Cẩn trọng với tin đồn khi chơi cổ phiếu

28/10/2015 - 14:57
Dạng tin đồn thường gặp nhất là thông tin về mua bán, sáp nhận doanh nghiệp. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu thấy giá cổ phiếu phản ứng tiêu cực, biến chuyển một cách bất hợp lý thì nên bán tháo cổ phiếu càng nhanh càng tốt.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư luôn cực kỳ nhạy cảm trước các loại tin đồn. Vậy, làm sao hiểu thực chất và đối phó với các tin đồn để tránh rủi ro?

Hẳn những người từng chơi chứng khoán vẫn còn nhớ rõ phiên “đổ dốc” của VN-Index, mất tới 18 điểm, cách đây vài năm, khi tin đồn về vị lãnh đạo một ngân hàng bị bắt tràn ngập thị trường. Đó được coi là một “tai nạn” lớn khi rất nhiều nhà đầu tư đã mất trắng hàng nghìn tỉ đồng chỉ trong một vài ngày.

Theo giới chuyên gia, các tin đồn luôn tạo ra những tác động cực lớn đối với thị trường chứng khoán, với những phản ứng gần như tức thì. Ngày nay, với sự “tiếp sức” của công nghệ truyền thông và mạng xã hội, sức lan tỏa của tin đồn còn “khủng khiếp” hơn, thường là trước khi công ty hay doanh nghiệp “bị đồn” kịp đưa ra thông báo chính thức để phân bua, cải chính hay xác nhận. Những tin đồn này có thể khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, khiến một số người từ vị thế của những tỉ phú, đại gia, trở nên trắng tay!

Vậy, làm sao để có thể “đối phó” hiệu quả với các tin đồn? Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, được đăng tải trên tạp chí Business Today (Ấn Độ), thì trước hết, nhà đầu tư cần phải hiểu sự khác biệt giữa tin đồn và tin tức chưa được xác nhận. Tin đồn thường rất khó xác định nguồn gốc và có thể đến từ những nguồn khác nhau như bạn bè, gia đình, quan chức bộ hay thậm chí là giới truyền thông…
Nhà đầu tư cần phải hiểu sự khác biệt giữa tin đồn và tin tức chưa được xác nhận. Ảnh minh họa: Theo Shutter Stock

Còn thông tin chưa được xác nhận thường được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường đề “nguồn giấu tên”. Tin đồn có “sức công phá” mạnh hơn và cần đặc biệt lưu tâm đến dạng “thông tin vỉa hè” này. Còn với thông tin chưa được xác nhận thì cần tìm hiểu đến nơi đến chốn, tìm tới tận “gốc” của thông tin, để biết rõ đó có phải là thông tin chính xác hay không.

Với những tin đồn thất thiệt, đa số trường hợp nhà đầu tư không có cơ hội để “lái” cổ phiếu theo ý muốn của mình. Dạng tin đồn thường gặp nhất là “thông tin” về mua bán, sáp nhận doanh nghiệp (M&A). Giới chuyên gia cảnh báo, nếu thấy giá cổ phiếu phản ứng tiêu cực, biến chuyển một cách bất hợp lý thì nên bán tháo cổ phiếu càng nhanh càng tốt.

Một dạng tin đồn cũng rất phổ biến khác, đó là thông tin về thay đổi nhân sự. Những tin tức về một quan chức tham gia 1 vụ lừa đảo hoặc lạm dụng quỹ của công ty có thể khiến giá cổ phiếu giảm. Tuy nhiên, quá trình xác nhận tin đồn này thường rất khó khăn. Trong bối cảnh thị trường có cảm quan tiêu cực, những tin đồn kiểu đó có thể tạo nên hiệu ứng domino cho giá cổ phiếu. Trong trường hợp này, quyết định sáng suốt hơn cả cũng là nên bán cổ phiếu.

Dạng tin đồn phổ biến kế tiếp là về huy động vốn. Tin đồn dạng này thường giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao. Trong trường hợp đó, các nhà đầu tư có thể theo dõi quy mô huy động vốn của các công ty đối thủ hoặc có quy mô tương đương để đưa ra quyết định.

Cuối cùng là tin đồn hủy niêm yết - loại tin đồn thường gây “khó chịu” đối với các nhà đầu tư dài hạn. Bất ổn hoặc những bê bối liên quan đến thuế thường được các nhà đầu tư sử dụng làm căn cứ để không mua cổ phiếu của một công ty. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể đầu tư vào những công ty có yếu tố căn bản tốt nếu có tin đồn về hủy niêm yết.

Trong khi những tin đồn thế này có thể tác động tới giá cổ phiếu, các nhà đầu tư dài hạn nên đánh giá tác động của nó tới công ty. Nếu tác động bất lợi, nhà đầu tư nên từ bỏ và chuyển hướng sang các loại cổ phiếu khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm