Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài 1): Nên trân quý từng phút giây

Trân quý cuộc sống sẽ giúp bạn sống có ích hơn. Ảnh minh họa

Trân quý cuộc sống sẽ giúp bạn sống có ích hơn. Ảnh minh họa

Đối với tín đồ Phật giáo, giáo lý được xem như là thước đo chuẩn trong việc thực hành, tu tập. Trong đời sống hiện đại ngày nay, một số điều căn bản giáo lý Phật giáo được không ít người áp dụng nhằm giúp bản thân cân bằng cuộc sống.

Hiện nay, tạo sự cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo là điều mà không chỉ tín đồ Phật giáo mà còn những người có cảm tình với đạo Phật đều mong muốn hướng tới. Tuy nhiên, việc tìm kiếm phương pháp cân bằng trong cuộc sống theo giáo lý Phật giáo không chỉ là mục tiêu nhất thời và không phải ai cũng tìm đúng phương pháp để thực hiện. Dưới góc độ giáo lý Phật giáo, có thể áp dụng hai phương thức sau góp phần cân bằng trong cuộc sống đó là: Cân bằng cuộc sống từ nhận thức về vô thường và cân bằng cuộc sống bằng thực hành giải thoát phiền não.

Cân bằng cuộc sống được hiểu đơn giản là cân bằng giữa các hoạt động và hành xử trong các mối quan hệ công việc và các mối quan hệ gia đình, bạn bè hay sở thích cá nhân, tức là ít có sự cách biệt khoảng cách giữa chúng. Khi cuộc sống được cân bằng, con người sẽ có được niềm vui, sự yên bình và hạnh phúc.

Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài 1): Nên trân quý từng phút giây - Ảnh 1.

Cân bằng cuộc sống được hiểu đơn giản là cân bằng giữa các hoạt động và hành xử trong các mối quan hệ công việc và các mối quan hệ gia đình, bạn bè...

Tuy nhiên, sự cân bằng đó tưởng chừng như xuất hiện và tiếp diễn mãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng thực chất nó sẽ biến mất nếu chúng ta không biết cách duy trì nó. Đôi khi, con người bị rơi vào trạng thái mất cân bằng và dường như bị lạc hướng. Có thể chúng ta quá đề cao một vấn đề gì đó mà vô tình bỏ quên hoặc đánh mất một hoặc điều khác quan trọng không kém.

Mất cân bằng trong cuộc sống là vấn đề rất phổ biến trong xã hội hiện nay, nó được thể hiện ở một số trường hợp như: Mất cân bằng về sức khỏe, nội tâm, công việc và các mối quan hệ... Để cân bằng và dung hòa những yếu tố đó, không phải ai cũng làm được, mất cân bằng cuộc sống giống như một căn bệnh mà ta phải đi tìm phương thuốc. Trước hết, ta phải biết được mình muốn gì, cần hiểu được chính mình, bởi nội tâm và những cảm xúc của bản thân dường như quyết định cho những hành động của chúng ta. Do vậy mà ngày nay người ta thường thực hành phương pháp tâm lý trị liệu để tìm điểm cân bằng trong cuộc sống.

Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo cũng là phương pháp mà nhiều người hiện nay đang thực hiện, giáo lý Phật giáo chứa đựng những điều thực tiễn, giá trị trong cuộc sống mà chúng ta có thể áp dụng để tìm điểm cân bằng. Nhưng áp dụng thế nào thì chắc nhiều người chưa biết?

Cân bằng cuộc sống từ nhận thức về vô thường

Ngoài những người đã có sự tu tập là tín đồ Phật giáo, mọi người có thể bắt đầu tìm hiểu từ những thứ căn bản, gần gũi nhất của giáo lý Phật giáo đó là Vô thường. Đầu tiên, cần nhận thức được ý nghĩa của vô thường, hiểu được sự mất cân bằng mà mình đang đối diện. Khi đã nhận thức được về nó, chúng ta có thể thoát khỏi hoặc tránh được rất nhiều phiền não hàng ngày đang quấy nhiễu chúng ta.

Vô thường là pháp ấn đầu tiên trong tam pháp ấn của giáo lý Phật giáo, đó là Vô thường - Khổ - Vô ngã, trong cuốn Đại trí độ luận của Bồ tát Long Thọ - cuốn thứ 22 có câu "Pháp ấn của Phật có ba thứ: Thứ nhất là pháp hữu vi đều sinh diệt trong tùy sát na và tất cả đều vô thường…".. Vô thường là không có gì là không thay đổi và tồn tại mãi mãi. Mọi thứ xuất hiện đều do đủ điều kiện, khi điều kiện thay đổi thì nó thay đổi, không còn đủ điều kiện thì nó sẽ biến mất, hoặc chuyển hóa sang cái khác. Trong tuệ giác của Đức phật và nếu chúng ta quan sát thì sẽ cảm nhận được một điều là tất cả mọi thứ trên thế gian này đều là vô thường: cho dù đó là vật chất (sắc), hay tinh thần (cảm giác, cảm xúc, tình cảm, tư tưởng... hay còn gọi là danh).

Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài 1): Nên trân quý từng phút giây - Ảnh 2.

Một bông hoa cũng vô thường, sau một hai ngày rồi sẽ héo úa, sau ba bốn ngày ta đem bỏ ra ngoài làm phân hữu cơ, khi đó nó không còn là bông hoa nữa mà chuyển sang dạng khác. Vì vô thường mà mỗi ngày chúng ta thấy mình lớn lên, vì vô thường mà chúng ta già đi, cơ thể con người là vô thường, quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử là vô thường, chúng ta không thể nào đoán được ngày mai sẽ ra sao. Tâm của chúng ta cũng vậy, có lúc yêu thương tha thiết nhưng khi đối diện với những điều bất như ý, nghịch duyên rồi cũng sẽ thay đổi, có khi là ghét, là hận. Thời gian cũng vô thường, nó trôi nhanh thoáng chốc để ta hiểu một điều: Ta của ngày hôm nay không phải ta của ngày hôm qua.

Như vậy, nhờ có vô thường thì cơn mưa mới dứt, còn nếu không có vô thường sẽ mưa mãi, nhờ vô thường mà mặt trời mới lên hay tuyết mới tan và nhờ vô thường mà khổ đau mới có thể chấm dứt được. Nếu chúng ta tin vào tuệ giác của Đức Phật, tin vào nguyên tắc vô thường của đất trời thì không có gì gọi là cố định, nó có thể tốt hơn hoặc tệ hơn chứ không bao giờ giữ nguyên một trạng thái. Mọi thứ đều là bất định, dịch chuyển, thay đổi liên tục, mọi sự mọi vật trên cuộc đời này đều như vậy. Người ta thường nói đời là khổ, đời là vô thường nhưng vô thường không gây ra khổ, mà do nhận thức sai lầm về vô thường là thường hằng, còn mãi cho nên ta mới khổ.

Nếu dừng lại và quan sát tinh tế, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta vô thường trong từng giây phút mà trong đạo Phật gọi là sát na. Cơ thể cũng vô thường, những dòng cảm thọ cũng vô thường. Rồi tâm thức của chúng ta, những nhận thức và cảm xúc cũng vô thường. Hiểu được vô thường, chúng ta sẽ thấy những điều như ý đến với chúng ta nhất thời chỉ là tạm bợ, thay vì đó nên tìm niềm vui, yêu thương chân thật. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta bị rơi vào trạng thái mất cân bằng như mất cân bằng về sức khỏe, mất cân bằng nội tâm, mất cân bằng trong công việc, gia đình.... và chúng ta cảm thấy mình đang bị lạc hướng. Nhưng một cơn đau xuất hiện rồi sẽ thay đổi và biến mất, một cảm giác khó chịu cũng không kéo dài mãi, mà luôn thay đổi, một cảm xúc tiêu cực cũng như thế.

Cân bằng cuộc sống theo giáo lý Phật giáo (bài 1): Nên trân quý từng phút giây - Ảnh 3.

Dù cho điều bất như ý có đến với mình cũng không chán nản, nếu biết cách chuyển hóa thì ngày mai sẽ thay đổi. Ảnh minh họa

Khi hiểu được mọi thứ đều vô thường, chúng ta nên đối diện với nó để thấy mọi việc đều thay đổi, nên trân quý từng phút giây, giữ gìn những thứ quý giá cho mình và những người xung quanh mình. Khi thấy được vạn vật vô thường, dù cho điều bất như ý có đến với mình cũng không chán nản, nếu biết cách chuyển hóa thì ngày mai sẽ thay đổi. Hãy tận dụng ý nghĩa của vô thường để thay đổi con người mình, để thuần hóa cái tôi của mình và tin rằng mình sẽ tốt hơn.

Khi nhận thức được vạn vật trên thế gian đều vô thường theo giáo lý Phật giáo, thì ta có niềm tin mọi việc đều có thể thay đổi. Nếu quan sát vô thường trong cuộc sống, chúng ta sẽ ý thức được nên quý trọng những thứ tốt đẹp trong từng giây phút, nuôi dưỡng hạt giống tốt đang có trong chúng ta. Nhận thức về vô thường giúp chúng ta có thể giữ được tâm bình thản hơn trước đây khi đối diện với mọi thay đổi bất ngờ, đồng thời góp phần cho ta hiểu về cuộc sống và tìm được điểm cân bằng. Đồng thời, dù gặp điều không như mình mong muốn, nên học cách điều chỉnh bản thân và biết rằng có thể chuyển hóa cái xấu thành cái tốt thay vì chán nản tạo nên những phiền não.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.