Bí kíp để mẹ chồng bớt khó tính, chửi mắng, nói xấu

09/10/2018 - 19:13
Vì thím tôi sợ mang tiếng nên cố gắng nhẫn nhịn. Nhưng mẹ chồng thím vì thế càng được đà lấn lướt, giày vò.
Chồng thím thì đi làm xa, hai con thì đi học trên phố. Ở nhà chỉ có mẹ chồng - nàng dâu nên thím càng cố nín nhịn. Từ trước đến nay, thím vốn không dám phản ứng bất kể điều gì mà đã bị mẹ chồng đi kể lể đủ điều, giờ trót nói gì to tiếng thì càng không biết giải thích với mọi người thế nào về “bản tố cáo” của mẹ chồng.
 
Hôm nào thím cũng phải chuẩn bị cho cụ bữa cơm sớm trước 5 giờ chiều vì bà rất bực mình nếu ăn cơm khi mặt trời đã tối. Trong khi cụ ăn tối, thím vẫn tiếp tục với công việc nên tới 8-9 giờ tối mới ăn, lúc đó thì cụ đã lên giường ngủ. Thế là cụ liên tục kể lể, than vãn với mọi người, đặc biệt khi có con gái, con trai rằng “nó khinh mẹ già nên ăn không mời, nó giữ thức ăn ngon để ăn sau”. Đến khi thím ghé qua giường mời và hỏi cụ có ăn thêm bữa đêm không thì cụ lại quát, thấy cụ ngủ rồi còn đánh thức, với lại “người già rồi còn ăn đêm, muốn tao chết sớm à”.
Ảnh minh họa

 

7 giờ tối cụ đã lên giường ngủ, 3 giờ sáng là dậy khua khoắng, mở ti vi ầm ầm. Rồi cụ liên tiếp càm ràm ở cửa phòng thím là “giờ này còn chưa dậy, ngủ trương cả người lên”. Nhiều hôm, tôi thấy gương mặt thím bơ phờ vì thiếu ngủ. Thỉnh thoảng mẹ chồng thím lại kêu đau nhức toàn thân, đòi lên nằm viện.
 
Đến nơi, bác sĩ khám không ra bệnh cho về thì cụ lại đổ cho con dâu là tiếc tiền không chịu cho nằm viện. Đến khi thím xin bác sỹ cho cụ nằm viện thì bà cụ liên tục kêu rên, đòi xoa bóp khắp người. Nếu bảo đi gọi bác sĩ thì sẽ lại nằm im, bảo “thôi, thôi hết đau rồi”.
 
Mẹ tôi là cháu dâu của cụ, tính lại không cam chịu như thím nên mẹ thường bảo: “Ngày xưa trẻ cụ đã ghê gớm, giờ già cụ càng khó tính, thế nên thím phải biết nói lại cho phải nhẽ. Chứ thím càng cố nhịn sẽ càng ấm ức”. Có lần, thím chạy sang nhà tôi, như thể sắp vỡ òa mọi cảm xúc. Mẹ tôi bất bình chạy sang, giọng lớn tiếng: “Bà cũng thật trái tính, không mời thì bà trách, mời thì bà chửi. Vậy thì để cháu bảo thím ấy cứ 9 giờ dọn cơm để bà ăn cùng, để thím ấy mời cho rõ ràng bà nhé”...
 
Thỉnh thoảng, cụ lại còn bịa chuyện nghi ngờ thím có bồ đi kể với thiên hạ. Cụ nói những người làm cùng đã đạp xe về ngang qua mà thím vẫn chưa về, chắc phải có chuyện khuất tất. Chú tôi nghe thế liền nói: “Mẹ mà cứ đổ vạ chuyện đồi bại cho nhà con, thì sau này khi chết, bị quỷ Dạ Xoa phạt đấy”. Khi nào nhắc tới quỷ Dạ Xoa thì bà lại lẩm bẩm “thôi, biết rồi, biết rồi”.
 
Khi cô tôi về, nghe bà cụ “mách đủ chuyện” nên quay ra chê trách chị em dâu hỗn với bố mẹ già, trách anh trai bênh vợ mà bất hiếu với mẹ. Cô nói: “Bố mẹ già giờ khó tính như trẻ con, mình phải nhường nhịn, phải giải thích và bỏ ngoài tai”. Thím tôi biết chuyện chị dâu - em chồng khó giải thích nên im lặng.
 
Còn mẹ tôi bảo: “Cô về chăm cụ một tháng đi, cô sẽ hiểu. Ai cũng hiểu bố mẹ già khó tính, ngang ngược như trẻ nhỏ nên phải bỏ qua. Nhưng cô đã biết cụ như giờ như trẻ con không rõ đúng sai, thế sao cô còn tin mọi lời tố cáo của bà. Là con người, ai cũng có giới hạn chịu đựng, cô có biết trăm bận thím ấy muốn nổ tung đầu, khóc trong câm lặng mà vẫn cố nhịn cụ không? Cô đừng nhầm lẫn giữa việc nghiêm khắc giới hạn và hành động hỗn láo, cô có biết, nếu không dọa thế thì cụ ra ngoài nói đủ thứ chuyện không có thật làm xấu cả gia đình không?”.
 
Tôi để ý, nhiều lần sau khi về nhà, cô tôi đã không còn mắm môi khi nghe mẹ tố cáo con dâu nữa. Cô nghe xong rồi nghiêm túc nói: “Bây giờ mẹ cứ dằn vặt chị ấy thì chị ấy chịu sao được. Nếu chị ấy bức bối quá, bỏ đi thì ai chăm mẹ?”. Có lúc tôi lại thấy cô nói với bà rằng: “Mẹ mà còn ra ngoài kể lể lung tung chuyện trong nhà thì con cũng không về nữa đâu. Lúc ấy, anh trai con cũng về đưa chị ấy đi. Vậy hay mẹ ở một mình nhé? Mẹ cứ nói lời ác với chị ấy, sau này quỷ Dạ Xoa bắt đi đấy...”.
 
Vậy là từ đó, tôi mới thấy bà cụ bớt khó tính, bớt nói xấu, chửi mắng thím tôi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm