Cục ATTP lưu ý người dân không nên hoang mang và đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu phát hiện những nghi ngờ, bất thường cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như Công An, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân xã/phường, Y tế xã phường.
Theo một chuyên gia về an toàn thực phẩm, khả năng gạo bị làm giả là rất khó. Giá một kg gạo thông thường chưa đến 20.000 đồng. Nếu cộng tiền nguyên liệu khoai lang, khoai tây, nhựa… và chi phí công nghệ chế biến, giá thành gạo giả đắt ngang ngửa gạo thật hoặc thậm chí hơn. Tính về lợi nhuận, không một người làm kinh doanh nào lại đi làm việc này. Hơn nữa, nếu có thành phần nhựa trong gạo, khi nấu sẽ có mùi rất khó chịu.
Tuy nhiên, trên thị trường gạo hiện nay đang loạn về tên gọi, loạn giá, loạn chất lượng do bị giả danh, pha trộn, ướp hương vị tràn lan. Người tiêu dùng hầu như không biết các chỉ tiêu chất lượng của gạo như độ ẩm, tỷ lệ tấm, tỷ lệ tạp chất, dư lượng thuốc trừ sâu…
Có nhiều cách đơn giản để phân biệt "gạo giả".
Dưới đây là những cách đơn giản giúp người dân phân biệt gạo giả, gạo nhựa:
1. Rang gạo: Cho gạo lên chảo rang dưới ngọn lửa to. Nếu là gạo giả thì sẽ nóng chảy ra, còn gạo thật thì sẽ chín thơm.
2. Ngâm gạo: Lấy 1 chậu nước, cho gạo vào ngâm. Gạo thật sau 1 thời gian sẽ trương nở, còn gạo giả thì không nở mà nổi lên mặt nước.
3. Để ý kích thước hạt gạo: Người tiêu dùng cũng có thể quan sát kỹ hình dáng hạt gạo để phân biệt. Gạo thông thường chỉ dài 6-7mm nhưng gạo giả có thể dài tới 10mm, bề ngang gạo giả nhỏ hơn nhiều so với gạo thông thường. Ngoài ra, không nên mua loại gạo trắng sạch và hạt đều vì bình thường, gạo xay xát xong có độ tấm là 5%.
4. Vo gạo: Kinh nghiệm của một số tiểu thương buôn bán gạo cho thấy, gạo thật luôn có một màng phủ bên ngoài (tựa như cám). Khi vo gạo màng phủ sẽ tróc làm nước đục. Ngoài ra khi bóp chặt nắm gạo, buông tay ra nhiều hạt gạo vẫn dính trong lòng bàn tay nhờ màng phủ. Còn gạo giả, do làm bằng nhựa nên nước vo gạo vẫn trong và ít dính trong lòng bàn tay.
Ngoài ra, để lựa chọn được loại gạo không pha trộn hương vị, đảm bảo vệ sinh các bà nội trợ có thể tham khảo thêm một số mẹo dưới đây:
Lựa gạo qua tên gọi
Theo kinh nghiệm của người kinh doanh gạo, những giống lúa thơm sau khi chế biến cho ra thành phẩm thì về hình thức hạt gạo dài, ngắn, đục hoặc trong suốt,... khác nhau nhưng đặc điểm chung nhất là khi vốc nắm gạo lên sẽ có mùi thơm. Nếu để ý kỹ, mùi thơm của gạo dịu nhẹ, vẫn có vẻ hơi nồng nồng tự nhiên rất dễ phân biệt với các loại gạo được phun mùi để tạo thơm nhân tạo.
Ví dụ:, nếu đúng là gạo nàng thơm Chợ Đào, thì hạt gạo dài, mảnh (không to), đục và có mùi rất thơm. Gạo nàng thơm Chợ Đào trồng vào vụ mùa cuối năm ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An, mỗi năm sản lượng khoảng 1.200 tấn gạo, tiêu thụ đến sau tết Nguyên đán là hết, nên việc loại gạo này lúc nào cũng có ở hầu khắp các cửa hàng kinh doanh gạo để bán là không đúng. Muốn có để bán quanh năm bắt buộc những người kinh doanh phải chấp nhận bỏ tiền gom thóc xát dần để bán. Tuy nhiên với sản lượng hạn chế như vậy thì có thể nói, các điểm bán thuộc các doanh nghiệp lớn có bán quanh năm đã là khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng thóc lúa để lâu bị kém chất lượng.
Một số doanh nghiệp kinh doanh gạo khẳng định: Các giống lúa chế biến ra sản phẩm gạo ngon đang bán tại các cửa hàng, siêu thị chỉ có mười giống thuộc dòng dẻo, thơm, hạt dài hoặc ngắn, như: jasmine, KDM (hương lài, thơm lài), hommali (giống lúa nhập từ Thái – thơm Thái), giống lúa Đài Loan (VD – Việt Đài – gạo thơm Đài Loan), nàng thơm Chợ Đào và dòng ST, OM trồng ở Sóc Trăng, Long An.
Mặc dù vậy, các cửa hàng kinh doanh gạo vẫn tự “sáng tác” ra rất nhiều giống gạo không hề có trong bất kỳ một tài liệu nông nghiệp nào. Với giá lúa thơm hầu hết ở mức trên 10.000 đồng/kg như hiện nay, nếu làm gạo chính phẩm (không pha trộn), đạt các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn, không sử dụng hương liệu, chất bảo quản, thì giá bán không thể dưới 16.000 đồng/kg doanh nghiệp mới không bị lỗ. Do đó, muốn chọn được gạo ngon như ý muốn, các mẹ cần lưu ý:
Có thể kiểm tra gạo bằng cảm quan
Thông thường, lúa dùng để chế biến gạo phải là lúa được thu hoạch và làm khô ít nhất 45 – 60 ngày trước khi đưa vào chế biến. Nếu lúa mới thu hoạch mà đem xay ngay sẽ cho cơm bị nhão, hạt cơm chưa ngọt. Hạt gạo ngon nhất là gạo mới được xay, nếu để lâu sẽ giảm mùi thơm tự nhiên, dễ bị ảnh hưởng điều kiện môi trường. Người tiêu dùng khi mua gạo cần quan sát để chọn hạt gạo bóng, đẹp, chưa lên mùn (đổ lông), khi ngửi có mùi thơm tự nhiên. (hạt gạo nếu đánh bóng kỹ bằng hóa chất rất dễ nhận biết bởi độ bóng đẹp đạt mức hoàn hảo, còn độ bóng tự nhiên chỉ ở mức độ vừa phải).
Cần nắm rõ đặc tính gạo để chọn gạo theo khẩu vị
Có nhiều loại gạo nhưng dựa vào đặc tính thì phân biệt thành hai dòng chính, đó là dòng gạo dẻo và dòng gạo xốp. Trên thị trường, dòng gạo dẻo có một số loại đang được ưa chuộng như tám thơm Bắc bộ, thơm hương lài, thơm Sóc Trăng (ST), thơm Đài Loan, jasmine, OM4900, nàng hoa… Dòng gạo xốp có một số loại phổ biến như: nàng thơm, tài nguyên, Hàm Châu…