pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bình Định: Các cấp Hội phụ nữ giúp chị em vượt khó do dịch Covid-19
Chị em phụ nữ được hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19
Trang bị kỹ năng bán hàng online
Kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Bình Định phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, một số địa phương trong tỉnh phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong bối cảnh đó, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh và các cơ sở, kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đều chịu những tác động tiêu cực, gặp rất nhiều khó khăn trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Trước tình hình trên, Hội LHPN tỉnh Bình Định đã kết nối, tạo điều kiện cho cán bộ Hội và hội viên phụ nữ là chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các lớp tập huấn trực tuyến do TƯ Hội LHPN Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức như: "Nâng cao năng lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", "Tập huấn thương mại điện tử và livestream bán hàng", lớp đào tạo "Nâng cao năng lực huấn luyện viên khởi nghiệp"…
Qua đó, bước đầu xây dựng các hạt nhân nòng cốt được trang bị các kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận hình thức kinh doanh online và ứng dụng thương mại điện tử đang rất phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Từ đội ngũ này mở rộng tập huấn, nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ Hội, hỗ trợ hội viên phụ nữ có nhu cầu kinh doanh, khởi nghiệp chuyển đổi hình thức kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với đại dịch Covid-19.
Theo Hội LHPN Thị xã An Nhơn (Bình Định), dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các chị em là chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, tiểu thương… đã tìm cách thích ứng để sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả. Ngoài việc tiếp nhận, trao đổi thông tin, đa số chị em còn tham gia tích cực những gian hàng online và có thu nhập tốt ngay trong mùa dịch.
Các chị đã sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo cá nhân để giới thiệu mặt hàng, tiến hành giao dịch với khách hàng; tham gia vào các trang web khác do các hội, nhóm, chính quyền địa phương thành lập.
Bên cạnh sự chủ động của các nữ chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác… Hội cũng triển khai đa dạng, linh hoạt các hoạt động để hỗ trợ. Trong đó, đã tuyên truyền, trang bị những kỹ năng bán hàng online giúp cho các sản phẩm của chị em tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng. Qua đó, giúp cho các chị em là chủ các cơ sở, tổ hợp tác, tiểu thương... có thu nhập ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.
Hỗ trợ nguồn vốn, con giống và kỹ thuật
Không chỉ hỗ trợ trong việc bán hàng online, các cấp Hội LHPN tỉnh Bình Định còn triển khai hiệu quả nhiều hoạt động khác để hỗ trợ chị em trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo Hội LHPN huyện Phù Cát (Bình Định), phần lớn chị em phụ nữ trên địa bàn tham gia sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ và gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Vì vậy, Hội đã tổ chức đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên thuộc hộ nghèo, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới, tìm các hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.
Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, Hội thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn, dạy nghề; tuyên truyền, phổ biến cho chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng các kỹ thuật mới trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh để chị em mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế.
Vận động chị em tích cực phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cỏ phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê; nuôi cá lồng và trồng các loại cây ăn quả... Từ những sự hỗ trợ này, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn đã chuyển đổi nghề thành công. Đến nay, tỷ lệ hội viên có thu nhập ổn định ngày càng tăng, nhiều hội viên có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cũng tại Thị xã An Nhơn (Bình Định), nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, Hội LHPN Thị xã đã tiến hành khảo sát nhu cầu khởi nghiệp của hội viên phụ nữ, trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, phụ nữ khuyết tật tại địa phương để trực tiếp hỗ trợ và đề nghị hỗ trợ theo nhu cầu của các chị. Sau quá trình khảo sát, Hội đã tập hợp, phân loại nhu cầu của chị em và tổ chức các hoạt động trao sinh kế cho hộ khó khăn. Theo đó, Hội đã trao tặng 8 heo con giống cho 4 chị để làm giống gây đàn chăn nuôi. Hội cũng hỗ trợ 1 máy may công nghiệp, 1 máy nước mía tạo sinh kế với tổng số tiền gần 20 triệu đồng cho hai phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, 11 cơ sở Hội đã giúp 35 chị có nhu cầu khởi nghiệp như trao tặng heo con giống, gà con giống, vỉ bánh tráng, bàn ghế mở dịch vụ nước giải khát… với tổng số tiền gần 14 triệu đồng.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ