Cần thêm chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ít người

15/06/2021 07:31
Phụ nữ Khmer biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc mình

Phụ nữ Khmer biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc mình

Khi nói tới các dân tộc thiểu số Việt Nam, điều được nhắc nhiều là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc này. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa bản sắc này đang dần bị mai một. Trước thực trạng này, hàng năm từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, thành phố đều xây dựng và thực hiện các đề án bảo tồn.

Những yếu tố như tiếng nói, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục… làm nên giá trị đặc sắc của mỗi cộng đồng, là sợi dây gắn kết mỗi cá nhân trong cộng đồng, đồng thời cũng là cánh cửa để giao lưu, phát triển và hòa nhập với các cộng đồng khác. Các giá trị văn hóa này do các cộng đồng dân tộc thiểu số sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn và phát triển.

Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, các yếu tố văn hóa này đang dần bị mai một, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là sự tăng trưởng "nóng" về kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số, sự thiếu đầu tư nghiên cứu, đầu tư bảo tồn, cùng những thay đổi về môi trường sống, môi trường văn hóa của đồng bào.

Theo bà Phạm Thị Thúy Hà - Phó Vụ trưởng Vụ địa phương I - Ủy ban Dân tộc, số liệu tổng điều tra 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam năm 2019 cho thấy, dân tộc thiểu số rất ít người bao gồm 14 dân tộc, với những thực trạng văn hóa truyền thống đáng lo ngại. Tỷ lệ ở nhà truyền thống thấp nhất là 0,9% đối với dân tộc Ngái ở Thái Nguyên, Bình Thuận; cao nhất là dân tộc Lự ở Lai Châu với tỷ lệ 64,9%. Về tỷ lệ biết múa điệu truyền thống, ít nhất là dân tộc Chứt ở Quảng Bình chỉ chiếm 0,3%, nhiều nhất là người Ngái ở Kon Tum 47,9%.

Cần thêm chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ít người - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc Mường tham gia trò chơi truyền thống

Đối với tỷ lệ người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống, con số đáng lo ngại khi đa số dân tộc ít người, tỷ lệ này chỉ hiếm 1%, đó là dân tộc Chứt, Mảng, Pà Thẻn, Si La. Trong khí đó, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ dân tộc của mình chỉ phát hiện ở dân tộc Lô Lô sinh sống ở Cao Bằng, Hà Giang. Các dân tộc khác đều không thấy có con số thống kê.

Đứng trước thực trạng mai một của các nền văn hóa dân tộc ít người, hàng năm từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố đều xây dựng và thực hiện các đề án bảo tồn.

Là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số, dân tộc rất ít người, năm 2001, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã xây dựng đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc". Hiện nay, Lào Cai đang thực hiện giai đoạn 3. Mục tiêu là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và khai thác các loại cây con, ngành nghề, sản vật… mang tính đặc sản nhằm phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu của người dân. Đề án đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, làm thay đổi cách nghĩ của người dân.

Cũng giống như tỉnh Lào Cai, UBND huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) đã xây dựng và thực hiện Đề án "Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016-2020", góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển toàn diện và bền vững kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Cần thêm những chính sách cụ thể 

Ở nhiều tỉnh, địa phương trên toàn quốc cũng đã mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La... tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình... Các lớp này do chính các nghệ nhân - chủ thể của văn hóa các dân tộc, người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch bền vững, giúp người dân giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nơi sinh sống. Đây chính là một trong các hình thức hiệu quả đem lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức tự giác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng trên thực tế, công tác bảo tồn vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập do điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương và của chính bản thân đồng bào vẫn còn hạn chế. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Cần thêm chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ít người - Ảnh 2.

Cây nêu do các nghệ nhân dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk) chế tác. Ảnh: Đào Loan

Theo bà Phạm Thị Thúy Hà, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ dân tộc thiểu số, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; trong đó có chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với đó là việc tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn làng, bản, buôn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn