Cần quan tâm tới học sinh gia đình nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số

04/09/2022 21:06
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và học sinh trường Tiểu học Thị trấn Yên Lập (Phú Thọ)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và học sinh trường Tiểu học Thị trấn Yên Lập (Phú Thọ)

Ngày 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới trong không khí tưng bừng, phấn khởi sau 2 năm lễ khai giảng trực tiếp bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Trước thềm năm học mới, ngày 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên học sinh, giáo viên tỉnh Phú Thọ. Tại đây, Thủ tướng đã đến Trường Tiểu học Thị trấn Yên Lập, Trường THPT Yên Lập và Trường THPT Chuyên Hùng Vương.

Trường Tiểu học Thị trấn Yên Lập là trường chuẩn quốc gia cấp độ 2. Trường có tổng số 27 lớp với 907 học sinh và 41 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Nhà trường có tổng số 29 phòng học và phòng bộ môn; tổng số bộ thiết bị dạy học đồng bộ: 27 bộ/27 lớp, đáp ứng với nhu cầu sử dụng của thầy và trò.

Theo Thủ tướng, Yên Lập là huyện miền núi nên cần lưu ý tới học sinh gia đình nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số, vận động các cháu, hỗ trợ các cháu, không để bất kỳ ai bị thất học. Tinh thần hiếu học vượt qua khó khăn bất kỳ thời điểm nào là truyền thống của dân tộc ta và cần được khắc sâu trong giáo dục. Ngoài ra, cần chú ý tới các cháu yếu thế, khó khăn về sức khỏe.

Thủ tướng chỉ đạo địa phương phải đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh. Thủ tướng đề nghị chính quyền huyện, xã trích một phần kinh phí để mua sách cho các cháu mượn. Đồng thời, quan tâm giáo dục các cháu ý thức tiết kiệm, ý thức trách nhiệm, yêu thầy, yêu bạn bè, yêu đất nước, yêu quê hương.

Thăm quan cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Thị trấn Yên Lập, Thủ tướng cho rằng, nhà trường cần quan tâm hơn nữa tới cảnh quan, vệ sinh môi trường, qua đó đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Thủ tướng cũng lưu ý tới việc cải tạo lại sân trường, tránh bê tông hóa, sân trường phải có cây xanh, thảm có, trồng hoa, thoáng mát, thân thiện…

Đối với việc dạy và học, Thủ tướng yêu cầu, cần cải tiến phương pháp dạy và học, để vừa có cái chung, vừa có cái riêng, dạy cho học sinh các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Nâng cao chất lượng thể chất và văn hóa, các hoạt động tương trợ xã hội trong nhà trường. Dù hoạt động dạy và học đã trở lại bình thường, song Thủ tướng yêu cầu tiếp tục duy trì học online, qua đó giúp học sinh có điều kiện tiếp cận công nghệ, ý thức chuyển đổi số.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Yên Lập có tổng số 21 lớp với 871 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số có 704 em, tỉ lệ 80,82%; học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có 48 em; học sinh thuộc các xã đặc biệt khó khăn: 253 em. Nhà trường có 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Với 29 phòng học và phòng bộ môn, hiện Trường THPT Yên Lập vẫn còn thiếu một số phòng học bộ môn, phòng học đa năng. Ngoài ra, cơ cấu giáo viên các bộ môn chưa đồng bộ, thừa - thiếu ở một số môn. Đa số học sinh là con em dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương còn khó khăn, do đó dẫn đến công tác xã hội hóa hạn chế.

Tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra cơ sở vật chất tại địa điểm mới và trồng cây lưu niệm tại đây. Đây là trường có bề dày truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành. Trong 40 năm qua, Trường THPT Chuyên Hùng Vương có 14.341 học sinh trưởng thành, với 9.661 lượt học sinh đạt giải trong các kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, 1.292 lượt học sinh đạt giải trong các kì thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia, 18 huy chương và bằng khen trong các kì thi Olympic khu vực và Quốc tế: 2 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, 10 huy chương Đồng và 3 bằng khen; hằng năm 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và 98% học sinh đỗ vào các trường đại học hàng đầu.

Nhiều thế hệ học sinh ưu tú các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú trưởng thành từ trường THPT Kỳ Sơn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự lễ khai giảng và khánh thành, bàn giao công trình Trường THPT Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) vào ngày 3/9/2022. Trường THPT Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đóng trên địa bàn huyện miền núi biên giới, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong chặng đường 55 năm qua đã thi đua dạy tốt, học tốt, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, trở thành địa chỉ học tập tin cậy của bà con trên địa bàn. Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh ưu tú các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú... của vùng núi Rẻo cao Kỳ Sơn đã trưởng thành, công tác trên mọi miền của đất nước.

Thủ tướng: Cần lưu ý tới học sinh gia đình nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ khai giảng cùng thầy trò Trường THPT Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An).

Trường THPT Kỳ Sơn mới với 245 phòng, trong đó có 45 phòng học, 25 phòng chức năng, 126 phòng nội trú cho học sinh và 45 phòng nội trú cho giáo viên, đáp ứng cho 2.000 học sinh. Trường được xây dựng trên diện tích khoảng 2,6ha với thiết kế hiện đại, khoa học, đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Nghệ An chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống hạ tầng giáo dục; phát huy vai trò của toàn hệ thống chính trị, toàn dân, của mỗi gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục cần sớm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổng kết mô hình trường bán trú, nội trú; rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển các trường bán trú, huy động các nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn cho các em học sinh dân tộc thiểu số.

Thông báo với cán bộ, giáo viên Nhà trường về quyết định của Bộ chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, trong đó có giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho ngành giáo dục, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách để đảm bảo đời sống cho giáo viên, để giáo viên có thể yên tâm công tác, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trồng người.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ Sơn nói riêng và Nghệ An nói chung có đông đồng bào các dân tộc anh em cùng chung sống, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống rất đặc sắc. Vì vậy, mỗi ngôi trường là một trung tâm hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng văn hóa học đường trong trường học, để mỗi nhà trường không chỉ có môi trường sư phạm mẫu mực mà còn là nơi các tinh hoa, truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương, của dân tộc được nuôi dưỡng, bồi đắp, phát triển trong tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của mỗi em học sinh.

Từ năm học 2023-2024, tỉnh Nghệ An sẽ cấp học bổng và chi phí sinh hoạt cho 120 du học sinh bậc THPT của Lào sang học tập tại trường THPT Kỳ Sơn và trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là hành động rất thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc góp phần hỗ trợ nước bạn Lào trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, sự gắn bó thủy chung, trong sáng có một không hai Việt Nam - Lào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.