với thầy cô giáo, theo Hiếu cũng là một trong những cách học rất hiệu quả. Bởi không giấu dốt, có gì không hiểu, em đều sẵn sàng hỏi thầy cô sau giờ học. “Có lẽ cũng vì thế nên thầy cô giúp đỡ em rất tận tình, cung cấp thêm tài liệu và giải đáp cho em mọi thắc mắc khi em gặp bài quá khó” – Hiếu hào hứng chia sẻ.

Với khoảng thời gian ngắn trước kỳ thi THPT Quốc gia sắp diễn ra, Lê Hữu Hiếu cho rằng, thời điểm này sĩ tử cần tập trung trau chuốt lại các kỹ năng làm đề thay vì ôn luyện kiến thức. Vì vậy, cần thử giải một số đề thi thử của các trường ở khắp cả nước, đề càng đa dạng càng tốt.

“Các bạn cần phân phối thời gian một cách hợp lý và sau mỗi đề làm được xem lại có dạng bài nào mới, bài khó chưa làm được thì mình ghi chú lại để suy nghĩ, có thể hỏi thầy cô và bạn bè xung quanh” – Hiếu nhấn mạnh.

Một trong những kinh nghiệm “xương máu” của chàng thủ khoa khi học nước rút giai đoạn này là phương châm “thử mà như thật, thật mà như thử”.

Theo đó, khi làm đề, nam sinh tập trung nguyên tắc như trong một buổi thi thực sự: cần làm đúng và đủ thời gian, tập trung tối đa, rèn luyện cho mình tâm lý và thói quen tốt.

Với các môn Khối B, Hiếu cho biết sĩ tử cần cân đối kỹ lượng kiến thức trong đề thi. Ngoài phần bài tập, phần lý thuyết rất quan trọng và chiếm tỉ lệ cao trong cấu trúc đề thi nên thí sinh cần thật chú ý, dành thời gian để ôn tập, hệ thống lại các kiến thức lý thuyết cơ bản trong sách giao khoa, người ra đề có thể sử dụng những kiến thức cơ bản đó để tạo nên một câu hỏi dễ đánh lừa nhiều người

Một “bí kíp” nữa, theo Hiếu là cần cẩn trọng trong quá trình làm bài, kể cả với những câu dễ nhất, tránh chủ quan gây mất điểm, bởi chênh nhau 0,25đ trong kỳ thi năm nay, cũng là cả vấn đề “sống còn”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm