Bộ tộc Mosuo - phụ nữ có vai trò "đầu tàu" hơn 2.000 năm qua

20/06/2021 16:16
Trong gia đình của người Mosuo, phụ nữ đóng vai trò làm trụ cột, người phụ nữ lớn tuổi nhất sẽ nắm giữ quyền lực cao nhất, được gọi là Dabu. Ảnh: Chien-min Chung

Trong gia đình của người Mosuo, phụ nữ đóng vai trò làm trụ cột, người phụ nữ lớn tuổi nhất sẽ nắm giữ quyền lực cao nhất, được gọi là Dabu. Ảnh: Chien-min Chung

Mosuo là bộ tộc theo đạo Phật. Họ sinh sống tại tỉnh Vân Nam, gần thung lũng Lệ Giang, miền Tây Nam Trung Quốc, giáp chân núi phía Đông của dãy Himalaya.

Vai trò của những Dabu đầy quyền lực

Cách Lệ Giang khoảng hơn 200km, hồ Lư Cổ (Lugu) có tên gọi theo tiếng Mosuo là hồ Mẫu Thân. Với diện tích rộng đến 48km2, nằm ở độ cao 2.690m so với mực nước biển, khung cảnh ở đây vô cùng thơ mộng-những đỉnh núi quanh năm chìm trong mây ngàn, khu rừng xanh thẳm bao quanh, hệ sinh thái phong phú, nhiều động vật quý hiếm như báo, mang, hươu, nai, khỉ đuôi ngắn… Chính vì vậy, hồ Lư Cổ được xem là một trong những hồ nước đẹp nhất miền Tây Nam Trung Quốc.

Bộ tộc Mosuo, nơi phụ nữ đóng vai trò “đầu tàu” - Ảnh 1.

Hồ Lư Cổ thơ mộng, nơi tộc người Mosuo sinh sống. Ảnh: Nam Hải

Cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi và một số người bạn đã có dịp đến Lệ Giang và ghé thăm hồ Lư Cổ. Chúng tôi thuê xe chạy vòng quanh hồ, ngắm vô vàn cảnh đẹp, tham gia đốt lửa trại, nhảy múa giao lưu cùng trai gái của bộ tộc Mosuo và tìm hiểu bản sắc văn hóa nơi đây.

Hiện nay, bộ tộc này có khoảng 4.000 người. Ở bộ tộc Mosuo, phụ nữ có vai trò "đầu tàu", dẫn dắt toàn bộ bộ tộc suốt hơn 2.000 năm qua. Trong gia đình, phụ nữ đóng vai trò làm trụ cột, người phụ nữ lớn tuổi nhất sẽ nắm giữ quyền lực cao nhất, được gọi là Dabu.

Dabu quán xuyến tiền bạc cũng như công việc của từng thành viên. Khi Dabu muốn chuyển giao trách nhiệm cho thế hệ tiếp theo, bà sẽ đưa cho người kế vị chìa khóa nhà kho, đồng thời chính thức thông báo với mọi người về việc truyền lại quyền nắm giữ tài sản và trách nhiệm cho người mới.

Theo một số tài liệu lịch sử, cuộc sống trong cộng đồng Mosuo đã tương đối ổn định trong hàng trăm năm. Bắt đầu từ thời nhà Nguyên cai trị Trung Quốc, từ năm 1271 đến 1368, tộc người Mosuo được quản lý bởi một hệ thống thủ lĩnh bản địa cùng một cơ chế phân cấp xã hội cứng nhắc. Dù sống cùng với các dân tộc thực hành hôn nhân thông thường khác, hầu như tất cả người Mosuo vẫn duy trì tập quán tiesese (phụ nữ là chủ gia đình và không kết hôn).

Bộ tộc Mosuo, nơi phụ nữ đóng vai trò “đầu tàu” - Ảnh 2.

Nam thanh niên leo lên chiếc thang mà cô gái bắc sẵn để vào căn gác của cô theo tục tẩu hôn. Ảnh: Choo Waihong

Bên cạnh đó, truyền thống của người Mosuo, thiếu nữ và thiếu niên đến tuổi 13 sẽ được bà nội, mẹ hoặc một phụ nữ có địa vị trong dòng tộc cử hành lễ Thành niên. Trong buổi lễ, các bà sẽ đọc lời khấn, chúc phúc cho các cô gái, chàng trai, rồi họ thay ra những bộ áo dài đến chân mặc từ nhỏ đến buổi lễ. Cô gái sẽ mặc váy hoa, đội nón hoa có gắn vỏ xà cừ, còn chàng trai sẽ mặc quần. Sau nghi lễ này, họ đã thành người lớn và có quyền kết bạn. Cũng kể từ đó, cô gái phải dọn ra ở căn gác có cửa sổ lớn sát cổng nhà nhất để bắt đầu "tẩu hôn".

Cũng theo tục của người Mosuo, nam nữ không có cưới nhau, hai người yêu nhau thì nắm tay đi hết cây cầu Tẩu Hôn là về ở với nhau mà không có bất kỳ ràng buộc nào. Vào độ tuổi 13, các bé gái sẽ trở thành phụ nữ. Các em thậm chí còn có thể mời bất cứ chàng trai nào mình thích tới nhà và thẳng thừng từ chối những người không lọt vào "mắt xanh". Mỗi đêm, người nam đến nhà người nữ ở, nhưng đến khi trời sáng anh ta lại trở về nhà mình, con cái sinh ra ở chung với mẹ, mang họ của người mẹ.

Ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài

Bà Yang Congmu, một trong những Dabu điển hình của người Mosuo, kể lại với chúng tôi rằng, "người chồng" (đúng ra là người tình) đầu tiên của bà là một thợ mộc, họ gặp nhau khi ông này tới dựng nhà cho bà. Yang Congmu đeo cho người tình một chiếc thắt lưng ngay sau khi gặp gỡ để thể hiện tình cảm, theo đúng truyền thống thời đó.

"Sau một thời gian thì tình yêu phai nhạt. "Chồng tôi" không có việc gì làm với bọn trẻ con cả, thế là ông ấy thôi không qua lại nữa. Trong văn hóa Mosuo, các mối quan hệ tồn tại là dựa trên tình cảm đôi bên. Khi đã nhạt tình thì chúng tôi chia tay", bà Yang Congmu nói.

Ngày nay, các cặp đôi Mosuo thường sẽ tặng quà cho nhau bằng iPhone hoặc hoa. Người Mosuo theo thuyết duy linh và tin vào Thần Mẹ. Hệ thống tôn giáo cổ này được hòa trộn với Phật giáo Tây Tạng mới được du nhập vào gần đây, với việc nhiều gia đình cho con trai đi làm sư.

Bộ tộc Mosuo, nơi phụ nữ đóng vai trò “đầu tàu” - Ảnh 3.

Người Mosuo cũng có một số đức tin khác thường, chẳng hạn như tôn sùng chó. Ảnh: Chien-min Chung

Người Mosuo cũng có một số đức tin khác thường, chẳng hạn như tôn sùng chó. Có một truyền thuyết kể rằng ngày xưa, chó sống được tới 60 năm trong lúc con người chỉ thọ đến 13 tuổi. Người và chó đồng ý đổi tuổi thọ cho nhau và người hứa sẽ kính trọng chó vì điều này.

Với việc có một con đường mới vừa được làm và một sân bay gần đó khai trương hồi 2015, ngày càng có nhiều du khách tới hồ Lugu, mang theo những niềm tin tôn giáo mới và những thói quen mới. Văn hóa Mosuo hiện đang nằm ở điểm nối bấp bênh, chao đảo giữa hiện đại và truyền thống.

Anh Yang Zhaxi, một nhạc công trẻ lớn lên trong một gia đình Mosuo chính hiệu, chia sẻ: "Người dân làng sống bên hồ đã xây cất khách sạn cho du khách. Một số gia đình có nhà ở vị trí đắc địa nay trở nên rất giàu có. Việc đi lại và các vấn đề khác đã trở nên thuận tiện hơn, và người Mosuo đang khám phá thế giới bên ngoài, đang trải nghiệm những ý tưởng mới".

Quan niệm của người Mosuo về tình yêu và hôn nhân đang dần thay đổi do họ tiếp xúc ngày càng nhiều với thế giới bên ngoài. Thanh niên của bộ tộc Mosuo bị hấp dẫn bởi những câu chuyện lý tưởng hóa trong phim ảnh lãng mạn Trung Quốc và ngày càng có nhiều người chọn kết hôn theo cách thức truyền thống của người Trung Quốc, với việc cùng nhau chung sống và nói với nhau những lời thề nguyền hôn nhân trăm năm gắn bó.

Bộ tộc Mosuo, nơi phụ nữ đóng vai trò “đầu tàu” - Ảnh 4.

Quan niệm của người Mosuo về tình yêu và hôn nhân đang dần thay đổi do họ tiếp xúc ngày càng nhiều với thế giới bên ngoài. Ảnh: Choo Waihong

Bản thân Zhaxi cũng đã kết hôn với một người không thuộc sắc tộc mình, một người Hán. Anh sống chung với vợ con và tin rằng đó là một cách sống "đơn giản hơn". Mặc dù vậy, Zhaxi vẫn chịu trách nhiệm chăm sóc các cháu, con của chị gái mình giống như truyền thống của người Mosuo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.