'Bùng nổ' của cô vợ ít nói

30/01/2016 - 09:00
3 đêm rồi Tùng phải thức khuya để ru con ngủ. Đứa trẻ lên 2 cứ khóc ngằn ngặt đòi mẹ. Bà nội dỗ cũng không nín. Vợ Tùng đúng là sắt đá. Giận gì thì giận, sao lại bỏ cả con mà đi như thế này.
Chuyện chẳng có gì to tát cả. Bữa ấy, Tùng chỉ nói với Mai thế này: “Muốn dạy được con thì bố mẹ phải gương mẫu. Em đi về không chào hỏi mẹ, không chào hỏi anh, cứ lừ lừ vào nhà như cái tàu điện vậy, sau này làm sao bảo được con. Mẹ thấy em cứ lầm lầm lì lì, bà hỏi anh là không hiểu em giận gì bà. Cơm mẹ cũng không muốn nuốt, vì em cứ cắm cúi ăn, chả chuyện trò gì với ai cả”.

Những lời phàn nàn, trách cứ không đúng thời điểm giống như giọt nước làm tràn "chiếc ly chịu đựng" (ảnh minh họa)


Mai vừa chân ướt chân ráo bước vào nhà, nghe Tùng nói vậy thì hét lên: “Vâng, tôi không được dạy dỗ nên chỉ làm được có thế thôi. Ai ở được với tôi thì ở, không ở được thì tôi xin ra khỏi nhà. Tôi mệt mỏi lắm rồi, anh thích thì làm đơn ly hôn đi, tôi ký”. Nói rồi Mai quảy quả xách xe phóng ra khỏi nhà, mặc cho con khóc ngằn ngặt.
Tùng sững người. Vợ anh bình thường nói lí nhí không ra câu, mà khi giận dữ thì cả làng nghe thấy tiếng cô ấy hét. Nghĩ mình không làm gì sai, Tùng kệ. Mai tự đi, khắc tự về.
***
Nhưng Mai không tự về.
Sau 3 ngày gần như không được ngủ vì phải dỗ con, Tùng quyết định tìm vợ. “Anh đã nói gì sai?”. “Anh chả nói sai cái gì cả, nhưng anh nói không đúng thời điểm”, Mai nhìn thẳng vào mắt chồng, trả lời rành rọt. “Anh có biết người ta cần gì nhất khi về nhà không? Cần một nơi để thư giãn, nghỉ ngơi, để xóa bỏ những căng thẳng sau 8 giờ vắt kiệt sức ở cơ quan. Vậy mà cứ mỗi lần em bước vào nhà, anh đều chào đón em bằng những “bài giảng” dài dằng dặc của anh. Lúc ấy, em chả cần biết đúng sai gì nữa. Em đang căng như sợi dây đàn, mà anh lại còn dùng tay kéo nó căng thêm ra, em không thần kinh mới lạ. Em không làm chủ được mình. Em biết mình bỏ đi là sai, nhưng nếu em ở lại lúc ấy, có khi em còn xông vào sống chết với anh chưa biết chừng. Có phải là em không chào hỏi mọi người đâu. Chỉ là em nói nhỏ thôi, em quen nói nhỏ rồi, chính anh cũng biết mà”.
Tùng ngồi ngây ra nghe Mai nói. Anh rất tin vào bản thân, tự nhận mình là một người chồng mẫu mực. Tùng hơn Mai 9 tuổi, sống tự lập từ thời tốt nghiệp THPT. Mai là tiểu thư con nhà giàu, được bố mẹ nuông chiều ngay cả khi đã lập gia đình nên lúc nào Tùng cũng coi Mai như đứa trẻ cần phải được uốn nắn, sửa đổi để trở thành người vợ, người mẹ mẫu mực. Anh từng hình dung, khi gặp anh, Mai sẽ khóc lóc vật vã xin tha thứ, không ngờ, cô lại bình tĩnh “phản pháo” chồng như vậy. Ông bà dạy: “Nói phải củ cải cũng nghe”, hóa ra, muốn “củ cải” nghe, còn cần cả thời điểm nói nữa. Mà có vẻ như Mai nói đúng, Tùng toàn nhằm vào lúc cô vừa về tới nhà để đọc bài giáo huấn đã nghiền ngẫm trước của mình. Lần nào anh nói cũng thấy vợ im lặng gật gù, chưa bao giờ cô có hành động quyết liệt như hôm vừa rồi.

Tùng thường nghiềm ngẫm cả buổi và tuôn cả tràng giáo huấn ngay khi vợ về đến nhà (ảnh minh họa)

“Nó là thời điểm bùng nổ thôi, anh ạ”, Mai mỉm cười, nép sát vào Tùng, tỏ dấu hiệu làm lành. “Em biết mình là người không hoàn hảo. Nhưng em muốn anh nhận ra rằng, sau 3 năm sống chung với anh, em đã thay đổi rất nhiều. Bạn bè đều nhìn thấy sự thay đổi đó, chỉ có anh là không. Anh toàn thấy khiếm khuyết của em. Tự dưng em nản, em muốn buông xuôi. Em thương con và nhớ anh vô cùng, nhưng chẳng hiểu sao em không muốn bước chân về nhà. Em không đủ tự tin vào bản thân…”.
Nghe Mai thủ thỉ, Tùng thấy lòng chùng xuống. Anh khẽ bóp tay vợ, nói nhỏ: “Ngốc ạ, anh nói không đúng thời điểm, còn em thì bỏ đi đúng thời điểm lắm đấy. Có con rồi, muốn đi là đi luôn được sao? Về nhà mình đã, rồi mỗi người viết một bản tự kiểm điểm, thử xem ai nhiều khiếm khuyết hơn ai”.

Vợ chồng là “những mảnh ghép không hoàn hảo”. Đừng đặt ra mẫu hình lý tưởng cho “nửa kia” để rồi gây áp lực cho nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm