Theo quy định của Bộ Công an tại Thông tư 57, kể từ ngày 6/1/2016, các loại xe du lịch từ 4-9 chỗ ngồi bắt buộc phải có một bình cứu hỏa, thuộc một trong những chủng loại sau: bình bột dưới 4 kg, bình bọt dưới 5 lít, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4 kg.
Vậy, trên xe ô tô nên chọn loại bình cứu hỏa nào? Và nên đặt bình ở vị trí nào cho thuận tiện nhất, vừa trong tầm với của lái xe mà vẫn không ảnh hưởng đến bình cứu hỏa?
Nguyên tắc chọn bình cứu hỏa cho xe ô tô
Trên thị trường hiện nay, bình cứu hỏa dùng cho ôtô có hai loại: Bình 1kg và 500ml. Đa phần đều xuất xứ từ Trung Quốc.
Bình 500 ml có ưu điểm là nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ có thể cất giữ ở bất cứ chỗ nào trong xe, ngoài công dụng chữa cháy trên ôtô, bình có thể dùng ở văn phòng, khu bếp tại nhà, nhà kho, nhà xưởng, dùng khi đi cắm trại, du lịch. Trước khi dùng thì lắc mạnh sau đó xịt thẳng vào đám cháy, thời gian xịt từ 5-8 giây. Nhược điểm là chỉ dùng một lần, phần vỏ bình mỏng. Giá của loại 500 ml khoảng 80.000 đồng.
Loại bình 1kg có thể nạp lại sau khi sử dụng, vỏ bằng thép chắc chắn hơn, nhiệt độ bảo quản từ -22 độ C tới 55 độ C. Tương tự bình 500ml, bình 1kg cũng phải lắc mạnh trước khi dùng, rút chốt rồi xịt thẳng vào điểm cháy, thời gian chữa cháy tương đối dài. Trước mỗi lần nạp mới và sau 5 năm sử dụng, vỏ bình phải được kiểm tra thủy lực, sau khi đạt cường độ yêu cầu (tối thiểu là 30 MPa) mới được phép sử dụng. Bình 1kg có mức giá khoảng 110.000 đồng.
Bình cứu hỏa phải được đặt trong tầm với của lái xe
Về vị trí đặt bình cứu hỏa: Trong mùa hè nhiệt độ ngoài trời thường là 33-34 độ nhưng trong xe lại cao hơn rất nhiều, có thể lên đến 45-50 độ C. Khu vực bảng táp-lô bằng vật liệu nhựa hoặc da nằm dưới kính trước là nơi hấp thụ trực tiếp nhiệt lượng từ ánh nắng mặt trời nên nhiệt độ khu vực này thường ở mức 70-80 độ C, cao hơn rất nhiều so với mức nhiệt độ các bình chữa cháy có thể chịu được.
Bình cứu hỏa phải được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe.
Với những ôtô mà nhà sản xuất không bố trí nơi để treo, đặt bình cứu hỏa thì chủ phương tiện nên để ở hốc cánh cửa trước, hoặc cửa sau, gầm ghế. Hoặc tốt nhất nên mua loại bình có đai ngang hông bên trong xe để dễ thấy, dễ lấy và dễ dàng cho việc sử dụng.
Để tránh được những sự cố đáng tiếc, chủ phương tiện nên để bình theo hướng dẫn, mua bình ở những cơ sở uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đặc biệt nên để xe tránh ánh nắng mặt trời và những nơi có nhiệt độ quá cao.