Lần nào cũng thế, cứ đến giờ ngồi vào bàn học là cậu con trai của tôi lại “câu giờ” bằng cách đi tìm thứ nọ, lấy thứ kia. Ngồi học, cu cậu chỉ viết được mấy dòng rồi cầm bút quay vòng, hí hoáy vẽ ở giấy nháp, thỉnh thoảng lại quay ra hỏi mẹ đủ thứ chuyện. Thế nên, cả buổi tối, có một trang tập viết nhưng con không hoàn thành được.
Mặc cho mẹ giục giã nhưng chỉ được một lúc là con vào đâu vào đấy, thậm chí khóc lóc, giận dỗi không học. Tình trạng con không tập trung học, lười học kéo dài từ đầu năm đến giờ mà không cải thiện, tôi trăn trở rất nhiều. Hôm đó, khi con tái diễn cảnh viết được một chữ thì chống cằm ngắm trần nhà, tôi liền gấp sách của con lại và kiên quyết không cho con học bài.
Cậu bé khi thấy mẹ không cho học bài liền khóc lóc giậm chân thình thịch. Thế nhưng, tôi vẫn tuyên bố với con: “Nếu con thấy việc học không cần thiết thì từ hôm nay con sẽ không phải làm bài tập về nhà nữa”.
Thấy mẹ dứt khoát không cho học, cu cậu lo sốt vó. Bởi, nếu thiếu bài tập về nhà, con sẽ bị cô giáo phê bình, phạt và trừ điểm thi đua. Cậu rối rít xin mẹ cho học và hứa sẽ học tập trung.
Tôi vẫn không quên nhấn mạnh: “Mẹ chỉ cho con hoàn thành bài trong một thời gian cố định. Nếu quá thời gian, con không có quyền học nữa”. Với cách phạt không cho con làm bài tập, với cách không bắt con học quá nhiều, tôi đã khiến con cảm thấy trân trọng việc học.