Nhiều bố mẹ chiều con, cho con tiền với suy nghĩ "có điều kiện sao phải để con khổ sở". Ảnh minh họa internet. |
Anh Đặng Ngọc Đức (Q.Hà Đông, Hà Nội) chiều con gái đến mức người thân phải kêu ca. Lúc con còn bé, ngày nào đi làm về, anh cũng mua đồ chơi cho con. Búp bê của cô bé xếp đầy tủ. Quần áo, giày dép nhiều vô kể. Con lớn một chút, anh mua theo ý thích của con. Chỉ cần con gái thích gì thì ngày hôm sau anh sẽ mua món quà ấy, dù nó đắt tiền và không phải là món đồ thích hợp với trẻ.
Quen được bố chiều nên con gái anh Đức không biết quý trọng mọi thứ. Đồ chơi đắt tiền mấy cũng chỉ vài ngày là… bỏ xó. Quần áo, giày dép, váy vóc… dùng 1-2 lần là bé bỏ. Việc được chiều chuộng vô đối khiến bé là người chỉ biết hưởng thụ, không biết coi trọng tình cảm của người thân nếu không đáp ứng nhu cầu của bé.
Chị Vũ Thu Hương cho biết, cha mẹ thường có tâm lý: Mình cho con mình chứ cho ai đâu? Có điều kiện sao lại để con khổ sở. Thế nhưng, việc cho con mọi thứ không thực sự tốt với con.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Vũ Thu Hương chứng minh bằng chuyện của gia đình mình. Con gái chị cũng được bố rất chiều và thường mua những đồ con thích. Năm con 15 tuổi, đáp ứng yêu cầu của con, chồng chị mua cho con chiếc áo kimono của Nhật rất đắt, đồng thời mắng con vì đã đòi hỏi món quà đắt tiền này. Cái áo, thay vì được sử dụng, đã nằm im trong tủ suốt từ đó đến nay. Theo tổng kết của chồng chị, cứ 6 tháng, con gái chị lại «ném» đi một đồ vật đặt tiền như điện thoại smartphone, máy ảnh, đồ công nghệ. Đỉnh điểm, có tháng, con gái chị đã ném đi 1 cái điện thoại iPhone và 1 điện thoại Samsung còn mới. Tất cả đều là quà bố mua cho.
Đừng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ để trẻ biết quý trọng mọi thứ. Ảnh minh họa internet. |
Ngược lại với chồng, chị Vũ Thu Hương chỉ cho con khi con thật sự cần và luôn phạt nếu con hoang phí. Vì thế mà con gái chị ngại xin tiền mẹ. Tuy vậy, con gái chị lại rất thương mẹ và sẵn sàng lắng nghe, biết cách chăm sóc mẹ. Con gái chị cũng nhận ra, cách chiều con của bố là sai lầm, nhưng con vẫn đòi hỏi bố "vô tội vạ" bởi "tội gì không đòi, đòi gì bố cũng mua". Con gái chị thường xuyên mua quà cho mẹ, nhưng hầu như không mua quà cho bố, dù bố là người đáp ứng mọi nhu cầu của con.
Theo chị Vũ Thu Hương, khi cho con vô điều kiện, các bố mẹ đã tạo cho con một suy nghĩ rằng tiền quá dễ kiếm, sự chăm sóc của cha mẹ là đương nhiên và con rất ít khi quan tâm đến những khó khăn mà cha mẹ gặp phải. Cho con vô điều kiện khiến trẻ không biết xót của, con ném đồ đi một cách quá dễ dàng mà chẳng biết rằng đó chính là đồng tiền cha mẹ phải vất vả mới kiếm được. Cho con quá dễ dàng khiến con nảy sinh tính hay đòi hỏi, so bì, dễ ăn vạ.
Thế nên, hãy là bố mẹ “ki bo”, chỉ đáp ứng những đòi hỏi hợp lý thì tốt cho con, giúp con biết trân trọng mọi thứ, quý trọng tình cảm của người khác.