Canh cánh nỗi lo hôn nhân cận huyết ở người Chứt

12/10/2022 11:47
Chị Hồ Thị Bình, người dân bản Rào Tre

Chị Hồ Thị Bình, người dân bản Rào Tre

Sau 30 năm rời hang đá, về sống định canh ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), cuộc sống của người dân tộc Chứt đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, nỗi lo còn canh cánh khi tình trạng mất cân bằng giới tính ở tuổi vị thành niên ở bản đang cao.

Đám cưới bước qua "lời nguyền"

Dưới chân núi Ka Đay, hàng chục ngôi nhà với mái ngói đỏ tươi là nơi cư ngụ của gần 150 người dân tộc Chứt suốt hơn 30 năm qua. Trên con đường đất chạy xuyên qua bản là những dãy nhà tái định cư kiên cố tựa lưng vào dãy Ka Đay hùng vĩ. Quanh vườn là màu xanh của những loại cây, là tiếng gà cục cục gọi bầy đến vui tai. Còn phía trước bản Rào Tre là những thửa ruộng lúa nước. Người dân bản Rào Tre đã biết cày, cấy, ươm mạ… cho những vụ mùa. Trong nhà của đồng bào, những chiếc ti vi, xe máy… được bà con sắm sửa, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình.

Trưởng bản Hồ Kiên vui vẻ chia sẻ: "Cuộc sống bà con đã thay đổi rất nhiều. Ánh sáng văn hóa về với bản Rào Tre. Đồng bào người Chứt đã tự tin giao lưu với người Kinh và các bản làng dân tộc ở vùng rừng núi tỉnh Quảng Bình".

Canh cánh nỗi lo hôn nhân cận huyết ở người Chứt (bài cuối) - Ảnh 1.

Cán bộ biên phòng tuyên truyền cho phụ nữ về kế hoạch hoá gia đình

Người trẻ ở Rào Tre đã bước qua "lời nguyền" để lập gia đình với người ngoài bản. Cuối năm 2015, Hồ Thị Mỹ Duyên đã nên vợ chồng với chàng trai người Kinh là Nguyễn Đình Nhân. Đây được xem là đám cưới lịch sử của bản, góp phần thúc đẩy người Chứt đi tìm vợ ở bản khác, tránh hôn nhân cận huyết. Tâm sự với chúng tôi, anh Nhân cho biết, quyết định kết hôn với vợ người dân tộc thiểu số khiến anh ban đầu gặp nhiều cản trở từ gia đình. Nhưng gia đình anh sau đó cũng ủng hộ. "Nhờ bộ đội biên phòng giúp đỡ mà đám cưới của vợ chồng tôi diễn ra tốt đẹp. Bây giờ, vợ chồng tôi sống hạnh phúc với con trai 5 tuổi. Các chú bộ đội còn xây cho vợ chồng ngôi nhà sàn kiên cố để ở nữa. Chúng tôi không biết lấy gì báo đáp ơn nghĩa này", anh Nhân cho biết.

Ở bản Rào Tre giờ đây không chỉ thầy mo thất nghiệp, những đám cưới cũng bước qua hủ tục mà điều đáng mừng hơn chính là phụ nữ đã ý thức hơn trong việc kế hoạch hoá gia đình. Khi được hỏi về chuyện sinh con ở bản, nhiều chị em cho biết: "Không sinh nhiều nữa đâu, sinh nhiều không có tiền nuôi con".

Chị Hồ Thị Bình, ở bản Rào Tre, chia sẻ: "Trong bản hiện có 30 chị. Được tuyên truyền, chị em đều thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Hiện nay, trong bản đa số hộ gia đình sinh 2 - 3 con. Sau khi sinh đứa thứ 3, chị em chủ động tìm đến biện pháp can thiệp đặt vòng tránh thai".

Canh cánh nỗi lo hôn nhân cận huyết ở người Chứt (bài cuối) - Ảnh 2.

Cán bộ cắm bản hướng dẫn bà con người Chứt trồng lúa nước

Ngồi cạnh chị Bình, bồng trên tay đứa con đầu lòng, người mẹ trẻ Hồ Thị Khuyên (24 tuổi) chia sẻ: "Trước đây, ông bà sinh nhiều con nên khổ, giờ được cán bộ tuyên truyền nên sau khi sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng em đã bàn với nhau thực hiện kế hoạch hoá gia đình để tập trung nuôi dạy con và phát triển kinh tế. Chồng em đã đi nghĩa vụ quân sự gần 1 năm. Sau này anh xuất ngũ, nếu điều kiện kinh tế gia đình khá hơn mới sinh đứa thứ 2".

Nỗi lo mất cân bằng giới tính

Ông Hồ Đoỏng được coi là thuộc thế hệ nhiều tuổi nhất ở bản Rào Tre, dù chính ông cũng không biết năm nay mình bao nhiêu tuổi. Thấy có người lạ vào nhà, ông Đoỏng đon đả cho biết, bà con dân bản biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm. Nếu không được đưa về định cư ở bản Rào Tre thì không biết người Chứt sẽ đi đâu trong rừng sâu, suối thẳm. "Bản Rào Tre đã có nhiều đổi mới, bà con biết trồng lúa nước, hoa màu, phát triển chăn nuôi. Thế hệ con cháu được học hành, một số em đã thi đậu vào trường đại học, cao đẳng. Các em chính là những mầm xanh, biến khát vọng vượt đỉnh núi Ka Đay trở thành hiện thực", ông Hồ Đoỏng tự hào khoe.

Tuy nhiên, nỗi lo về hôn nhân cận huyết vẫn còn canh cánh. Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre (Đồn biên phòng Bản Giàng thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), cho biết, hiện nay có 16 người Chứt đủ tuổi kết hôn, trong đó có 14 nam, 2 nữ. So với nữ, nam giới người Chứt khó lấy vợ người dân tộc khác hơn. Vì vậy, nếu không khéo vận động và tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với bên ngoài thì nguy cơ hôn nhân cận huyết có thể tái diễn.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết: "Trước tình trạng mất cân bằng giới tính ở tuổi vị thành niên ở bản Rào Tre đang cao, nguy cơ tái hôn nhân cận huyết có thể diễn ra, chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, giáo dục về sức khoẻ cho bà con, kêu gọi, khuyến khích người trẻ tìm hiểu, kết hôn với người dân tộc khác. Bên cạnh đó, phía huyện cũng đề xuất với UBND tỉnh hằng năm cử tuyển học sinh dân tộc Chứt tốt nghiệp THPT đi học ở các trường sư phạm, trung cấp, sơ cấp, tạo điều kiện để các em có việc làm, giao lưu với bên ngoài, có cơ hội tìm hiểu người khác giới".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.