pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Các con dạy chúng tôi làm bố mẹ"
Con của anh Bình - chị Phương trong một hoạt động trải nghiệm
Tri thức và sống tử tế
Giá trị giáo dục quan trọng nhất mà vợ chồng anh Bình, chị Phương muốn các con nhận được là tri thức và sống tử tế. Từ những chia sẻ, câu chuyện được nhắc đi nhắc lại, từ hành động của bố mẹ, vợ chồng anh chị mong muốn các con ngấm và nhận thức sâu sắc những giá trị mà bố mẹ truyền tải.
Là những người đọc nhiều, đi nhiều, anh Bình, chị Phương hiểu rất rõ, tri thức nhận được nhiều nhất chính là từ sách. Vì vậy, ngay từ bé, các con đã được tạo thói quen đọc sách. Giờ đây, hai con của anh chị đều yêu thích việc đọc, coi đọc sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nhờ đọc sách, tư duy của các con rất tốt. Các con nhìn nhận vấn đề sâu và tổng quát hơn. Năm học lớp 7, cậu con trai lớn của anh Bình, chị Phương đã bắt đầu viết truyện.
Những giá trị mà các con ngấm được phần nhiều còn từ những bữa cơm gia đình. Gia đình anh chị rất coi trọng bữa ăn đầy đủ các thành viên. Bởi đó là khoảng thời gian mà bố mẹ có thể chuyện trò nhiều nhất với con cái. Con cái học tất cả những gì của bố mẹ. Thế nên, trong các câu chuyện, anh Bình, chị Phương luôn phải để ý để con học sự lịch thiệp, học được sự tôn trọng người khác, tránh có những suy nghĩ tiêu cực về xã hội.
Tận dụng những hoạt động cùng nhau để truyền tải cho con thông điệp ý nghĩa là việc mà anh Bình thường làm với các con. Đó là những dịp cuối tuần cả nhà cùng xem phim, những bộ phim hay, nhân văn, giúp các con hiểu được những ý nghĩa tốt đẹp ở đó.
Nuôi dưỡng ước mơ
Để con học được các kỹ năng sinh tồn, thêm gắn bó với thiên nhiên, cứ vào cuối tuần, gia đình anh Bình, chị Phương lại tổ chức đi dã ngoại cùng một số gia đình. "Nhìn các con vui đùa cả ngày không biết mệt, chúng đào ao, bắt cá, nhảy nhót trong không gian trong lành, những trải nghiệm ấy vô cùng quý giá. Chúng học được và trưởng thành nhiều hơn từ những hoạt động ngoài trời ấy", chị Phương chia sẻ.
Chị Phương cho biết, để khám phá niềm đam mê, nuôi dưỡng ước mơ của con, là một hành trình đòi hỏi nhiều tâm sức. Từ khi con trai lớn học lớp 8, con ước mơ làm cầu thủ bóng rổ rồi ước mơ trở thành luật sư, nhà nhân chủng học, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc... Mỗi ước mơ của con, vợ chồng anh chị đều ủng hộ, tạo cơ hội cho con "cọ xát" để con "nhìn thấu" công việc đó hơn, để con nhận rõ mình có yêu thích và phù hợp không.
Nhận thấy thế mạnh của con là lĩnh vực khoa học xã hội, vợ chồng anh Bình, chị Phương đã đưa con đi gặp nhiều nhà hoạt động xã hội hàng đầu Việt Nam, gặp gỡ, nói chuyện với giới học thuật, với nhiều thanh niên tài năng... Anh Bình cũng cho con đi nhiều nơi, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình... để con có sự thấu hiểu, hiểu biết về tri thức bản địa, trân trọng cuộc sống cũng như thực hiện một nghiên cứu nhỏ trước khi vào đại học.
Cậu con trai của anh chị cũng đã có nhiều trải nghiệm từ việc làm trợ giảng tiếng Anh, gia sư tiếng Anh, bồi bàn, dịch tài liệu, nhập số liệu nghiên cứu, đi thực địa cùng với bố... trước khi quyết định chọn ngành học. Trong việc định hướng nghề nghiệp cho con, vợ chồng anh Bình, chị Phương có một nguyên tắc rõ ràng: Nghề gì thì nghề, con cần có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ số, không vượt ra khỏi giới hạn thế mạnh và đam mê, sở thích của mình.
Nuôi dạy con từ những trải nghiệm, vợ chồng anh chị tin rằng, các con sẽ là những đứa trẻ "giàu có": Giàu hạnh phúc, giàu trải nghiệm, giàu yêu thương, giàu kiến thức, giàu sự tự tin...