Sau khi bôi kem trị mụn trứng cá mua trên mạng, bệnh nhân ngày càng nổi nhiều mụn hơn nên phải nhập viện. Bệnh nhân được chẩn đoán bị nghiện corticoid bôi.
Ngày 10/9, bác sĩ Hoàng Văn Tâm, BV Da liễu TƯ cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T. (16 tuổi, ở Hải Phòng) bị mụn mủ dày đặc trên mặt do dùng các loại kem và dược mỹ phẩm có công dụng trị mụn trứng cá.
Bệnh nhân cho biết, cách đây ít lâu trên măt có mọc ít mụn trứng cá, đặc biệt là vùng trán và cằm. Vì thiếu tự tin, bệnh nhân đã lên mạng tìm mua các loại kem mỹ phẩm trị mụn trứng cá về dùng.
Sau khi bôi kem được chừng 2 tuần, bệnh nhân thấy đỡ mụn. Nhưng khi dừng bôi, vùng da mặt lại xuất hiện mụn nhiều hơn nên lại bôi. Tuy nhiên, hễ cứ dừng bôi thì mụn lại nổi. Bệnh nhân dừng hẳn việc bôi kem thì vùng da mặt bắt đầu xuất hiện nhiều mụn hơn và lần này là những chiếc mụn mủ gây ngứa ngáy, khó chịu. Thấy vậy, gia đình bèn đưa bệnh nhân đến BV Da liễu TƯ điều trị.
Tại BV, bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid. Các bác sĩ cũng xác định da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và chi chít mụn mủ. Bệnh nhân được chẩn đoán bị nghiện corticoid bôi nên tiến hành điều trị.
Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ chăm sóc, điều trị.
Theo bác sĩ Tâm, thời gian gần đây BV tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị mụn trứng cá nặng và nám da sau khi điều trị bằng kem trộn có chất làm trắng hydroquinone và corticoid.
Bác sĩ Tâm cho biết, nhiều sản phẩm được ghi nhãn với thành phần là thảo dược nhưng có chứa chất làm trắng và corticoid. Đây đều là những chất cấm trong mỹ phẩm. Trong đó, corticoid là thuốc không được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và nếu bôi ngoài da phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Tâm, khi sử dụng các loại mỹ phẩm hay thuốc bôi chứa các chất nói trên, ban đầu người dùng thấy tác dụng tốt, nhưng hễ dừng bôi, bệnh lại tái phát. Ngoài ra, người dùng sẽ gặp các tác dụng phụ khác như rậm lông, teo da, giãn mạch, mỏng da, rạn da. Tình trạng này cứ tái đi tái lại cho đến khi người bệnh xuất hiện các biểu hiện ngoài da như: Ban đỏ, phù nề và mụn mủ. Khi đã “nghiện thuốc”, việc điều trị sẽ phải kéo dài từ 3-12 tháng, thậm chí lâu hơn và làn da không thể phục hồi như cũ.