pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần có sẵn bao nhiêu tiền để tự tin nói "Tôi nghỉ việc" ngay khi bạn ngán công việc tận cổ?
Nhiều người luôn có thói quen tiêu hết số tiền của mình để phục vụ cho mục đích tận hưởng cuộc sống. Tuổi trẻ luôn có khao khát được trải nghiệm, do đó, chúng ta cũng dễ dàng "gật đầu" cho những khoản chi tiêu không cần thiết. Đôi khi, chúng ta vẫn muốn "thử" dù biết nó hoàn toàn không phù hợp với bản thân.
Người trẻ cũng ít bị bó buộc vào một gánh nặng nào, nên họ chi tiêu mạnh tay hơn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thực hiện được những mục tiêu lớn hơn, muốn đạt được sự tự do về mặt tài chính thì ít nhất hãy tập thói quen tiết kiệm ngay càng sớm càng tốt.
Ở thời điểm nào thì tiền bạc đối với chúng ta cũng đều quan trọng cả. Vì thế nếu bạn có thể tiết kiệm được một khoản kha khá thì chắc chắn sẽ giúp bạn đỡ hơn nhiều chuyện trong tương lai. Đặc biệt, bạn cần ý thức được sự cần thiết của các quỹ khẩn cấp, số tiền tiết kiệm cá nhân để đề phòng những trường hợp không may xảy ra như đau ốm, tai nạn, khủng hoảng kinh tế...
Nếu bản thân đột nhiên rơi vào tình trạng thất nghiệp, bạn nghĩ mình có thể sinh hoạt trong bao lâu?
Sarah từng có quãng thời gian chán ngán công việc "đến tận cổ". Làm việc không ngừng nghỉ, chẳng có lấy một phút thư giãn, deadline liên tục chồng chất, ông sếp đáng sợ, đồng nghiệp khó tính... tất cả đều khiến cô cảm thấy mệt mỏi. Mỗi sáng tỉnh dậy, điều mà cô cảm thấy đầu tiên chính là sợ hãi, sợ phải bước chân đến công ty, sợ gặp gỡ đồng nghiệp. Suy nghĩ thứ hai tiếp theo đó là muốn bỏ việc.
Tuy ngày nào cũng suy nghĩ như vậy nhưng Sarah vẫn mãi chưa thể bỏ việc. Cô không đủ tự tin để tìm kiếm một công việc khác tốt hơn, cũng không dám chắc môi trường làm việc tiếp theo có khá hơn hiện trạng hay không. Nếu câu trả lời là không, cuộc sống của cô sẽ rơi vào tình trạng túng quẫn.
Sau này nghĩ lại, Sarah luôn cảm thấy hối tiếc vì khoảng thời gian phung phí quá lâu vào một công việc khiến bản thân đau khổ như vậy. Cô nói, nếu như lúc đó có thể tiết kiệm được một khoản tiền đủ cho 6 tháng sinh hoạt, chắc chắn cô sẽ nghỉ việc ngay lập tức, chẳng cần lăn tăn gì nhiều. Thay vào đó, cô đã phải nhẫn nhịn chịu đựng cho đến khi có một kế hoạch khả thi khác.
Các chuyên gia tài chính cũng luôn khuyên rằng, tốt nhất mỗi người nên có một quỹ tiết kiệm khẩn cấp với ít nhất là 6 tháng phí sinh hoạt. Như vậy, dù bạn có đột ngột rơi vào các trường hợp không may, bạn vẫn có đủ tài chính để lo cho cuộc sống của mình, sau đó mới có thêm thời gian để xoay sở mọi việc.
Hillary Swetz, người điều hành website Homegrown Hillary, nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng của hoàn cảnh cá nhân có thể ảnh hưởng đến con số cuối cùng trong quỹ khẩn cấp của một người.
Bạn còn độc thân hay đã có gia đình? Bạn có con chưa và có bao nhiêu đứa con? Bạn sống cùng bố mẹ hay phải thuê nhà ở riêng? Bạn có nợ ngân hàng không? Có khoản thế chấp nào hay không?
Tất cả những yếu tố hoàn cảnh cá nhân đều phải được xem xét đến để có thể đưa ra số tiền cụ thể cho mỗi một người. Chính vì vậy, gần như không có mẫu số chung về khoản tiền này.
Khoản tiền đó có thể không lớn, không quá quan trọng nếu cuộc sống của bạn "xuôi chèo mát mái". Nhưng nếu sóng gió bất ngờ ập tới, đó chính là "phao cứu sinh" để bạn có thể an tâm về sự sống của mình. Tuy nhiên, để thực sự yên tâm nghỉ việc bất cứ lúc nào mình muốn, bạn nên dự trù khoảng 12 tháng sinh hoạt phí.
Thử nghĩ xem, nếu bạn nghỉ việc mà không có một kế hoạch tiếp theo, bạn có thể không tìm được một việc làm khác trong 6 tháng hoặc 12 tháng. Bạn sẽ bắt đầu trở nên "tạm bợ", tìm bừa một công việc nào đó để ít nhất làm ra tiền nuôi sống bản thân. Như vậy, rất có thể bạn lại đẩy mình vào một hoàn cảnh xấu.
Nhưng khi có quỹ dự phòng trong tay, bạn có thể tạm thời an tâm trong những tình huống xấu nhất mà không phải bận tâm quá nhiều. Và nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, bạn tìm được việc làm chỉ trong vòng vài tháng, bạn sẽ có một quỹ tiết kiệm khẩn cấp dồi dào vẫn còn nguyên vẹn.
Thật không may là rất nhiều người trưởng thành chúng ta đều không có quỹ khẩn cấp như vậy.
Để sẵn sàng buông bỏ công việc hiện tại, bạn cũng cần một yếu tố quan trọng khác, đó là xác định bước đi tiếp theo của bạn là gì. Nếu bạn muốn chuyển sang một công việc tương đương với công việc hiện tại, bạn có thể cảm thấy thoải mái với số tiền tiết kiệm ít hơn.
Nhưng nếu bạn hy vọng thay đổi nghề nghiệp hoặc công việc của bạn có tính chuyên môn cao hoặc rất cạnh tranh, có lẽ bạn cần phải có nhiều tiền tiết kiệm hơn.
LJ Jones, một nhà hoạch định tài chính và là người sáng lập của Develop Financial LLC cho biết: "Lần đầu nghỉ việc, tôi không tiết kiệm quá nhiều nên tìm việc trong tâm thế rất vội. Cuối cùng tôi nhận một công việc chẳng mấy thích thú và rồi nghỉ việc chỉ một năm sau đó".
Mặt khác, Adam Garcia, một chuyên gia tài chính và là người sáng lập The Stock Dork, lại nhận định: "Không có số tiền nào có thể khiến bạn cảm thấy đủ an toàn để bỏ việc. Do đó, hãy cân nhắc lợi và hại của việc xin nghỉ rồi đưa ra quyết định phù hợp với tình trạng hiện tại của bản thân."
"Đôi khi, chính việc bạn cứ lo lắng, cân nhắc rồi lại chưa dám xin nghỉ vì thiếu kế hoạch dự phòng còn mang đến tác động tiêu cực hơn so với việc bạn cứ nhắm mắt làm liều. Đặc biệt nếu như công việc đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần hoặc thể chất của bạn", chuyên gia nói thêm.
Vậy nên chúng ta có thể nói rằng, để đưa ra quyết định nghỉ việc, tiền tiết kiệm có thể là một trong những yếu tố giúp củng cố quyết tâm của bạn, tuy nhiên nó không phải là yếu tố duy nhất.
Đó không chỉ về việc chúng ta nên tiết kiệm nhiều tiền hơn mà chính là phải biết quý trọng bản thân và chọn một công việc khiến mình hạnh phúc.