Cả nhà chạy xe máy vượt hàng nghìn cây số về quê tránh dịch: Ấm lòng bởi nghĩa cử cao đẹp

31/07/2021 18:06
Vợ chồng chị Lầu Y Xồng và con nhỏ vượt hơn nghìn cây số bằng xe máy từ Đồng Nai về Nghệ An. Ảnh: Ngọc Tú

Vợ chồng chị Lầu Y Xồng và con nhỏ vượt hơn nghìn cây số bằng xe máy từ Đồng Nai về Nghệ An. Ảnh: Ngọc Tú

Lầu Y Xồng (dân tộc Mông, ở bản Long Kèo, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vừa xuống xe máy tại chân cầu Bến Thủy 1 liền ôm con vào trạm để khai báo y tế. Chị Xồng kể, ngày 25/7, chị và chồng con lên đường từ tỉnh Đồng Nai để về quê "trốn dịch" bằng xe máy. Vượt hơn nghìn cây số, sau 4 ngày ròng rã, vợ chồng chị mới "chạm" đến đất Nghệ An...

Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh/thành đang diễn biến hết sức phức tạp. Số ca mắc tăng cao cùng với việc hàng loạt khu vực bị phong tỏa, nhiều công ty, khu công nghiệp phải đóng cửa dừng hoạt động khiến không ít người lâm vào cảnh thất nghiệp, thiếu thốn.

Trước tình cảnh "bất đắc dĩ" đó, hàng nghìn người lao động từ các tỉnh đang có dịch ở phía Nam đã tìm cách trở về quê Nghệ An bằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Họ là những gia đình vào miền Nam lao động, làm thuê nhưng vì dịch Covid-19 nên đã phải "trốn dịch" về quê. Dẫu hành trình vượt ngàn cây số mệt mỏi và đầy rẫy hiểm nguy, song những người lao động nghèo vẫn cố gắng di chuyển ngày đêm để về quê sau nhiều ngày bị mất việc, sống nơm nớp trong phòng trọ vì sợ lây nhiễm Covid-19.

Trên mỗi chiếc xe máy cũ kỹ là cả gia đình gồm vợ chồng, con nhỏ và những bao tải đựng chăn chiếu, quạt... được buộc chằng chịt phía sau xe. Hình ảnh những người dân tóc tai bù xù, quần áo lem luốc bám bụi, ánh mắt đỏ ngầu sau nhiều ngày di chuyển đã phần nào cho thấy sự vất vả, nhọc nhằn mà họ vừa trải qua.

Cả nhà chạy xe máy vượt hàng nghìn cây số về quê tránh dịch: Ấm lòng bởi những nghĩa cử cao đẹp - Ảnh 1.

Chị Nênh và các con ngóng chờ chồng tới đón sau khi vượt hành trình từ Bình Phước về Nghệ An

Chị Hờ Y Nênh (dân tộc Thái, trú bản Huổi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) và một người phụ nữ cùng bản ngồi địu con ở cầu Bến Thủy 2 (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, gia đình họ vào Bình Phước làm công nhân. Thời điểm này dịch bệnh căng thẳng, cả 2 cặp vợ chồng đều mất việc nhiều tháng nay nên đành phải vượt đường xa về quê "trốn dịch". Do thời gian làm ăn, cả 2 gia đình có tích góp được tiền nên mua vé cho mẹ con, còn 2 người chồng thì chạy xe máy về quê, hẹn gặp nhau ở cầu Bến Thủy 2.

"Chồng em bảo đang đi sửa xe máy tận Diễn Châu. Chúng em ôm con chờ từ đêm qua đến giờ mà vẫn chưa thấy chồng đến đón. Không biết anh ấy đi đâu cả. Em còn biết tiếng Kinh, chứ chị ấy chỉ biết nói tiếng dân tộc Thái thôi. Các con cứ khóc mà chúng em thì chẳng biết thế nào", chị Nênh vội gạt hai hàng nước mắt trên gò má.

Chị Nênh kể, vợ chồng chị rời quê vào Bình Phước làm công nhân từ 3 năm trước. Cuộc sống làm thuê vất vả nhưng đổi lại vợ chồng chị có được nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Gần 2 tháng trở lại đây, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, công ty giảm nhân sự nên cả vợ lẫn chồng đều lâm vào cảnh thất nghiệp, đành ôm con về quê để làm rẫy.

Còn Lầu Y Xồng (dân tộc Mông, SN 1998, trú bản Long Kèo, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vừa xuống xe máy tại chân cầu Bến Thủy 1 liền ôm con vào trạm để khai báo y tế. Chị Xồng cho biết, ngày 25/7, chị và chồng con lên đường từ tỉnh Đồng Nai để về quê "trốn dịch" bằng xe máy. Vượt hơn nghìn cây số, sau 4 ngày ròng rã, vợ chồng chị Xồng mới "chạm" đến đất Nghệ An.

"Chúng em mới ôm con vào Đồng Nai làm thê được hơn 2 tháng nay. Công việc là đi cạo mủ cao su ở rừng. Mặc dù khu vực chúng em làm việc chưa bị ảnh hưởng nhiều của dịch nhưng thấy các địa phương lân cận, số người bị nhiễm dịch nhiều quá nên bọn em quyết định "bỏ việc" để về quê cho an toàn", chị Xồng chia sẻ. 

Chị Xồng tâm sự, sau nhiều giờ đồng hồ chạy xe xuyên ngày đêm, các gia đình như nhà chị tập trung thành từng nhóm tranh thủ tìm bãi đất trống trải vội tấm nylon để ăn mẩu bánh mì, uống ngụm nước suối rồi nằm nhoài ra chợp mắt để chuẩn bị tiếp hành trình dài.

Sau khi về đến đầu tỉnh Nghệ An, chị Xồng và những người cùng đi phải vượt thêm hơn 300km nữa mới về đến quê ở huyện Kỳ Sơn. Một cán bộ trực chốt kiểm soát dịch tại cầu Bến Thủy 1 cho hay, khoảng 1 tuần trở lại đây có rất nhiều gia đình, người dân đi xe máy từ miền Nam về quê. Mỗi ngày có đến cả trăm người đi qua chốt để khai báo y tế. Dự kiến, lượng người về từ miền Nam có thể sẽ tăng nhiều hơn trong mấy ngày tới.

Những tấm phong bì nghĩa tình

Chứng kiến những gia đình nghèo chạy xe máy vượt hàng ngàn cây số từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê Nghệ An tránh dịch, chị Đinh Thu Hiền (trú tại TP Vinh) đã đứng đợi ở cầu Bến Thủy 2 để gửi đến những người lao động nghèo chút quà nhỏ của mình, hy vọng san sẻ khó khăn bằng việc tặng mỗi người 1 tấm phong bì trị giá 500.000 đồng.

Chạy xe máy địu con về quê “trốn dịch” - Ảnh 3.

Bài chia sẻ của chị Hiền được đăng tải trên trang cá nhân.

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, chị Đinh Thu Hiền viết:"Gia đình mình hiện đang ở chốt kiểm dịch cầu Bến Thủy 2 để chia sẻ một chút khó khăn với bà con về quê tránh dịch bằng xe máy. Bạn bè trên Facebook biết đoàn xe máy nào về báo họ về cầu Bến Thủy 2 giúp mình với nhé".

Được biết, gia đình chị Hiền đã dừng ở đây để trao quà cho mọi người đến tận 12h đêm 30/7. Đến sáng 31/7, gia đình chị Hiền vẫn tiếp tục chờ đợi tại khu vực cầu Bến Thủy 2 để san sẻ khó khăn với người dân nghèo Nghệ An.

Cả nhà chạy xe máy vượt hàng nghìn cây số về quê tránh dịch: Ấm lòng bởi những nghĩa cử cao đẹp - Ảnh 3.

Người dân đi xe máy từ miền Nam về quê đã ghé vào và tự lấy 1 phong bì 500 nghìn đồng được đặt sẵn trong thùng giấy ở chân cầu Bến Thủy (Nghệ An).

Do tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể trao quà đến tận tay mọi người nên gia đình chị Hiền đã làm một chiếc thùng carton, trong đó có bỏ rất nhiều phong bì. Bên trên thùng carton có ghi dòng chữ: "Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận 1 phong bì 500k".

Hành động ý nghĩa cũng như tấm lòng của gia đình chị Hiền sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người cảm kích. Phần quà nhỏ này sẽ giúp những người dân có hoàn cảnh khó khăn có thêm chút kinh phí mua gạo, mua thực phẩm... duy trì thêm cuộc sống gia đình trong mùa dịch này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn